Ngăn chặn ô nhiễm không khí tại TPHCM: Cần hành động ngay!

Kỳ cuối: Cần tìm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp căn cơ

Thứ Tư, 18/12/2019 15:17

|

(CATP) Trước thực trạng ô nhiễm không khí gia tăng tại TPHCM và đặc biệt là trên địa bàn Hà Nội, ngày 14-12-2019, lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, tự bảo vệ sức khỏe của mình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tình thế, chứ chưa nghiên cứu chuyên sâu, xác định nguyên nhân ô nhiễm không khí một cách khoa học và đề ra giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

NHỮNG GIẢI PHÁP TẠM THỜI

Theo hướng dẫn do Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam xây dựng, người dân được khuyến cáo thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí, hạn chế ra đường trong những ngày không khí xấu và nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng.

Người dân nên súc miệng, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý vào 2 buổi sáng, tối; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào tại thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình có nhà ở mặt tiền đường, khu vực ô nhiễm... Người dân nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Người có bệnh hô hấp, tâm phế mạn tính, tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu... cần lưu ý thực hiện các biện pháp trên nghiêm ngặt hơn. Nếu bệnh có dấu hiệu tăng nặng, người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trước đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đưa ra khuyến cáo rằng người dân nên hạn chế vận động, tập thể dục ngoài trời, đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 khi đi ra đường vào những ngày không khí khu vực đó ô nhiễm nặng. "Theo dự báo thời tiết, đến ngày 18-12, Hà Nội có thể có mưa. Do đó, trong vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu" - Tổng cục Môi trường nhận định.

Một trong những giải pháp được vài chuyên gia đề xuất nhằm giảm ô nhiễm môi trường là cần hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng thêm cây xanh trong và quanh nhà cũng góp phần giúp ngăn bụi, làm sạch không khí.

Các loại khẩu trang thông thường hầu như không ngăn được ô nhiễm do bụi mịn PM 2.5

NHIỀU VIÊC PHẢI LÀM NGAY

Tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ là giải pháp tình thế, chưa thật sự "đánh trúng" nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đang báo động hiện nay. Trong đó, lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những nguồn xả thải độc vào không khí vẫn chưa có biện pháp hạn chế số lượng, kiểm soát, giảm dần lượng khí độc xả thải ra môi trường. Một nguồn cũng lớn không kém là khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất những sản phẩm phát sinh khí độc hại phả vào không trung, mà hiện nay các cơ quan chức năng chưa kiểm soát chặt chẽ hết được, nhất là khi họ lén xả khí thải vào ban đêm.

Việc quản lý quá trình thi công xây dựng công trình (kể cả nhà dân) cũng chưa hoàn thiện, làm phát sinh bụi bặm. Hệ thống đường bộ nước ta, đặc biệt là tại các đô thị đông dân cư, chưa có giải pháp hút bụi tiên tiến, hiệu quả như cách làm tại những nước phát triển. Nước ta lại là xứ nhiệt đới, nặng nề nhất là vào mùa khô, lượng bụi trên đường nhiều khi đóng thành lớp dày, xe cộ lưu thông qua lại kéo theo lớp bụi mù trên đường...

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đúng mức đến vấn đề không khí sạch. Ở Mỹ và Anh đều đã có bộ luật về vấn đề này từ cách đây gần 100 năm. "Về động thái của các ngành chức năng, tôi nhận thấy đã có những hoạt động cụ thể xung quanh vấn đề không khí sạch, nhưng chưa xứng với mức độ đáng quan ngại của vấn đề này. Chỉ mới ở mức chuyển dịch thái độ và hành vi xung quanh vấn đề không khí" - Tiến sĩ Trí nói.

Ông Trí cho biết, bụi mịn PM 2.5 là loại bụi rất nguy hiểm. Loại bụi này không dừng lại ở đường hô hấp trên, mà vào tận phổi, thậm chí đi vào máu. Trong bụi này có nhiều thành phần độc hại, không chỉ gây bệnh lý dị ứng, hô hấp, mà có thể có các tác nhân gây ung thư.

Màu trắng đục xuất hiện trên bầu trời TPHCM

CẦN MẠNH TAY CHỐNG Ô NHIỄM KHÓI THUỐC LÁ

Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Công an) vừa phối hợp với WHO tại Việt Nam, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) và Công an TP.Hà Nội, TPHCM, Quảng Trị ra quân kiểm tra 60 cơ sở khách sạn, nhà hàng liên quan việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong suốt tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội, TPHCM, đoàn tiến hành kiểm tra 2 đợt, mỗi đợt 12 nhà hàng, khách sạn tại 6 quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng (Hà Nội), Tân Bình, Q5, Q1 (TPHCM). Với 4 lượt kiểm tra, đã phát hiện 34 cơ sở, 4 cá nhân vi phạm, tổng số tiền xử phạt là 270 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra cho biết, các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: khách sạn không bố trí biển báo cấm hút thuốc lá, nội quy của khách sạn không có nội dung cấm hút thuốc lá trong khách sạn. Tại một số nhà hàng còn trưng bày quảng cáo thuốc lá, bày bán mặt hàng này cho khách, không treo biển cấm hút thuốc lá, nhân viên và khách hàng vẫn hút thuốc trong nhà hàng. Một số khách sạn bố trí khu vực hút thuốc lá cho khách chưa đúng theo quy định, như: thiếu hệ thống phòng cháy - chữa cháy, không có biển thông báo...

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Công an TP.Hà Nội, TPHCM và Quảng Trị) tự kiểm tra 450 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Những cơ sở vi phạm cũng bị xử phạt hành chính theo quy định.

Năm 2019 là năm thứ 6 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được thực thi. Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Công an), năm nay khi kiểm tra các cơ sở, bên cạnh việc nhắc nhở, tuyên truyền thực thi luật, các đoàn kiểm tra sẽ mạnh tay xử phạt cơ sở nào vi phạm. Ban này còn phối hợp tổ chức nhiều buổi truyền thông, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở, đơn vị thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc.

Một trong những mối lo khác mới nổi lên hiện nay là thuốc lá điện tử. Điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, tại Việt Nam có hơn 1,1% người trưởng thành hút thuốc lá điện tử. Con số này đang gia tăng với tốc độ nhanh, nhất là ở giới trẻ. Đáng lo ngại, hàng nghìn hóa chất độc hại trong thuốc lá điện tử sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Đến nay, khoảng 42 quốc gia trên thế giới đã cấm hoàn toàn việc kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử, nhưng cơ quan chức năng của nước ta vẫn chưa cấm mặt hàng này.

Mặc dù có biển cấm nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên hút thuốc lá trong bệnh viện

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Đang xem xét đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử đang được quảng cáo gây hiểu nhầm như là không gây hại, thậm chí còn có tác dụng cai thuốc, thay thế thuốc lá truyền thống (?!). Trên thực tế, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khỏe. Đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Các ảnh hưởng của thuốc lá điện tử bao gồm tăng nguy cơ nghiện nicotine với người từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng, miệng... Bộ Y tế đang xem xét, đề xuất với Chính phủ cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử.

Bà Phan Thị Hải - Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Khói thuốc lá điện tử có thể gây ung thư

Mặc dù thuốc lá điện tử không đốt cháy sợi thuốc lá, nhưng khói thuốc lá điện tử vẫn chứa nhiều hóa chất độc hại, kể cả chất gây ung thư. Qua các nghiên cứu của WHO, trong thành phần của thuốc lá điện tử, ngoài chất nicotine gây nghiện mạnh còn hơn 7.000 chất tạo hương vị, một số chất tạo hương có chứa deacetyl, khi hít vào có thể gây viêm phế quản. Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn chứa các kim loại, như: chì, bạc, cadmium, chromium, thủy ngân, nickel, glycerin... gây nguy hại sức khỏe. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người hút trực tiếp có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật (ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày...).

Kỳ 1: Bụi mịn - sát nhân vô hình
 
Kỳ 2: Khói thuốc lá - tử thần giấu mặt
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang