Lừa đảo bằng công nghệ cao vẫn rất phổ biến với nhiều biến tướng tinh vi

Thứ Ba, 22/09/2020 10:23

|

(CATP) Thời gian gần đây, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, uy tín, thương hiệu của hệ thống ngân hàng (NH), nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (TS).

Ngoài ra, bọn lừa đảo còn dùng các thủ đoạn như hack e-mail; làm quen trên mạng xã hội như Facebook, Viber, Zalo; gọi điện tự xưng là đại diện cho cơ quan pháp luật thông báo nợ tiền cước điện thoại, điện, nước, liên quan đến một vụ án, "rửa tiền"; huy động tài chính thông qua internet, núp bóng dưới mô hình kinh doanh đa cấp có sử dụng các loại tiền ảo...

THẺ TÍN DỤNG ƯU ĐÃI "GỬI TẬN NHÀ"

Vừa qua, tại TPHCM xuất hiện nhiều trường hợp mạo danh nhân viên các ngân hàng gọi điện tư vấn hoặc nhắn tin, gửi email mời KH mở TTD ưu đãi lớn, trong khi mức phí rẻ và chỉ cần cung cấp thông tin qua điện thoại (ĐT), thẻ sẽ được giao đến tận nhà qua đường bưu điện. Điều đáng nói là khi cầm trên tay chiếc thẻ không giao dịch được, khách gọi lên NH mới biết mình bị lừa.

Các đối tượng lừa đảo nhắn tin và gửi thẻ tín dụng giả của SCB qua đường bưu điện để chiếm đoạt tiền khách hàng

Để ngăn chặn tình trạng trên, ngày 8-9 phía SCB đã phát cảnh báo về thủ đoạn này và cho biết, các đối tượng sử dụng thiết bị viễn thông, đa phương tiện: lập trang web, gửi thư điện tử gắn với thương hiệu SCB, gọi điện hoặc gửi tin nhắn, email xưng là nhân viên NH chào mời khách mở TTD với nhiều ưu đãi (hạn mức lên đến 30 triệu đồng, miễn lãi suất trong vòng 3 năm...). Điều đáng nói là quy trình làm thẻ được hướng dẫn một cách bài bản khiến chẳng ai nghi ngờ.

Sau khi nhận được nội dung thông báo "Khách hàng đã được SCB phê duyệt 1 khoản vay tín chấp hoặc 1 thẻ tín dụng", KH tiếp tục được các đối tượng chuyển cho tấm thẻ nhựa thông qua đường bưu điện, yêu cầu người nhận trả phí phát hành từ 300 ngàn đồng trở lên. Nhưng khi tiền được chuyển đi, các số ĐT đã liên hệ với KH trước đó đều mất tín hiệu và tất nhiên chiếc thẻ nhựa kém thẩm mỹ, thông tin sơ sài, dù đã cố bắt chước logo cùng mẫu mã của SCB với tên, dãy số cùng ô mã vạch một cách chi tiết chẳng thể sử dụng được.

Đại diện SCB khẳng định, việc mở TTD tại NH được thực hiện chặt chẽ, không yêu cầu khách nạp tiền/chuyển khoản hay thu bất kỳ khoản phí nào. Phía NH khuyến cáo KH cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp sử dụng vào mục đích trái phép. Khi phát hiện bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo trong quá trình giao dịch, KH có thể liên hệ ngay số hotline: 1900 6538/1800 5454 38 hoặc điểm giao dịch của SCB gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Tương tự, đại diện NH Shinhan cho biết, các đối tượng thường gửi tin nhắn văn bản hoặc thông qua các mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo, Viber... chứa đường dẫn liên kết đến website giả mạo có tên địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thống của NH, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán... yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo, từ đó thực hiện giao dịch chiếm đoạt TS của KH.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng những thiết bị hiện đại thực hiện hành vi phạm tội

"Đối tượng lừa đảo thường gửi tin nhắn văn bản yêu cầu thay đổi mật khẩu tài khoản (TK) NH theo đường dẫn liên kết giả mạo, yêu cầu cung cấp mã xác thực OTP... Vì vậy, trong trường hợp cần được hỗ trợ để xác thực thông tin, KH nên liên hệ hoặc đến trực tiếp tại các trung tâm dịch vụ KH hoặc chi nhánh, phòng giao dịch để kiểm tra mức độ chính xác", đại diện Shinhan chia sẻ.

Mới đây, NH thương mại CP Phương Đông (OCB) tiếp nhận thông tin từ KH cho biết, có một số đối tượng tự xưng nhân viên OCB liên hệ thông báo KH được duyệt mở TTD hạn mức cao, miễn lãi suất trong 3 năm, yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ từ 300.000 - 400.000 đồng để lừa đảo.

Trước thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, để tránh thiệt hại về tài sản, các NH khuyến cáo cá nhân, tổ chức cần cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn qua ĐT, trên MXH, email xưng là nhân viên NH yêu cầu chuyển khoản phí mở TTD; kiểm tra lại tên miền của trang web giao dịch trong trường hợp nghi ngờ. Khách cần cảnh giác khi giao dịch trực tuyến, qua dịch vụ Internet Banking, tuyệt đối không cung cấp mã PIN thẻ, mật khẩu, mã OTP, không chia sẻ hay cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các đường dẫn, email, ĐT, tin nhắn... chưa được xác thực.

NHIỀU NẠN NHÂN "SẬP BẪY"

Theo ghi nhận của CATP, rất nhiều nạn nhân đã sập bẫy với những chiêu trò rất đơn giản. Điển hình, CATP vừa ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam Hứa Thị Ngọc Trâm (SN 1994) cùng Patrick Destiny Ifeanyi (SN 1992, quốc tịch Nigeria) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cả hai đã tạo tài khoản Facebook giả là tướng quân đội Mỹ tên Paul Hagen Reardon kết bạn với bà K.A (ngụ Q.Gò Vấp) và hứa hẹn gửi cho 900.000USD.

Sau đó, Trâm giả nhân viên Hải quan gọi điện cho bà A. yêu cầu đóng tiền phạt, tiền phí và tiền "bôi trơn"... để nhận số ngoại tệ trên khi về đến Việt Nam. Tin lời, bà K.A chuyển gần 400 triệu đồng cho Trâm và Patrick. Công an xác định, cả hai còn câu kết với các đối tượng người nước ngoài gốc Phi tại Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia... sử dụng mạng xã hội giả mạo doanh nhân, bác sĩ Liên hợp quốc... sử dụng thủ đoạn trên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản các nạn nhân tại Việt Nam.

Ngày 16-3-2020, anh N.V.A (ngụ Q.Tân Phú) nhận được cuộc gọi đến từ đầu số +800.692... Đầu dây bên kia một người xưng là "cán bộ công an" nói anh A. có liên quan đến đường dây tội phạm. "Cán bộ" này yêu cầu anh A. phải chuyển tiền để xác minh, nếu không liên can thì sẽ trả lại. Đồng thời, "cán bộ" còn cung cấp số tài khoản ngân hàng để anh A. chuyển tiền kiểm tra. Vì lo sợ nên anh A. đã chuyển nửa tỷ đồng vào tài khoản tên Hồ Thị Ngọc Huyền. Sau đó, anh A. phát hiện mình bị lừa nên đã trình báo.

Trước đó, ông B.A.K (ngụ TPHCM) nhận được cuộc gọi của người đàn ông tự giới thiệu là công an đang điều tra vụ án về đường dây tội phạm "rửa tiền" quốc tế liên quan đến ông K. Khác với thủ đoạn yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để kiểm tra thì "cán bộ" này yêu cầu ông K. đến một ngân hàng mở tài khoản mới mang tên ông. Tuy nhiên, "cán bộ" yêu cầu đăng ký sử dụng vụ Internet Banking bằng số điện thoại "cán bộ" cung cấp. Với chiêu thức này, nạn nhân mất cảnh giác do nghĩ tài khoản là của mình đứng tên nên khi chuyển tiền vào sẽ không sao.

Tang vật trong vụ Công an TPHCM bắt 20 đối tượng Trung Quốc sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ông K. đã chuyển gần 1 tỷ đồng vào tài khoản của mình mới mở với lời hứa "không liên quan sẽ được rút trong ngày". Tiếp sau đó, "cán bộ công an" yêu cầu ông K. chuyển thêm gần 150 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng khác mang tên Lê Văn Hợp có chi nhánh Tân Bình để làm chi phí nhận lại số tiền gần 1 tỷ ông chuyển trước đó. Khi nạn nhân đã nộp tiền vào 2 tài khoản trên thì các đối tượng sử dụng dịch vụ Internet Banking chuyển tiền qua tài khoản khác chiếm đoạt.

Tương tự, ông L.V.C (ngụ TPHCM) cũng bị lừa đảo chiếm đoạt gần 700 triệu đồng. "Cán bộ công an" cũng yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản đứng tên Lê Văn Hợp mở tại một ngân hàng có chi nhánh tại TPHCM. Sau khi ông C. chuyển thì chúng rút chiếm đoạt. Cùng thủ đoạn, Bà L.T.T.T (ngụ Q.Thủ Đức) cũng bị "cán bộ công an" hù dọa chuyển gần 2 tỷ đồng và 2 số tài khoản chúng yêu cầu. Hai tài khoản này được các đối tượng sử dụng Internet Banking chuyển đến các tài khoản mang tên Trương Thị Thanh và Đinh Văn Quý để chiếm đoạt.

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM

Các đối tượng lừa đảo qua mạng rất tinh vi, phương thức thủ đoạn luôn đổi mới: dùng công nghệ giả danh các số ĐT của bưu chính, bưu cục, thậm chí mã số hóa đầu số 069 của Bộ Công an gọi đến thực hiện hành vi lừa đảo: thông báo nợ cước ĐT hoặc liên quan tới vụ án rửa tiền, dọa nạt, yêu cầu nạn nhân hợp tác điều tra và làm theo hướng dẫn nếu không sẽ bị bắt tạm giam 3 tháng hoặc xử lý hình sự.

Sau khi dò được thông tin cá nhân, số TK, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển vào TK của "cơ quan pháp luật" để kiểm tra và sẽ trả lại trong vài giờ, sau đó rút sạch. Có nạn nhân ở Q.Tân Phú chuyển 2 lần 500 triệu đồng, một số trường hợp ở các tỉnh thành khác chuyển hàng tỷ đồng...

Với loại tội phạm này, CATP khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy ĐT, lập tức xác minh số gọi đến; không cung cấp số ĐT riêng, TK, TTD, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.

Còn với thủ đoạn lừa hack mail thì nạn nhân là các DN có quan hệ mua bán với công ty nước ngoài, thường giao dịch qua email nên các đối tượng lừa đảo xâm nhập email của DN để lấy thông tin về các hợp đồng mua bán hàng hóa, thanh toán tiền. Sau đó, chúng tạo email giả (giống với email thật của hai bên hoặc chỉ sai khác một ký tự) của đối tác thanh toán tiền hàng và gửi email yêu cầu gửi tiền vào số TK khác với lý do TK thường giao dịch đang gặp trục trặc (do DN đang bị thanh kiểm tra hoặc TK bị phong tỏa...).

Chính vì thế, các DN cần kiểm tra địa chỉ email của đối tác, đảm bảo chính xác 100%. Trường hợp nhận được email yêu cầu thay đổi số TK thụ hưởng thì tuyệt đối không được chuyển tiền mà phải liên lạc ngay với DN đối tác bằng ĐT để tránh bị lừa đảo.

Trong các trường hợp trên, nếu người dân đã chuyển tiền thì phải báo NH phong tỏa ngay khoản đã chuyển và thông báo cho cơ quan CA gần nhất để xử lý. "Khi có vụ án nào đó liên quan đến người dân, cơ quan điều tra sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập được ký tên, đóng dấu, ghi ngày tháng, địa chỉ trụ sở cơ quan rất rõ ràng và tất cả đều được gửi qua cảnh sát khu vực chuyển đến cho người dân. Tất cả các hành vi gọi điện cho người dân nói rằng có lệnh bắt, tạm giam, tạm giữ đều là phương thức của đối tượng lừa đảo, bà con cần cảnh giác để tránh sập bẫy", thượng tá Nam khuyến cáo.

TRÚC GIANG

Bình luận (0)

Lên đầu trang