Ô nhiễm không gian mạng:

Kỳ cuối: Nhức nhối nạn tin giả

Thứ Ba, 04/08/2020 11:34

|

(CATP) Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ sử dụng Internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến tháng 1-2019, nước ta có 64 triệu người dùng Internet (chiếm hơn 66% dân số). Trong đó, tỉ lệ trẻ em sử dụng mạng rất lớn. Thời gian qua, trình trạng các hội, nhóm hoặc cá nhân đưa ra những thông tin sai lệch, thậm chí trái pháp luật trên không gian mạng, tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là trẻ em.

"Ăn không nói có”

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nước ta từ đầu năm 2020 đến nay, có không ít tài khoản trên mạng xã hội phát tán thông tin sai lệch, khiến dư luận hoang mang, bức xúc. Mục đích đằng sau những bài đăng này đa số là nhằm "câu like", tăng tính tương tác trên mạng xã hội để... bán hàng online.

Cũng không thiếu các thành phần vì thỏa mãn nhu cầu thể hiện cá nhân, muốn được nổi tiếng và nhiều người biết đến, bất chấp sai trái, "ăn không nói có”. Chưa dừng lại ở đó, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, một số bài đăng có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, "đổi trắng thay đen" về tình hình dịch bệnh, với ý đồ làm xáo trộn tình hình chính trị và xã hội trong nước.

Khi dịch bệnh Covid-19 vừa xuất hiện ở nước ta, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và người dân, tình hình được kiểm soát, các ca lây nhiễm trong cộng đồng không nhiều. Thế nhưng trên các trang mạng xã hội, xuất hiện nhiều tài khoản cá nhân, hội, nhóm bịa đặt thông tin sai sự thật, không đúng với thực tế.

Thông tin giả mạo được không ít cư dân mạng chia sẻ mà thiếu kiểm chứng

Điển hình vào đầu tháng 2-2020, một đoạn hội thoại giữa hai phụ nữ được lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung bịa đặt: "Anh của chị làm ở Khoa gây mê, BV (Bệnh viện - PV) Chợ Rẫy. Ảnh nói tại BV Chợ Rẫy đã có 33 người chết do bệnh Corona (virus gây ra bệnh Covid-19 - PV) rồi.

Ảnh nói thông tin này với tụi chị là chính xác 100%, ảnh nói là nói xong với mình là ngày mai ảnh nghỉ luôn vì quá sợ, không dám làm nữa". Nội dung trên đã gây hoang mang trong người dân. Tuy nhiên, thông tin này nhanh chóng được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và kết luận là... "tin vịt" (!).

Gần đây nhất, ngày 27-7, rộ lên hàng loạt bài đăng, chia sẻ nội dung không đúng sự thật, xuất phát từ một tài khoản trên mạng Facebook, dẫn lời phát ngôn được cho là của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về dịch Covid-19.

Thông tin này cảnh báo những người đi du lịch, rằng tuần sau đó là mốc quan trọng để chuyển từ 75 ca lên từ 100 - 500 ca, khoảng 8 - 12 ngày sau là lên mức 1.000 - 5.000 ca nhiễm. Bộ Y tế đã lập tức lên tiếng, bác bỏ thông tin trên vì bịa đặt, gây ảnh hưởng xấu tới dư luận và công tác phòng, chống dịch hiện nay.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã căn cứ vào các quy định của pháp luật, tiến hành xử phạt 2 trường hợp đăng tin giả mạo phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lên mạng xã hội, gồm: Bà V.T.T.H (chủ tài khoản Facebook Vương Huyền Túi) bị phạt 7,5 triệu đồng; bà Đ.T.M.P (chủ tài khoản Facebook Minh Phương) bị phạt 5 triệu đồng. Cả 2 đều thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Trang "Theanh28..." trên mạng Facebook đăng bài xuyên tạc nạn nhân trong vụ án hiếp dâm

Đáng nói, các thông tin trên dù chứa nội dung chưa được xác thực, chứa nhiều mâu thuẫn, nhưng vẫn có nhiều người chia sẻ, đăng lại nội dung đó. Qua đó, cho thấy một bộ phận người sử dụng mạng, đặc biệt là mạng xã hội chưa có kỹ năng để chọn lọc, tự tìm cách xác thực thông tin, dẫn đến dễ dàng bị tác động bởi những nội dung giật gân, tầm phào, giả mạo.

Để tránh tình trạng bị "ngộ độc" thông tin, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tiếp nhận thông tin trên mạng một cách khoa học, có chọn lọc. Cần lập tức báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện thông tin có dấu hiệu giả mạo, sai lệch được đăng tải trên không gian mạng.

Đặc biệt, trong giai đoạn toàn dân đang đồng lòng cùng Chính phủ tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh này, việc giữ cho không gian mạng "sạch" là trách nhiệm của mỗi người dân và các cơ quan chức năng.

Diễn đàn... loạn ngôn!

Để thỏa mãn những mục đích cá nhân sai trái, lệch lạc, nhan nhản trên không gian mạng còn có thêm một bộ phận người sử dụng thiếu trách nhiệm, phát ngôn thiếu suy nghĩ, phiến diện, khiến dư luận bức xúc, phản ứng dữ dội. Có thể kể đến "bài học" của á hậu Nguyễn Ngọc Thúy (SN 1993) trong vụ clip được đăng tải trên mạng xã hội Facebook có nội dung kì thị người dân Đà Nẵng.

Như Báo Công an TPHCM thông tin, ngày 26-7-2020, trang Facebook "Nguyễn Ngọc Thúy" đăng tải clip TikTok, nội dung có dấu hiệu kì thị người dân Đà Nẵng. Dư luận cùng cộng đồng mạng phản ứng dữ dội nên sau đó Thúy đã gỡ bỏ clip và xin lỗi. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính bà Thúy 7,5 triệu đồng, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Một vụ việc khác cũng gây bức xúc dư luận thời gian qua là hành vi trái pháp luật của trang "Theanh28...". Trang này có ngôn từ cợt nhả, xuyên tạc nội dung vụ án hiếp dâm tại TP.Châu Đốc (An Giang).

Cụ thể, Lê Văn Giỏi (33 tuổi, ngụ TP.Châu Đốc; nghiện ma túy, từng có 5 tiền án về tội trộm cắp tài sản) đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi hiếp dâm. Tối 26-5-2020, sau khi Giỏi cùng hai thanh niên khác uống rượu do vợ chồng bà T. tổ chức tại nhà, Giỏi xin ngủ lại.

Khi được bà T. mở cửa sau cho vào nhà ngủ nhờ, Giỏi dùng tay đánh bà T. rồi lấy vật nhọn kề cổ khống chế, đe dọa vợ chồng gia chủ. Sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm người vợ, Giỏi tiếp tục đánh vào mặt nạn nhân. Đến khi bà T. giả vờ chết, Giỏi mới bỏ trốn. Đến trưa 27-5, gã đến cơ quan công an đầu thú.

Trái ngược với thông tin trên báo chí, trang "Theanh28..." có gần 5 triệu lượt theo dõi trên mạng Facebook, lại thêm thắt những từ ngữ nhạy cảm, bịa đặt những tình tiết không đúng sự thật. Nghiêm trọng ở chỗ, trang này còn mô tả nội dung thể hiện nạn nhân đồng thuận với hành vi xâm hại của hung thủ.

Bà Nguyễn Ngọc Thúy đăng bài xin lỗi vì thông tin kì thị người dân Đà Nẵng

Bài đăng này xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân, đồng thời ảnh hưởng xấu đến nhận thức của người đọc. Nhiều người không biết sự thật, có những bình luận ác ý, hùa theo nội dung sai trái trên. Nội dung bài viết còn thể hiện sự lệch lạc, đồi trụy trong suy nghĩ của người viết; trong khi nạn xâm hại phụ nữ và trẻ em thời gian qua đang đến mức báo động.

Ngay khi bài viết trên được đăng, có hàng ngàn tài khoản cùng các diễn đàn đăng bài chỉ trích, lên án trang "Theanh28...". Cộng đồng mạng kêu gọi báo cáo trang này vi phạm các quy tắc, quy chuẩn thông tin trên mạng xã hội và gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng. Một chủ tài khoản Facebook nhận định: "Bài viết này không chỉ xoáy sâu vào nỗi đau và hạ nhục nhân phẩm, danh dự của nạn nhân, nó còn đâm vào nỗi đau của một nạn nhân gián tiếp khác là người chồng, khi ông ấy đã uống say và không thể bảo vệ vợ mình".

Theo thông tin trên mạng, đây không phải là lần đầu tiên trang "Theanh28..." đăng thông tin có nội dung lệch lạc, ngôn từ cợt nhả, xúc phạm người khác. Thế nhưng sau những lời xin lỗi, xóa bài đăng bị phản ánh thì trang "Theanh28..." vẫn "chứng nào tật nấy", như thách thức dư luận.

Một người dùng Facebook ngậm ngùi: "Những người lệch lạc trong nhận thức, nhất là giới trẻ, chính là do đọc tin tức, bài đăng của mấy trang truyền thông "bẩn" này chứ đâu!". Trước phản ứng của cộng đồng mạng, trang "Theanh28..." đã xóa bài viết và xin lỗi nạn nhân. Cơ quan chức năng cũng đã làm việc với đại diện trang này và ra quyết định xử phạt theo pháp luật.

Chia sẻ thông tin giả mạo cũng bị phạt nặng

Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Kỳ 1: Những cái bẫy trong môi trường mạng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang