Từ vụ 2 đối tượng “tuổi teen” cướp giật khiến một người chết:

Tội phạm trẻ hoá do đâu?

Thứ Năm, 26/07/2018 14:47

|

(CAO) Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Q.Tân Phú, TP.HCM vừa bắt giữ 2 nghi phạm gây ra vụ cướp giật trên địa bàn vào ngày 23-7. Điều đáng nói là trong vụ án này, một nạn nhân đã bị thiệt mạng khi truy đuổi theo 2 tên cướp, còn kẻ gây án lại là… trẻ vị thành niên!

Camera ghi nhận hình ảnh hai tên cướp nhí Hiếu “cận” và Tiến “ba ke” trên đường đi "ăn hàng":

Vụ án thêm lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm đang ngày càng trẻ hoá hiện nay. Do đâu và làm sao để hạn chế tình trạng này?

Khi “nhóc tì” đi… cướp

Trong một quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng (P.Tân Thành, Q.Tân Phú), Hiếu “cận” và Tiến “ba ke” đang có sắc mặt bất thường. Dường như 2 thiếu niên này che giấu một điều gì đó. Thật ra thì 2 “nhóc tì” này vừa gây ra một vụ cướp.

Trước đó, do thiếu tiền chơi “nét”, chúng thống nhất sẽ lấy xe máy cá nhân để đi giật điện thoại. “Tao sẽ “cầm nài”, còn mày giật!” – Hiếu “cận” bàn mưu tính kế với “cộng sự”. Đúng theo kế hoạch, chiều 23-7, cả 2 lấy xe rảo quanh các tuyến đường trên địa bàn Q.Tân Phú để tìm “mồi” ngon.

Chúng dự định sẽ tập trung “săn” những chiếc điện thoại đắt tiền để dễ bề tiêu thụ. Sau nhiều giờ rảo bánh, Tiến “ba ke” phát hiện một nam thanh niên giao hàng, đang đậu xe ngay trước số 2 Phan Đình Phùng (Q.Tân Phú), trên tay là chiếc điện thoại đắt tiền.

Thấy “con mồi” quá đúng ý cộng thêm đoạn đường vắng người, Hiếu “cận” quyết định cho xe tăng tốc, áp sát nạn nhân để đồng bọn giật phăng chiếc điện thoại trên tay của anh ta. Bị 2 tên cướp “cỡm” mất tài sản, nam thanh niên này liền cho xe tăng tốc truy đuổi.

Cuộc bám đuôi kinh hoàng diễn ra trên nhiều tuyến đường nhưng khi đến giao lộ Thống nhất - Nguyễn Xuân Khoát (P.Tân Thành, Q.Tân Phú), nạn nhân không may va chạm với chiếc xe tải đang lưu thông cùng chiều. Cú tông quá mạnh làm anh này té xuống đường và tử vong tại chỗ. Còn 2 tên cướp thì biến mất trong những tiếng hô hoán thất thanh.

Camera an ninh ghi lại hình ảnh hai "nhóc tì" đi "ăn hàng" ở quận Tân Phú

Trước diễn biến nghiêm trọng của vụ án, đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Công an Q.Tân Phú đã chỉ đạo cho Đội CSHS công an quận vào cuộc truy xét. Nạn nhân bước đầu được xác định là anh Lê Triều Vũ (25 tuổi).

Không có bất cứ manh mối giá trị nào dành cho các trinh sát ngoài lời kể của các nhân chứng tại hiện trường. Trong số những lời khai đó, cảnh sát hình sự chú ý đến kiểu trang phục mà 2 đối tượng ăn vận, đặc biệt là chiếc nón có hình khủng long mà đối tượng ngồi sau đội trên đầu.

Hiếu và Tiến trên đường tẩu thoát.

Từ cơ sở này, Ban chỉ huy Đội CSHS Công an Q.Tân Phú nhận định, 2 tên cướp vừa gây án rất có khả năng nằm trong nhóm thanh thiếu niên thuộc tuổi vị thành niên, không chịu học hành, bỏ nhà đi bụi, sống lêu lổng, chuyên tụ tập tại các điểm ăn chơi trên địa bàn.

Từ hồ sơ sưu tra của lực lượng công an, trinh sát phát hiện ra một nhóm đối tượng có nhiều đặc điểm trùng khớp với kẻ gây án giấu mặt. Trong số đó, Nguyễn Minh Hiếu (tự Hiếu “cận) và Trần Thành Tiến (tự Tiến “ba ke”) cùng 15 tuổi và cùng ngụ trên địa bàn là 2 đối tượng thuộc diện tình nghi nhất.

Đối tượng Hiếu "cận"

Bí mật đeo bám, trinh sát phát hiện Hiếu “cận” và Tiến “ba ke” đều vận những trang phục trùng khớp với thời điểm gây án. Niềm tin càng được củng cố khi phương tiện mà hai thiếu niên này điều khiển là chiếc xe Wave màu trắng, khớp với dữ liệu cảnh sát thu thập được từ camera an ninh.

Tối cùng ngày, khi Hiếu “cận” và Tiến “ba ke” vừa đến một quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) để tụ tập cùng nhóm bạn thì bất ngờ bị các trinh sát hình sự tra chiếc còng số 8 vào tay…

Trần Thành Tiến bị công an bắt giữ
Công an tiến hành khám xét nơi ở của hai đối tượng

Nước mắt có “chữa” được tương lai?

Tại cơ quan điều tra, bước đầu 2 nghi phạm thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi đã gây ra trong chiều 23-7. Nhưng khi được các cảnh sát thông báo nạn nhân của chúng không may thiệt mạng trên đường truy đuổi, cả Tiến “cận” và Hiếu “ba ke” đều rất bàng hoàng. Giọt nước mắt đã lăn dài trên đôi mắt của những tên cướp “tuổi teen”.

Quá trình lấy lời khai Tiến và Hiếu, các cán bộ điều tra không khỏi chạnh lòng vì sự ngây ngô của hai “nhóc tì”. Từ thời điểm nhận thông tin anh Vũ đã bị tử vong, 2 đối tượng cho thấy sự suy sụp rõ về tinh thần. Sâu trong suy nghĩ ngỗ ngược của hai đứa trẻ bụi đời, chúng không ngờ rằng hành vi dại dột của mình đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Các trinh sát kể, Hiếu và Tiến dù tuổi đời còn khá nhỏ nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bạn bè chung lứa vì thành tích quậy phá có “số”. Do ham chơi, ngang ngược, cả 2 sớm kết thúc con đường học hành khi mới 13 tuổi, rồi đi bụi đời.

Mỗi ngày qua đi với hai cậu nhóc 15 tuổi là chuỗi thời gian ăn chơi, quậy phá trong những tiệm internet và những trận đánh nhau nơi công viên, góc chợ. Chính môi trường phức tạp ấy đã mở ra “cánh cửa tội phạm” đối với 2 em, dẫn đến cái kết đau lòng trong vụ án này.

Chiều hướng phạm tội của các thanh thiếu niên ngày một tăng. Còn nhớ cách đây 2 năm, địa bàn Q.Bình Thạnh đã xảy ra vụ cướp xe máy khá táo tợn trên đường Trục (nay là đường Đặng Thuỳ Trâm - P13, Q.Bình Thạnh).

Vào cuộc truy xét, Công an quận này đã bắt 3 đối tượng là Huỳnh Lê Minh Hưng, Lê Anh Tài và Phan Quốc Thắng. Khá bất ngờ, thời điểm gây án, các đối tượng trong nhóm này đều chưa tròn 18 tuổi. Nguyên nhân vụ cướp đơn giản chỉ là do 3 tên bị thiếu nợ và… hết tiền chơi game.

Nhóm đối tượng thực hiện vụ cướp ở Q.Bình Thạnh

Trong phòng hỏi cung, khi được các cán bộ điều tra hỏi về cuộc sống gia đình, cả 3 đối tượng đều kể về những mái ấm không hạnh phúc. “Khi được chúng tôi hỏi rằng “các em có thấy có lỗi với ba mẹ không?”, tụi nhỏ đã gục đầu khóc nức nở” – trung tá Lê Minh Huy, Đội phó Đội CSHS Công an Q.Bình Thạnh tâm tư khi nói về hoàn cảnh của các đối tượng trong một lần kể về vụ án này với chúng tôi.

Trước đó, khoảng giữa năm 2015 - đầu 2016, người dân thành phố vô cùng hoang mang trước thủ đoạn tàn độc của một băng cướp, gây án trên nhiều địa bàn giáp ranh như: Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn. Đêm 30-7-2015, băng cướp này thuê ông Sĩ (60 tuổi) chở từ công viên Phú Lâm về quận Bình Tân. Khi tới đoạn đường vắng trên quốc lộ 1A, chúng dùng dao tấn công ông Sĩ để cướp xe. Nạn nhân may mắn chạy thoát, trình báo công an.

Tương tự, rạng sáng 11-1-2016, chúng thuê ông Cuộc (45 tuổi - hành nghề xe ôm tại khu vực công viên Phú Lâm) chở đi Bình Chánh với giá 100.000 đồng. Cường yêu cầu xe ôm chở đến đường nội bộ bờ kênh xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh.

Đến nơi, một tên rút dao đâm nhiều nhát vào hông, lưng ông Cuộc. Nạn nhân bỏ chạy tri hô thì bị tên cướp nhí đuổi theo tiếp tục đâm nhiều nhát, gục tại chỗ. Sáng cùng ngày, người dân phát hiện người đàn ông chết trên đường nên trình báo công an.

Hơn 2 tháng sau, với nhiều nỗ lực điều tra, Đội CSHS Công an Q.Bình Tân đã bắt giữ 2 đối tượng tình nghi là Lê Hoàng Anh Vũ (quê Thừa Thiên Huế) và Nguyễn Văn Cường (quê Bến Tre). Cả 2 lúc này đều chưa đầy 18 tuổi (!).

Khi chúng tôi nắm thông tin về vụ án trên, trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng Công an Q.Thủ Đức – thời điểm đó là Đội trưởng Đội CSHS Công an Q.Bình Tân, đã không khỏi ngậm ngùi cho hoàn cảnh và tương lai của 2 phạm nhân. Anh kể rằng Cường và Vũ là những đối tượng sống lang bạt, bụi đời và rất lì lợm. Đến khi bị cơ quan công an bắt giữ, chúng vẫn rất ngoan cố và nếu không nắm bắt được gia cảnh cũng như tâm lý để cảm hoá thì đối tượng sẽ không bao giờ hợp tác, khai báo thành khẩn.

“Cường là đối tượng có hoàn cảnh đáng thương nhất. Em bỏ nhà lên Sài Gòn, cắt mọi liên lạc với gia đình vì bị cha mẹ hắt hủi, thường xuyên đánh đập, không thể hiện sự thương yêu. Khi được tôi hỏi “có bao giờ em nghĩ rằng ba mẹ mình cũng đang đi tìm mình khắp nơi mà chưa được không?”.Cường ấm ức một hồi rồi… khóc! Em thừa nhận rằng mình thực hiện cướp với thủ đoạn tàn bạo chỉ vì muốn… trả thù đời! Nghe câu đó, ai cũng sững sờ” – trung tá Đạt nói.

Kết quả cho hành vi phạm tội thiếu suy nghĩ Cường và Vũ là bản án 18 năm tù (mức án cao nhất cho người chưa thành niên) cho mỗi tên. Nước mắt, thêm một lần nữa rơi trong phòng xử án. Nhưng liệu rằng nó có “chữa” được một tương lai đã bị hằn lên vết sẹo của những phạm nhân trẻ.

Ngục tù, không chỉ là cái giá đắt dành cho của chính những tên cướp “tuổi teen” mà còn là nỗi đau dành cho gia đình và xã hội. Người lớn đã phải gánh chịu hậu quả vì sự lạc lối của con trẻ, mà khởi nguồn là do một môi trường giáo dục thiếu sự quan tâm…

Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An:

Tùy vào từng trường hợp, nhưng nói chung, người chưa thành niên phạm tội thường mang tính bột phát, tức nghĩa là chịu trách động nhiều của tình huống, hiếm khi có chủ động từ trước. Ý định phạm tội của nhóm đối tượng này thường xuất hiện rất nhanh và được thực hiện ngay sau đó. Có thể nói, số đối tượng này thường nghĩ là làm, không tính toán lợi hại, không cân nhắc hậu quả. Vì vậy, hành vi phạm tội của người vị thành niên rất manh động, khó lường, nguy hiểm.

Vì nhận thức còn hạn chế nên cả khi bị phát giác hành vi, số đối tượng này thường không nhận thấy hết hậu quả mà những hành động mà mình đã gây ra, nên sẽ tỏ ra lạnh lùng và thể hiện thái độ bất hợp tác với cơ quan công an. Lý do này xuất phát từ sự kiêu hãnh của tuổi mới lớn. Đây được xem như một thử thách mà người mới lớn cần phải vượt qua.

Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An

Một điều tra viên Công an Q.Bình Tân:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trẻ hóa tội phạm. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự buông lỏng quản lý của nhà trường, giáo dục và tốc độ phát triển của xã hội hiện đại. Ở thời kỳ công nghệ, con người thứ gì cũng biết sớm hơn: gia nhập vào xã hội sớm hơn, có nhiều mối quan hệ sớm hơn, làm nhiều điều sớm hơn, tâm lí phát triển sớm hơn… Do đó mà… phạm tội cũng sớm hơn! Đấy chính là một nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội bị trẻ hóa ngày một nhiều như hiện nay.

Để những “mầm xanh” của đất nước được phát triển đúng mực, không lầm đường lạc lối, chúng ta cần giáo dục các em bằng những việc làm nhỏ nhất, từ gia đình tới xã hội. Cụ thể, trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm đến con toàn diện hơn, không chỉ việc học mà cả những việc khác như vui chơi, giả trí.

Đối với nhà trừng, thầy cô, phải quan tâm hơn tới các hoạt động của học sinh, chăm lo và đồng hành cùng gia đình để bảo bọc các em ngay từ đầu. Từ đó đưa ra những định hướng đúng đắn cho các em, đặc biệt là thanh thiếu niên đang tuổi mới lớn. Môi trường sống luôn là yêu tố then chốt để hình thành nên nhân cách của mỗi con người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang