Xe ôm giả danh bác sĩ, lương y mở phòng khám chữa bệnh

Thứ Hai, 30/11/2015 00:10  | Hoàng Quân

|

(CAO) Thời gian qua, tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế xuất hiện một số đối tượng vốn làm nghề xe ôm, tự xưng là bác sĩ, lương y rồi tổ chức khám chữa bệnh, bán thuốc cho bệnh nhân, gây nhiều hệ lụy.

Từ người lái xe ôm thành “bác sĩ đa khoa”

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ra quyết định xử phạt 95 triệu đồng đối với ông Huỳnh Thất (trú 292 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Thuận Lộc, TP.Huế) về hành vi tự ý khám chữa bệnh, không có giấy phép họat động và buộc đình chỉ hoạt động trái phép.

Ông Huỳnh Thất vốn làm nghề xe ôm, tự xưng là bác sĩ đa khoa

Ông Thất vốn làm nghề xe ôm. Từ năm 2008, tự cho mình có khả năng siêu phàm, chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo nên ông Thất lập phòng khám, xưng là bác sĩ đa khoa. Ông Thất cấu kết, thỏa thuận với cánh tài xế, xe ôm ở quanh các bệnh viện, bến xe, nhà ga… để dụ dỗ bệnh nhân đến phòng khám. Nhiều người được chi hoa hồng từ 30 – 40% nên đã tiếp tay cho ông Thất lừa đảo, trục lợi.

Bệnh nhân tìm đến các cơ sở y tế thì bị đám người trên chèo kéo rồi chở đến “bác sĩ Thất”. Nạn nhân chủ yếu đến từ các tỉnh, thành ở miền Trung, đa số là người nghèo, thiếu hiểu biết, phải ngậm ngùi chịu cảnh mất tiền mà bệnh không khỏi.

Cánh xe ôm là trợ thủ đắc lực cho bọn lừa đảo

Năm 2012, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra và xử phạt 25 triệu đồng đối với ông Thất về hành vi hành nghề khám, chữa bệnh trái phép. Tháng 1-2015, ngành chức năng phát hiện ông Thất khám chữa bệnh, bán thuốc trái phép.

Thực chất “bác sĩ” Thất là người… thất học, vốn làm nghề xe ôm. Nhà khó khăn nhưng vài năm trở lại đây, ông Thất giàu có nhờ vào việc khám chữa bệnh. Ở tất cả những lần kiểm tra, cơ quan chức năng đều phát hiện ông Thất không phải bác sĩ, không có bằng cấp; phòng khám không có máy móc thiết bị y tế, không bảng hiệu...

Hết Thất đến Hạp

Một trường hợp khác vốn làm nghề xe ôm nhưng giả danh lương y là ông Nguyễn Đình Hạp (trú 95 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, TP.Huế). Tháng 11-2015, Công an tỉnh và Thanh tra Sở Y tế phát hiện ông Hạp hành nghề trái phép. Ông Hạp vốn cũng làm nghề xe ôm, giả danh lương y có uy tín rồi tự ý lập phòng khám, chữa bệnh, bốc thuốc bán cho người dân, kiếm tiền bất chính.

Ông Nguyễn Đình Hạp vốn làm nghề xe ôm, tự xưng là lương y

Cơ quan chức năng phát hiện tại nhà ông Hạp có 113 hũ thuốc thuốc Bắc, các giấy tờ liên quan về khám chữa bệnh. Ông Hạp không cung cấp được giấy phép, bằng cấp nào về nghề y, ngoại trừ một giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mang tên lương y Dương Văn Trọng. Tuy nhiên giấy phép này đã hết thời hạn sử dụng.

Trước đó, lương y Trọng thuê nhà ông Hạp lập phòng khám đông y, rất có uy tín, được nhiều người đến khám chữa bệnh. Ông Hạp cùng người thân được lương y Trọng thuê phụ một số công việc lặt vặt. Dần dần, ông Hạp may áo quần blue trắng cho người thân của mình và ngày càng “lấn sân” vào công việc ở phòng khám. Những lúc đông khách hoặc lương y Trọng có việc bận thì ông Hạp khám, kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân.

“Lương y” rởm Nguyễn Đình Hạp đang khám chữa bệnh

Uy tín càng giảm sút do sự lẫn lộn thật giả và xảy ra mâu thuẫn với gia đình ông Hạp nên lương y Trọng tách khỏi phòng khám, không thuê nhà nữa. Gia đình ông vẫn để nguyên bảng hiệu, tự ý khám chữa bệnh, bốc thuốc. Bệnh nhân của ông Hạp đến từ các tỉnh miền Trung, được cánh xe ôm chèo kéo chở đến “lương y Hạp” để được chữa trị.

Sự việc trên diễn ra giữa ban ngày, ở nơi đông dân cư nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chậm xử lý. Trong khi hàng chục người dân bị cánh xe ôm dụ dỗ, lừa chở đến đây để khám chữa bệnh. Và hậu quả là tiền mất, bệnh không khỏi, nguy hiểm điến tính mạng nếu uống phải thuốc không rõ nguồn gốc.

Số thuốc không rõ nguồn gốc do các “bác sĩ”, “lương y” rởm bán cho người bệnh

Việc làm của ông Thất, ông Hạp cùng cánh xe ôm không chỉ sai trái mà còn khiến bệnh nhân và người thân mất tiền oan, bệnh không khỏi, thậm chí mang họa nếu uống phải thuốc không rõ nguồn gốc; gây ảnh hưởng đến những người làm nghề chân chính, uy tín.

Hành vi trên đã tái phạm nhiều lần có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chính quyền và cơ quan chức năng chậm phát hiện. Biện pháp xử phạt hành chính, nghiêm cấm chỉ theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, vì sau đó vẫn đâu vào đấy, các đối tượng vẫn ngoan cố tái phạm với chiêu thức tinh vi, liều lĩnh hơn khiến người dân bức xúc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang