Vụ sinh viên chạy xe ôm công nghệ bị sát hại:

Những cuốc xe đánh cược bằng sinh mạng

Thứ Tư, 02/10/2019 14:49

|

(CATP) Sự ra đi đường đột của chàng sinh viên chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền ăn học khi mới tròn 18 tuổi cùng dòng tin nhắn dự báo điều chẳng lành sẽ đến với mình, khiến dư luận bàng hoàng.

Trước án mạng này, nhiều vụ sát hại tài xế xe ôm công nghệ khác đã xảy ra, để lại nỗi đau khó xóa mờ. Đây là những hồi chuông cảnh báo được gióng lên, nhắc các bên liên quan cấp thiết xây dựng phương án tối ưu, nhằm bảo vệ an toàn cho các tài xế đang hành nghề.

KHI KHÁCH TRỞ MẶT THÀNH... “QUỶ DỮ”!

Nguyễn Cao Sang (SN 2001, ngụ xã Vĩnh Yên, H.Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đang là sinh viên năm nhất của Trường Cao đẳng Công nghệ ôtô tại Hà Nội. Trong ký ức người thân và bạn bè, cậu là chàng trai dễ mến, đầy nghị lực. Kinh tế gia đình khó khăn, những lúc rảnh ngoài giờ học, Sang đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho bản thân và phụ giúp gia đình. Sang mới đến Hà Nội học từ đầu tháng 9-2019. Chiếc xe được gia đình tích cóp và vay mượn thêm mua cho đi học, được Sang dùng làm “cần câu cơm” chạy GrabBike.

Nhưng hành trình tuổi 18 đầy hứa hẹn đã khép lại với Sang. Đêm trước khi bị giết, Sang bất ngờ nhận cuốc xe định mệnh. Dường như Sang linh cảm được điều chẳng lành sẽ xảy đến, nhưng vì mưu sinh, cậu chỉ kịp để lại dòng tin nhắn “Có gì báo công an nhé” gửi đến người bạn thân, rồi chở khách đi.

Sau 2 ngày người bạn chung phòng không nhận được bất kỳ hồi âm nào từ Sang, thông tin nhanh chóng được trình báo công an địa phương, nơi Sang cư ngụ. Đến tối 28-9-2019, hung tin về cái chết của Sang được cơ quan chức năng thông báo, khiến người thân của cậu suy sụp. Theo CAQ Bắc Từ Liêm (Hà Nội), thi thể của Sang được phát hiện tại bãi đất cách cầu Thăng Long khoảng 2km, có nhiều vết thương. Chiếc dép Sang thường mang nằm cách thi thể gần 100m. Xe máy và điện thoại của nạn nhân đã “biến mất”.

Cơ quan điều tra đưa hai nghi phạm ra thực nghiệm tại hiện trường vụ án vào chiều 1-10

Qua điều tra, bước đầu công an xác định: Khoảng 20 giờ 30 ngày 26-9-2019, nạn nhân chạy xe Exciter chở theo 2 người khách bắt xe trên đường, không thông qua ứng dụng đặt xe Grab. Lịch trình di chuyển bắt đầu từ Bến xe Mỹ Đình đến khu vực P.Thụy Phương. Đến khu vực Tổ dân phố Tân Phong (P.Thụy Phương), kẻ xấu bất ngờ dùng hung khí đâm chết tài xế để cướp xe máy và iPhone 7 Plus.

Bước đầu, cơ quan điều tra khoanh vùng 2 nghi phạm sát hại Sang chính là 2 người khách được cậu chở mà không thông qua ứng dụng gọi xe. Lực lượng chức năng huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ truy lùng 2 nghi can, cùng với sự chia sẻ của cộng đồng mạng liên tục trong mấy ngày qua, nhưng cả hai đối tượng không hề hay biết. Hai tên cướp đã bị các trinh sát bắt khi đang lẩn trốn tại Yên Bái.

Tại cơ quan điều tra, danh tính 2 đối tượng được xác định là Đinh Văn Giáp (SN 1995, ngụ xã Phù Nham) và Đinh Văn Trường (SN 2000, ngụ xã Thanh Lương, cùng H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Sau khi lấy lời khai, bước đầu công an xác định hung thủ trực tiếp gây ra cái chết của nam sinh viên xấu số là nghi phạm Đinh Văn Giáp.

Hai nghi phạm Đinh Văn Giáp và Đinh Văn Trường tại cơ quan điều tra

Theo đó, tối 26-9, Giáp và Trường cùng đến trước khu vực Bến xe Mỹ Đình ngồi, gặp tài xế Sang và thuê chở về phố Tân Phong (P.Thụy Phương, Q.Bắc Từ Liêm). Khi đến nơi, Giáp nói với nạn nhân rằng không có tiền và hẹn 2 ngày sau sẽ trả, nhưng Sang không đồng ý. Hai bên lời qua tiếng lại. Lúc này, Giáp rút dao nhọn thủ sẵn trong người ra. Sang bỏ chạy về phía nhà dân, nhưng khu vực này khá hoang vắng. Giáp đuổi theo đâm vào lưng Sang.

Sau khi gây án, Giáp quay ra lấy xe máy của Sang và bảo Trường lên xe rồi cả hai chạy về quê ở Yên Bái. Ngày 1-10, cơ quan công an tổ chức thực nghiệm hiện trường đối với hai nghi phạm trên để phục vụ công tác điều tra.

SINH VIÊN ĐÁNH CƯỢC TÍNH MẠNG VÌ KIẾM TIỀN ĂN HỌC

Câu chuyện về cái chết của chàng thanh niên xấu số trên cùng dòng tin nhắn thể hiện linh cảm về chuyện chẳng lành gây ra nhiều tranh luận. Ngoài việc chia sẻ với nỗi đau của gia đình Sang, rõ ràng việc bất chấp nguy hiểm để nhận chở khách của tài xế xe ôm công nghệ, cũng như đón khách không thông qua ứng dụng là kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng để gây án.

Thời buổi công nghệ 4.0 giúp nhiều sinh viên tại các thành phố lớn có cơ hội kiếm thêm thu nhập bằng nghề chạy xe ôm công nghệ. Nghề này thu nhập tương đối ổn định, thời gian linh hoạt nên được đông đảo sinh viên lựa chọn. Tuy nhiên, do chưa được trang bị nhiều kiến thức liên quan cũng như các kỹ năng phòng vệ, nhóm đối tượng này trở thành “con mồi” mà tội phạm cướp tài sản nhắm đến.

Một tài xế Grabike ngủ thiếp đi sau khi chạy xe xuyên đêm

Câu chuyện chàng tài xế xe ôm công nghệ 20 tuổi Lê Nhựt Hảo (sinh viên, quê Bình Thuận) bị Lê Minh Thuận (15 tuổi) sát hại vào cùng thời điểm này năm ngoái vẫn còn ám ảnh nhiều người. Mới đây, TAND TPHCM đưa vụ án này ra xét xử. Tuy nhiên, hội đồng xét xử cho rằng Viện kiểm sát truy tố Thuận chưa tương xứng với hành vi phạm tội, nên yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo hồ sơ vụ án, Thuận học đến lớp 7 thì nghỉ, làm công cho một tiệm bạc ở H.Bình Chánh (TPHCM). Muốn có xe máy để đi nhưng không có tiền mua, Thuận nảy sinh ý định cướp xe ôm công nghệ. Rạng sáng 19-10-2018, Thuận thấy anh Hảo chạy xe Winner trả khách ở Bến xe Miền Tây, liền thuê chở về chợ Hưng Long. Đến đoạn vắng tại xã Phong Phú (H.Bình Chánh), Thuận bảo dừng lại tính tiền rồi rút dao kề vào bụng anh Hảo, buộc đưa chìa khóa xe. Anh Hảo hoảng sợ làm theo, bị đối tượng đạp ngã xuống đường. Xe không thể khởi động do có hệ thống chống trộm, Thuận ép nạn nhân đưa thiết bị điều khiển, nhưng anh Hảo tri hô. Đối tượng liền dùng hung khí mang theo tấn công đến khi nạn nhân bất động.

KHÔNG THỂ TIẾP TỤC THỜ Ơ

Thời gian qua, tình trạng các tài xế xe ôm là sinh viên bị kẻ xấu tấn công xảy ra khá nhiều, khiến dư luận băn khoăn, lo lắng. Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, tài xế GrabBike Nguyễn Minh Chính cho rằng, phía đơn vị cung ứng dịch vụ, như: Grab, Go Việt, Bee... cần bổ sung thêm nhiều tính năng bảo vệ tài xế, đặc biệt là việc đảm bảo danh tính khách hàng luôn chính xác, tránh tình trạng kẻ xấu trà trộn. “Ví dụ như việc cánh tài xế hoạt động sau 22 giờ, phía ứng dụng có thể bổ sung tính năng xác thực danh tính trên thiết bị người dùng hoặc của tài xế” - anh Chính nói.

Tài xế Nguyễn Thành Trung đang cộng tác với hãng gọi xe công nghệ Bee cho biết, trong khi chờ những động thái bảo vệ từ các hãng gọi xe, cánh tài xế cần tự nâng cao ý thức bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân. “Tôi đã lập ra nhóm bạn trên mạng xã hội, do tôi làm trưởng nhóm. Mọi cuốc xe của các thành viên trong nhóm đều công khai trong nhóm này, để các thành viên có thể thay nhau giám sát. Chúng tôi luôn đặt tiêu chí tính mạng quan trọng hơn tiền bạc để cùng nhau nâng cao ý thức cảnh giác, kiên quyết không kiếm tiền mà bất chấp hiểm nguy” - anh Trung cho biết.

Nhóm tài xế xe công nghệ đang thực hiện kỹ năng phòng, chống cướp cho nhau

Sau khi những vụ việc đáng tiếc liên tục xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ gọi xe trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cho lái xe khi gặp những tình huống xấu. Phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ lộ trình của các chuyến xe.

Trong tất cả các trường hợp, nếu tài xế gặp những sự cố từ tai nạn, trộm, cướp..., phía doanh nghiệp phải là nơi đầu tiên tiếp nhận và đứng ra hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, trước tình trạng các đối tượng đang tập trung nhắm đến cánh tài xế xe công nghệ, doanh nghiệp vận tải hoặc cung ứng dịch vụ gọi xe phải kịp thời nắm bắt tình huống, trình báo và phối hợp với cơ quan công an để sớm phát hiện, xử lý.

Một trinh sát hình sự thuộc Đội Cảnh sát đặc nhiệm Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM cho biết: Trong mọi trường hợp bị kẻ xấu tấn công, cánh tài xế và cả hành khách đều là người rơi vào thế bị động. Việc thực hiện theo mọi yêu cầu của đối tượng để đảm bảo an toàn mạng sống mới thực sự là hành động sáng suốt.

Để ngăn chặn các sự cố xấu nhất có thể xảy ra, tài xế và cả hành khách cần nâng cao tinh thần cảnh giác ngay từ đầu. Đặc biệt, nhóm tài xế xe công nghệ, nhất là tài xế xe ôm nên hạn chế hoạt động trong đêm khuya. Cụ thể là không đón những khách ven đường mà không qua ứng dụng gọi xe, nên hoạt động theo nhóm ở nơi có đèn đường hoặc nhà dân, sẵn sàng từ chối các cuốc xe mà khách có biểu hiện khả nghi...

Trao đổi với truyền thông, đại diện Grab Việt Nam cho biết: Khi đăng ký hoạt động, ngoài việc được tập huấn về lái xe an toàn, tài xế sẽ qua các lớp đào tạo kỹ năng tự vệ cơ bản, những cách nhận diện rủi ro, thực hành ứng phó với các tình huống nguy hiểm. Doanh nghiệp này cũng lập ra các đội phản ứng nhanh, nhằm phối hợp hỗ trợ hoặc thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý nhanh khi tài xế gặp nạn trên đường.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho tài xế, doanh nghiệp này đã mua bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm rủi ro của Công ty bảo hiểm Liberty cho tất cả các đối tác là tài xế của mình. Trong suốt hành trình một chuyến xe thông qua ứng dụng Grab, các tài xế đều được hưởng gói bảo hiểm này nếu gặp sự cố hoặc tai nạn trên đường.

Thực nghiệm hiện trường vụ sát hại nam sinh chạy Grabbike cướp xe
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang