Sóng ngầm sòng bạc và các "trùm" ở miền Đông Nam bộ:

Kỳ 2: Hé lộ những tay "trùm"

Thứ Tư, 05/02/2020 09:02

|

(CATP) Dưới lớp vỏ bọc là doanh nhân, đại gia kinh doanh bất động sản, chủ tiệm vàng… những tay chủ sòng bạc mặc nhiên “phù phép” tài sản kiếm được từ phi pháp trở thành… hợp pháp!

Tiền mạnh, “quân” đông thì đương nhiên sẽ sinh ra thế lực. Các đối tượng đầu sỏ đã bám chắc nguyên lý đó để tồn tại và phô trương thanh thế, từ đó "vươn vòi" trở thành những tay "trùm" trong thế giới đỏ đen đầy cạm bẫy, phức tạp.

Từ "tứ quái" Biên Hoà

Trong bài viết đầu tiên, Báo Công an TPHCM đã khắc hoạ "sơ sơ" chân dung của “bố già” H. “lân, khi phóng viên thâm nhập vào sới bạc của gã. Ở xứ Biên Hoà, một khi nghe nhắc đến tên của H. “lân”, hầu như dân cờ bạc ai cũng biết.

Tường tận hơn, từ những năm 2007 trở đi, vùng đất này là nơi dung thân của hàng loạt băng nhóm có tổ chức, dưới sự điều hành của các “đại ca” khét tiếng như: L. “thanh” (tên thật Nguyễn Văn L.), H. “vườn điều” (tên thật Phạm Duy H.), C. “râu” (Trần Xuân C.).

Chúng chuyên tổ chức xóc đĩa, tài xỉu, đá gà, cá độ bóng đá, đánh đề và cả cho vay nặng lãi theo tính chất côn đồ, xã hội đen. Với phương thức hoạt động phạm tội này, các “đại ca” mỗi ngày thu lợi bất chính hàng trăm triệu động.

Khi tài sản phi pháp đã quá nhiều, bọn chúng nghĩ ra những thủ đoạn tinh vi hơn, “rửa tiền” bằng chiêu bài kinh doanh bất động sản, quán bar, vũ trường, nhà hàng… để hợp thức hoá.

Chân dung "bố già" H. "lân" đang đếm tiền sau một cuộc sát phạt

Thời đó, H. “lân” chưa phải là “ông vua” trong giới giang hồ Đồng Nai, nhưng cũng là một tay tổ chức cờ bạc rất nổi danh. Y tên thật là Nguyễn Thế H., có nhà là một tiệm vàng ở P.Long Biên, TP.Biên Hoà, Đồng Nai. Với cơ sở đó, H. “lân” ngày một gầy dựng chỗ đứng, phát triển sòng bạc dựa vào sự cộng sinh giữa các băng nhóm. Nguyên tắc tồn tại của “bố già” này là tránh tuyệt đối mọi “va chạm” để đảm bảo chỗ “làm ăn” hạn chế bị để ý.

Lợi nhuận đến từ tổ chức sòng bạc là rất lớn và chẳng một tay “trùm” nào muốn nhìn thấy sòng bạc khác “bỏ túi" nhiều hơn mình

Sòng bạc của H. “lân” mỗi ngày thu hút cả trăm con bạc đổ về khắp các tỉnh thành, từ Tây Nguyên, miền Tây và đông nhất vẫn là TPHCM. Sự “vươn vòi” thần tốc của H. “lân” chẳng mấy chốc đã đưa “bố già” này xếp chung vào hàng “chiếu trên” về cờ bạc của đất Biên Hoà - cùng với L. “thanh”, H. “vườn điều”, C. “râu” làm “bộ tứ” ma quái, gây bất ổn cho an ninh, trật tự của xã hội.

Nhưng đó cũng là lúc chúng bị liệt vào danh sách “đen” của cơ quan công an. Sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai xác lập Chuyên án mang bí số 109L để đấu tranh, bóc gỡ. Chuyên án khi ấy do Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an – thời điểm này là Đại tá, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai) làm Trưởng ban.

Sau hơn một năm điều tra thu thập chứng cứ, đến ngày 19-4-2010, lệnh phá án được đưa ra trong sự bí mật tuyệt đối. Các tay trùm băng đảng lần lượt bị tra tay vào còng.

Sòng bạc của H. “lân” mỗi ngày thu hút cả trăm con bạc đổ về khắp các tỉnh thành, từ Tây Nguyên, miền Tây và đông nhất vẫn là TPHCM

Tính từ thời điểm xác lập chuyên án cho đến khi bắt trọn vẹn, ban chuyên án đã đã triệt phá hơn 300 vụ đánh bạc với hàng ngàn đối tượng có liên quan đến băng nhóm này. Trưởng Công an TP.biên Hoà thời điểm ấy cũng bị cách chức vì “làm lơ” cho tội phạm lộng hành (!). Một con số cho thấy quy mô, mức độ phủ sóng của các băng nhóm nói trên là cực kỳ nghiêm trọng. Và điều này cũng lý giải vì sao Đồng Nai lâu nay luôn được mệnh danh là vùng đất của cờ bạc! 

Đến… “ngũ quỷ” miền Đông

Những tưởng sau khi mãn hạn tù về, H. “lân” sẽ thức tỉnh. Thế nhưng, thực tế diễn ra điều ngược lại. Gã này ngày càng xảo quyệt hơn trong cách thức tổ chức sòng bạc.

Nhờ việc các “đại ca” L. “thanh”, H. “vườn điều”… một là lui về núp bóng, hai là dạt đi nơi khác “làm ăn”, H. “lân” có thêm cơ hội để ngoi lên thế độc tôn, trở thành một “bố già” thực thụ trong “ngành” cờ bạc ở đất Biên Hoà nói riêng và cả tỉnh Đồng Nai nói chung.

“Tứ quái” cờ bạc khi xưa ở Đồng Nai, hợp với những tay “kỳ bẽo” (dân đánh bạc bịp) ngụ ở địa bàn tỉnh Bình Dương lân cận, đã hoá thành “ngũ quỷ” miền Đông. Trám vào chỗ của của L. “thanh, H. “vườn điều”, C. “râu”, giờ là H. “què” (tổ chức xóc đĩa tại khu vực ngã ba Thái Lan – đường xuống Vũng Tàu); C. “Bự” (tổ chức xóc đĩa tại khu vực bến phà, TP.Biên Hoà); C. “Oanh” (tổ chức xóc đĩa tại TP.Biên Hoà): T. “tam” (tổ chức xóc đĩa, tài xỉu ở TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Sự tồn tại của chúng tạo nên một mạng lưới bờ bạc đầy sức hút tại miền Đông, trên nguyên tắc “nước sông không phạm nước giếng”.

Một đàn em của H. “lân” đếm tiền, thu xâu ngay trên chiếu bạc

“Kinh doanh” sòng bạc, dù phạm pháp nhưng cũng có nguyên tắc riêng. Sự tồn tại của các băng nhóm đã tạo ra một mạng lưới cờ bạc nhưng suy cho cùng, về bản chất, chúng không liên kết lẫn nhau theo một hệ thống.

Không có chuyện các sòng bạc này “bắt tay” sòng bạc khác, “chia sẻ” con bạc cho nhau để cùng “hút máu”. Cuộc cạnh tranh giữa các sòng bạc là vô cùng khốc liệt.

Các đối tượng cầm đầu luôn hiểu rằng phải tuân thủ “luật” mạnh ai nấy sống, để tránh những cuộc thanh toán chỉ vì mâu thuẫn “làm ăn”. Dẫu vậy, cũng phải thừa nhận, một miếng bánh thì không thể nào chia cho quá nhiều “mạng” ăn chung.

Tiền kiếm được nhờ tổ chức cờ bạc là siêu khủng và vì lòng tham, chẳng tay “trùm” nào muốn nhìn thấy đối thủ “bỏ túi” nhiều hơn mình. Giới giang hồ xưa nay chưa bao giờ thôi hiểm ác và bọn lưu manh thì luôn thừa những thủ đoạn để hạ bệ nhau, hòng tranh giành cái lợi. 

 

Lực lượng “quăng bom” (cho vay nặng lãi) luôn “mở cửa” chào đón con bạc tại sòng

 
Cuộc chiến cam go
 

Biết đang làm chuyện phạm pháp nên các “trùm” cờ bạc luôn thường trực sự cẩn trọng. Theo xác minh, những đối tượng mà chúng tôi vừa nêu đều dính đến tiền án, tiền sự về cờ bạc hoặc liên quan những tội danh khác. Phương thức hoạt động của chúng là cực kỳ tinh quái.

Các sòng bạc được vận hành theo mô hình “di động”, rất chuyên nghiệp, trơn tru và tuyệt đối kín kẽ. Các con bạc chỉ biết đến điểm sát phạt khi được người trong đường dây tổ chức đưa đến nơi.

Địa hình bố trí sòng bạc cũng được lựa chọn ở những nơi hiểm trở, vắng người hoặc dễ quan sát. Dọc đường vào sới bạc, luôn có lực lượng cảnh giới theo dõi mọi động thái để cấp báo ngay khi có “biến”.

Một phụ nữ đi bạc ở Đồng Nai

Có những điểm, các đường dây tổ chức cờ bạc còn mua chuộc luôn cả người dân sống lân cận để trở thành “ti – dô” (kẻ báo tin) cho chúng lúc cần. Bọn cầm đầu chỉ chấp thuận cho khách mới vào chơi khi được người cũ “bảo lãnh”, chịu trách nhiệm. Đó cũng là cách hạn chế tối đa sự điều tra của lực lượng công an hoặc bị báo chí thâm nhập.

Những thủ đoạn như vậy rõ ràng gây ra khó khăn rất lớn cho lực lượng công an trong quá trình điều tra, khám phá.

Các tay “trùm” ở miền Đông tổ chức sòng bạc rất ma mãnh. Trong ảnh, “xe ôm” đứng cảnh giới khắp nơi trên đường vào chiếu bạc

Quay lại những sòng bạc mà phóng viên đã ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời điểm ấy, sau khi xem được những thước phim mà chúng tôi cung cấp, trực tiếp Đại tá Nguyễn Văn Kim (Phó Giám đốc – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai) cùng một Đội phó Đội Phòng chống tệ nạn của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh này, đã xác nhận, thông tin Báo Công an TPHCM thu thập và cung cấp là hoàn toàn chính xác. Những cái tên như: H. “lân”, H. “què”, C. “Oanh”, C. “Bự” hiện đang nằm trong theo dõi của cảnh sát hình sự và lực lượng đang đợi thời cơ thích hợp để triệt phá.

Chọn địa hình hiểm trở để bố trí sòng bạc là đặc thù ở Đồng Nai. Trong ảnh, một con bạc phải băng qua cây cầu ván trước khi vào sòng

Tuy nhiên, Đại tá Kim cũng chia sẻ rằng hiện nay, phương thức, thủ đoạn của hệ đối tượng này rất tinh vi, gây khó rất nhiều cho lực lượng chức năng.

“Chúng rất kín kẽ trong khâu tổ chức, chọn những địa hình dường như không thể đột nhập để lập sòng bạc. Trong phạm vi cách sòng bạc vài cây số, luôn có những đồng bọn quan sát từng nhất cử nhất động. Sòng của đối tượng H. “lân” là một ví dụ” – Đại tá Kim nói.

Công an Đồng Nai đang kiểm tra tang vật thu giữ tại một vụ đánh bạc quy mô lớn ở Long Thành vào đầu năm 2019

Cùng nhận định, vị cán bộ Đội Phòng chống tệ nạn kể thêm, các đối tượng trong đường dây tổ chức cờ bạc thậm chí còn cho người theo dõi lại cảnh sát.

“Có những thời điểm anh em bí mật đánh án, bị chính đối tượng theo dõi, phải vận dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ để “úp ngược”. Có những án do tình hình như vậy nên phải mất một thời gian rất lâu mới có thể triệt xoá dứt điểm được” – anh bộc bạch.

Những khó khăn ấy đã nói lên một sự thật: Cuộc đấu tranh trên mặt trận này là cam go! Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Hằng năm, lực lượng công an các tỉnh, thành khắp cả nước vẫn xuất sắc xác lập những chiến công đánh tan hàng loạt đường dây, thậm chí là tập đoàn cờ bạc.

Đặc biệt là ở khu vực Đông Nam bộ, từ TPHCM, đến Đồng Nai, Bình Dương, những ổ bạc khét tiếng qua thời gian, đã bị triệt phá, đẩy đuổi. Khi đã hết đất dung thân, những tên cầm đầu lại tính đường mò sang vùng biên giới để tiếp tục gieo rắc tội lỗi. Bên kia cửa khẩu Tây Nam, trong những sòng bạc xa hoa, vẫn thấp thoáng bóng của những tay “trùm” người Việt…

Trăm đường… thua

Thu xâu “5 lai” (tức 5%), là “luật” mà các sòng bạc tại miền Đông Nam bộ áp đặt từ trước tới nay. Khách muốn vào sòng chơi, phải chấp nhận “luật” này. Chiếu theo đó, cứ 100 triệu khách sát phạt trên chiếu bạc, chủ sòng sẽ “cắn” mất 5 triệu đồng. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, với những ổ thuộc dạng “cọp” như sòng bạc của H. “lân”, thì tổng lượng tiền sát phạt mỗi đêm không dưới vài chục tỷ đồng. Như vậy, chủ sòng chẳng cần ăn thua với ai cũng “ẵm” được vài trăm triệu đồng mỗi ngày. Vậy mới có chuyện những con bạc kinh nghiệm sau khi thua cháy túi, thường phân tích với nhau rằng: “Đánh bạc thì bữa nay tôi ăn ông, bữa sau ông ăn lại. Nhưng theo thờ gian gian ăn qua, ăn lại thì cả 2 đều… thua, vì chủ sòng đã “ăn” hết tiền xâu”. Nói tóm lại là trăm đường thua! Biết là thế, nhưng họ vẫn cứ nhào đầu vào chỗ… chết!

Còn tiếp…

Kỳ 1: Chiếu bạc của đại gia
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang