Xét xử đại án thất thoát ngàn tỷ tại Agribank:

Vay được hơn 19 tỷ đồng, khách hàng 'tặng' 3 tỷ cho ngân hàng

Thứ Năm, 10/12/2015 10:14

|

(CAO) Sáng 22-12, TAND Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 14 cựu cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đồng thời 4 cựu cán bộ hải quan cũng được đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 2.500 tỉ đồng.

Từ cuối giờ chiều qua (21-12) đến sáng nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung làm rõ số tiền “lại quả” cũng như sai sót trong quy trình thẩm định các dự án cho vay.

Tiếp tục phần thẩm vấn sáng nay, bị cáo Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, cựu Phó Giám đốc, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) cho biết, sau khi Công ty Enzo Việt hết hạn mức cho vay, dưới sự chỉ đạo của Phạm Thị Bích Lương, Kim Hiền đã giới thiệu Công ty của Lê Minh Hiếu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty Vietmade.

Sau đó, công ty của bị cáo Hiếu đã có hợp đồng liên kết vay vốn đối với Công ty Enzo Việt. Số tiền cho vay là 400 tỷ, trong đó đã có 80 tỷ cho vay theo hạn mức cho phép của cựu giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương.

Phạm Thị Bích Lương trước vành móng ngựa

Nói về việc ký giải ngân số tiền 320 tỷ, bị cáo Kim Hiền cho biết mình không nhớ đã ký như thế nào. Tiền được chuyển trực tiếp cho người bán ở nước ngoài, chuyển tiền theo chỉ định của công ty Lifepro Việt Nam. Tài sản đảm bảo chính là nguyên phụ liệu ngành may được nhập về.

Nói về việc cho hai công ty của Lê Minh Hiếu vay mà không có tài sản đảm bảo, bị cáo Kim Hiền thừa nhận đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định hàng hóa.

Sau khi Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội thực hiện giải ngân xong số tiền trong hợp đồng liên kết giữa hai Công ty của Lê Minh Hiếu với Công ty CP Enzo Việt, thì khoảng tháng 5, tháng 6, bị cáo Hiếu đã mang “quà tặng” 3 tỷ đồng đến cho chi nhánh ngân hàng.

Việc nhận quà biếu, bị cáo Hiền khẳng định đã được sự đồng ý của bị cáo Phạm Thị Bích Lương, sau đó chia cho cán bộ và nhân viên. Riêng Hiền được hưởng lợi 800 triệu đồng.

Ngoài ra, trong hành vi này, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội còn được Công ty CP Enzo Việt tặng 400.000USD. Số tiền này theo chỉ đạo của bị cáo Lương đã chia cho các nhân viên liên quan như: Đỗ Tiến Long 20.000 USD, Nguyễn Hữu Thanh, Đặng Quang Chung cùng 50.000USD. Hiền cũng được hưởng lợi 50.000 USD. Ngoài ra số tiền này còn có một khoản quỹ để chi tiêu cá nhân. Theo bị cáo Hiền, hiện gia đình đã nộp lại cho cơ quan điều tra 1,6 tỷ đồng.

Còn bị cáo Lê Minh Hiếu (SN 1974, lãnh đạo hai công ty CP Vietmade, Công ty Lifepro Việt Nam) thì khai, Hiếu và và Chử Thị Kim Hiền có quan hệ với nhau từ lâu. Từ giới thiệu của Kim Hiền, bị cáo Hiếu đã “bắt tay” với Công ty Enzo Việt để thực hiện hợp đồng liên kết vay vốn của ngân hàng.

Sau khi thực hiện hợp đồng liên kết để vay số tiền 470 tỷ đồng, bị cáo Hiếu cho hay đã thực hiện thanh toán LC cho nước ngoài theo chỉ định của Công ty CP Enzo Việt. Với hợp đồng liên kết này, bị cáo Hiếu cho biết nhận được hơn 19,4 tỷ đồng.

Hiếu đã “tặng” 3 tỷ cho Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội. Số tiền còn lại hơn 16 tỷ đồng, Hiếu sử dụng vào việc kinh doanh của công ty mình. Ngoài ra, bị cáo Hiếu còn cho biết, một vài lần được Hiền và Lương nhờ đưa “phòng bì” cho một số người.

Tại phiên thẩm vấn, HĐXX tiếp tục làm rõ hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của cựu Giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương.

Lương vẫn cho rằng: hồ sơ cho vay thời điểm bị cáo ký là không vi phạm quy định; đến thời điểm này bị cáo mới biết được khách hàng Công ty CP Enzo Việt đã lừa đảo, hai công ty của bị cáo Lê Minh Hiếu đã làm sai lệch hồ sơ.

Nói về số tiền 3 tỷ đồng được bị cáo Lê Minh Hiếu tặng, Lương thuật lại: Thời điểm đó, bị cáo không ở trụ sở, bị cáo Hiếu đã gọi điện thông báo: “Chị ơi, em qua cảm ơn anh chị em ở ngân hàng chi nhánh Nam Hà Nội”.

Bị cáo Lương cho hay, ngoài lời cảm ơn khách hàng, chị ta đã không có còn bất kỳ đối thoại nào với bị cáo Lê Minh Hiếu.

Nói về “quà tặng”, bị cáo Lương cho biết, không có thỏa thuận từ trước, số quà tặng này là do bị cáo Hiếu hoàn toàn tự nguyện và cũng không có bất kỳ chỉ đạo nào về số tiền này.

Thậm chí, sau khi được cựu phó giám đốc chi nhánh Chử Thị Kim Hiền thông báo khách hàng Lê Minh Hiếu tặng 3 tỷ, Lương còn thốt lên rằng: “Sao số tiền nhiều thế”. Lương cho biết, khi đó, Hiếu đang nợ khoảng 800 triệu tiền phí thanh toán quốc tế. Lương bảo đã đề nghị Chử Thị Kim Hiền chuyển khoản tiền này vào số tiền phí đang nợ của Hiếu nhưng Hiền không đồng ý.

Sau đó, Lương đã chuyển cho bị cáo Lê Minh Hiếu – là cổ đông của Công ty CP Lifepro Việt Nam sau khi ký hợp đồng liên kết số tiền 1 tỷ đồng để trả lương cho công nhân.

Về số tiền 500.000USD được Ahmed El Fehdi và Boubker El Fehdi - chuyển thông qua tài khoản của vợ bị cáo Lê Minh Hiếu, bị cáo Lương cho biết, ban đầu được hai đối tượng nước ngoài này nhờ nhận tiền mặt thông qua tài khoản cá nhân để tránh việc mất chi phí liên quan quá cao.

Hai người này cho biết sẽ tiếp tục dự án đầu tư dự án Dệt – Nhuộm – May ở Ninh Bình nên muốn đi cảm ơn lãnh đạo ngân hàng. Sau đó, Lương đã đến nhà cựu Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân đưa số tiền hơn 300.000USD và một người khác số tiền 200.000USD.

Liên quan đến chiếc xe ô tô nhãn hiệu Bentley trị giá gần 3,5 tỷ đồng, bị cáo Lương cho biết là nhờ Ahmed El Fehdi – tổng giám đốc Công ty LD Lifepro VN mua.

Còn Đỗ Tiến Long (SN 1975, cán bộ phòng tín dụng Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội) thì cho biết, từ năm 2008, Long trực tiếp theo dõi các khoản vay của Công ty CP Enzo Việt, Công ty Lifepro VN, Công ty CP Vietmade và Công ty LD Lifepro VN.

Long khai: cựu giám đốc Phạm Thị Bích Lương chỉ đạo là phải làm bằng được hồ sơ để cho hai công ty Lifepro VN và Công ty CP Vietmade của Lê Minh Hiếu vay tiền.

Bị cáo Long thừa nhận đã ký vào hồ sơ thẩm định để hoàn thiện hồ sơ cho vay. đề xuất cho vay 50 triệu USD để trả chi phí chuyển nhượng 6 thương hiệu…

Trả lời thẩm vấn HĐXX, các bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội đều thừa nhận các hành vi như tỏng cáo trạng, nhưng đều khẳng định là làm theo chỉ đạo của cựu giám đốc Phạm Thị Bích Lương.

Riêng bị cáo Nguyễn Hữu Thanh (SN 1977, cựu Phó trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) thì một mực cho rằng, mình đã làm đúng nghiệp vụ, đúng quy trình thanh toán quốc tế, hồ sơ đầy đủ. Bị cáo Thanh không thừa nhận cáo buộc hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Theo cáo trạng, quá trình xây dựng dự án Nhà máy dệt - nhuộm may công nghiệp tại Ninh Bình, Công ty cổ phần Enzo Việt (thành lập năm 2007) đã nhiều lần được Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay vốn.

Năm 2011, Công ty Enzo Việt đổi tên thành Công ty liên doanh Lifepro VN (Công ty Lifepro VN), dự án Dệt - Nhuộm - May của được đổi tên thành Dự án Luxfashion. Công ty này tiếp tục lập hồ sơ đề nghị được Agribank cho vay vốn để thực hiện dự án mới.

Kết quả điều tra làm rõ, Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) –Tổng giám đốc Công ty Lifepro VN cùng nhóm lãnh đạo công ty này đã tạo dựng các hợp đồng khống để chiếm đoạt cả nghìn tỉ đồng của Agribank Nam Hà Nội.

Cụ thể là Công ty Lifepro VN đã tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang để được phía ngân hàng phê duyệt, giải ngân.

Hội đồng quản trị Agribank đã phê duyệt nâng quyền phán quyết cho giám đốc Agribank Nam Hà Nội cho vay vốn với các hồ sơ này và bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.425 tỉ đồng của Agribank Nam Hà Nội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang