Phóng sự điều tra:

Tan hoang rừng phòng hộ Sơn Động

Thứ Tư, 07/02/2018 09:43

|

(CAO) Ngang nhiên san ủi, mở đường để phá rừng, vận chuyển gỗ lậu giữa ban ngày là thực trạng đang diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Phóng viên Báo Công an TP.HCM nhiều ngày điều tra, ghi lại cảnh tàn phá rừng kinh hoàng của lâm tặc giữa trời đông lạnh cóng.

“CẠO TRỌC” ĐỈNH KHE NƯƠM

Sơn Động là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất miền Bắc, với hơn 86.017 héc-ta. Với lợi thế về diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 71,92% diện tích tự nhiên của huyện, rừng Sơn Động có vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, góp phần điều tiết khí hậu, hạn chế thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các vùng phụ cận. Tuy nhiên, trong những năm qua, rừng nơi đây đang bị “xẻ thịt” không thương tiếc, dẫn tới diện tích rừng tự nhiên giảm sút cả về số lượng và chất lượng. Nhiều khu rừng bị tàn phá tan hoang.

Rừng ở Sơn Động nhiều chỗ bị “cạo trọc”

Những ngày mùa đông ở Sơn Động lạnh cắt da. Dọc đường vành đai chạy quanh từ xã Tuấn Mậu vào đồi Khu văn hóa tâm linh, xuyên qua thị trấn Thanh Sơn về các xã Long Sơn, Thanh Luận, gió thổi vù vù bên tai, người đi đường dễ bị đánh lừa bởi lớp cây cối um tùm, trù phú ôm kín bề ngoài nhiều vạt rừng “rỗng ruột”. Mất nhiều ngày mật phục, cứ chiều về, chúng tôi thấy sau khi đã cưa hạ cây, bọn lâm tặc bắt đầu cử “vệ tinh” nghe ngóng, dò đường để nhóm lâm tặc khác trong rừng vận chuyển gỗ ra bìa rừng, đợi có tín hiệu sẽ chở về nơi tập kết. Hàng tuần theo dõi, chúng tôi mới tiếp cận khu vực rừng bị tàn phá và giáp mặt lâm tặc.

Ngày 20-1-2018, phóng viên theo lối mòn từ xã Bồng Am đi bộ men lên phía rừng đầu nguồn ở Khe Nươm thuộc xã Long Sơn. Khoảng 5km đường rừng trải dài với hàng chục quả đồi đã bị “cạo trọc”, cây gỗ bị chặt hạ, đốt cháy nằm xen lẫn cây keo vừa mới trồng. Bên cạnh những diện tích được phép chuyển đổi sang trồng rừng kinh tế từ cách đây nhiều năm, có không ít diện tích trồng cây keo bất hợp pháp. Nhiều diện tích mới trồng gần đây, gian sau khi Tỉnh ủy Bắc Giang có nghị quyết nghiêm cấm chặt phá rừng tự nhiên vào tháng 11-2017, nhưng chính quyền địa phương dường như không hề hay biết (!).

Anh M. (“thổ địa” tại đây) cho biết, trước kia, rừng Sơn Động phủ kín cây cối xanh ngát, đường lên núi chằng chịt dây leo, cây dược liệu và cây gỗ lớn. Nhưng dưới sự phá hoại của lâm tặc, cây to, cây nhỏ, gỗ tạp, gỗ quý đều bị chúng “khai tử” không thương tiếc. Rừng chỉ còn lại những bụi cây gai, cây tạp mọc lam nham. Theo năm tháng, lan rừng, cây lộc vừng, nhiều gốc mai già... bị khai thác triệt để. Những động vật rừng bị săn lùng đến cạn kiệt hoặc phải di cư vì mất chỗ trú ẩn. Một số nơi tại Sơn Động, rừng cơ bản đã bị xóa sổ, không còn dấu tích rừng già.

Mưa rừng lâm thâm, gió rít từng đợt thấu xương trên những quả đồi trọc lốc không thể át đi tiếng cưa máy réo rắt từ những quả đồi xung quanh văng vẳng bên tai. Anh M. đứng khựng lại trong giây lát, cùng chúng tôi định hình hướng tiếng cưa phát ra rồi tiếp tục bước thêm vài trăm mét nữa thì tiếng cưa to dần. “Máy chém” vừa dứt, cây đổ ào ào, xen lẫn tiếng nói cười chộn rộn của nhóm lâm tặc. Trước mắt chúng tôi hiện ra cảnh rừng Long Sơn bị “băm nát”.

Hoạt động phá rừng ở Sơn Động diễn ra có tổ chức, với quy mô lớn, xảy ra ở nhiều xã. Bên cạnh việc phá rừng phòng hộ, rừng bảo tồn Tây Yên Tử thuộc địa bàn huyện này cũng bị lâm tặc triệt hạ. Thậm chí bọn chúng còn đưa máy múc vào sâu trong rừng phòng hộ để san ủi, mở đường cho xe tải nặng ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu băng băng giữa thanh thiên bạch nhật qua quãng đường hàng chục cây số, từ khu vực rừng giáp xã Bồng Am về thôn Chảu, gần chợ Long Sơn.

NHỮNG “CON ĐƯỜNG MÁU”

Vết tích của cuộc tàn phá rừng tại Long Sơn hằn trên mỗi con đường do lâm tặc san ủi chằng chịt, uốn lượn trên những quả đồi cao chót vót. Giữa núi non hiểm trở, lẩn khuất trong từng đám cây rừng thỉnh thoảng lại xuất hiện xe tải của lâm tặc chở gỗ lặc lè, ì ạch phả khói đen “bò” lên đỉnh từng quả đồi rồi đổ thẳng xuống chân đồi. “Con đường máu” của lâm tặc trải dài trên nhiều cây số, vết xe cũ, mới đè lên nhau. Để “ăn dầm nằm dề” phá rừng, bọn lâm tặc mang theo lương thực, xoong nồi nấu ăn dã chiến ven các lối đi. Hàng trăm bếp củi, lon bia, nước ngọt… bị vứt lại dọc đường vào rừng.

Đường do lâm tặc mở trên rừng phục vụ cho việc khai thác gỗ

Rừng Khe Nươm là nơi lâm tặc tàn phá nặng nề nhất. Tại đây, nhiều đường mòn, lối tắt đan xen nhau, mở thẳng về trung tâm xã Long Sơn, còn nguyên dấu của máy múc vừa san ủi. “Con đường máu” của lâm tặc mở tới đâu, cây cối ở hai bên bị chặt phá ngổn ngang, nhựa ứa loang lổ trên gốc. Trưa 20-1, chúng tôi tiến sâu vào rừng, ngay đầu đường mòn dưới chân một quả đồi giáp với rừng Bồng Am, có hàng trăm mét khối gỗ đã được tập kết. Số gỗ này bị cưa từ nhiều tháng trước, cháy đen, được thu dụng làm nguyên liệu đốt, bán cho các nhà máy trong vùng phụ cận.

Sau mỗi cuộc tàn phá, trên đỉnh các ngọn đồi trong rừng Long Sơn, cây gỗ tươi, gồm cả cây lớn và cây nhỏ, cành cây được lâm tặc cắt khúc dài khoảng 2 - 4m, tập kết rải rác khắp các lối ra vào, chắn cả đường đi vào khu vực khai thác nhiều nhất của lâm tặc. Khoảng 15 giờ cùng ngày, một chiếc xe tải màu xanh gắn BS: 14N-8280 rầm rầm tiến từ phía xã Long Sơn vào rừng để bốc gỗ. Lái xe trạc 30 tuổi bước xuống. Nhóm lâm tặc gồm 4 người và lái xe hì hục đưa từng khúc gỗ lên thùng xe. Gỗ to để dưới, gỗ nhỏ để ở trên, còn loại gỗ khô, đen được đặt trên cao nhất nhằm ngụy trang.

Hơn 16 giờ cùng ngày, chiếc xe tải trên đã “no” gỗ, bắt đầu chuyển bánh khó nhọc trên “nhánh đường máu” vừa mới san ủi. Lái xe cố rồ ga thoát khỏi con dốc dựng đứng. Do gặp sự cố, xe chỉ nổ máy, nhưng không thể nhúc nhích giữa lưng chừng dốc. Bốn lâm tặc lập tức hậu thuẫn phía sau, đưa gỗ kè 4 bánh để chiếc xe khỏi tuột xuống vực thẳm. Phát hiện sự cố của chiếc xe, nhóm này đành để xe gỗ nằm lại qua đêm giữa rừng rồi cùng nhau lên xe máy chạy mất dạng về trung tâm xã Long Sơn.

Cách trung tâm thị trấn Thanh Sơn vài cây số có một con đường đất vàng oạch, vắt vẻo trên lưng chừng đồi, hướng vào Khu bảo tồn Tây Yên Tử. Khi đi trên đường lớn, ai cũng nhìn thấy đường mòn này thuộc loại độc đạo vắt từ trên núi đổ về nhà ông Quảng ở ngay chân cầu Nòn 3. Dưới đường mòn là hệ thống ao hồ, rừng keo được ông Quảng xây tường bao quanh, chính giữa làm cổng kiên cố, thường xuyên khóa chặt. Nhiều người cho rằng, đó chính là “con đường máu” mà ông Quảng mở ra để “hút” gỗ rừng chạy tuột vào vườn nhà mình nhiều năm qua.

Ông Hoàng Văn Nguyên (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động) cho biết, qua hình ảnh phóng viên cung cấp thì việc tàn phá rừng là rất nghiêm trọng. Ông sẽ trực tiếp xuống địa bàn để làm rõ thông tin.

“Rừng trong Khu bảo tồn Tây Yên Tử nằm trên 4 xã: An Lạc, Thanh Sơn, Thanh Luận, Tuấn Mậu. Tại xã An Lạc, cứ tranh thủ lúc trời mưa to, lâm tặc sẽ sang bên kia sông chờ trước để phá rừng. Chúng tôi nhiều lần phục kích tại trận, đã hạn chế bớt. Còn khu vực rừng ở xã Thanh Sơn, có cái dở là một số chỗ thuộc diện tích khai thác mỏ. Trong quá trình mở đường công trường vào cửa hầm thì phải xuyên rừng, những cây trong này sẽ bị khai thác mang ra bán trôi nổi”, ông Nguyên nói.

Phóng viên nêu câu hỏi về việc ông Quảng mở đường lên rừng, xây dựng tường bao kiên cố để vận chuyển lâm sản, ông Nguyên thừa nhận đã nhận được thông tin do dư luận phản ánh. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động, Công an tỉnh đã về làm việc mới phá được khóa cửa vườn nhà ông Quảng.

Ông Nguyên thẳng thắn nói: “Trường hợp ông Quảng, tôi đã cùng công an kinh tế của tỉnh vào tận nơi bắt quả tang và xử lý. Sau này, có rất nhiều lần thu hồi tang vật. Tuy nhiên, gỗ thường để ở khu vực ao và vườn keo phía sau. Chỗ đấy bắt tương đối nhiều, nhưng chỗ đấy có điều rất tế nhị đang được điều tra, vì có một số bàn tay dưới đó “xi-nhan”. Có lẽ giờ đã dừng rồi. Tôi sẽ trực tiếp xuống địa bàn cùng giám đốc khu bảo tồn kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm”.

Một số hình ảnh về khai thác gỗ trái phép quy mô lớn tại rừng phòng hộ Sơn Động:

Đường đi do lâm tặc mở chằng chịt trên rừng để đưa ô tô vào chở gỗ khai thác trái phép
Điểm tập kết gỗ của lâm tặc tại Sơn Động
Vỏ lon bia, nước ngọt do lâm tặc sử dụng, vứt tại rừng
Số gỗ thu giữ được tại vườn nhà ông Quảng ở cầu Nòn 3, trong một lần kiểm lâm kiểm tra

Bình luận (0)

Lên đầu trang