Nhiều cơ sở trong số này được giới chơi xe độ chế biết đến với những thành tích “số má” trên những cung đường đua về đêm. Trong số những lò độ liệt vào 'danh sách đen' do Phòng CSGT lập, có nhiều lò đã từng được phóng viên Báo Công an TPHCM nhắc đến trong các loạt phóng sự điều tra về thế giới ngầm của những chiếc “xe độ”.
Đột kích hàng loạt lò 'độ khủng'
Sau sự kiện 5 lò “độ" xe "khủng" ở TPHCM đồng loạt bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vào cuối tháng 5/2022, giới chơi xe ở TPHCM một phen rúng động, nhiều trong số này đã từ bỏ sở thích nguy hiểm vì nhiều lý do. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận lớn âm thầm hoạt động, thách thức pháp luật. Trước tình hình này, BCH Phòng CSGT CATP đã chủ động xây dựng kế hoạch, lập danh sách xử lý.
CSGT “đột kích” các lò “độ” xe ở TPHCM
Trong số này, những cái tên như Quý Chia (Q.Tân Phú), A Sáng (Q.10) hay 127 Racing ở Q.12 được thế giới ngầm xe “độ” kháo nhau về khả năng cho ra lò những chiếc xe lao vun vút trên đường với tốc độ xé gió. Công thức chung được những lò “độ” áp dụng để có thể kiếm được lượng khách “khủng” chính là: tham gia các cuộc đua phi pháp trên đường rồi xây dựng thương hiệu trên các trang mạng xã hội (MXH).
Xe "cọp" tại các lò "độ"
Sau khi áp dụng thành công công thức xây dựng thương hiệu này, lượng người tìm đến đặt hàng “độ” xe tăng lên chóng mặt. Dù cơ quan chức năng liên tục vào cuộc xử phạt, song vì lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh, mua bán xe “độ”, phụ tùng “độ” xe khiến giới chủ lò bất chấp.
Những chiếc "xế độ" với hình thù quái dị, được nâng cấp công suất máy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông
Để triệt để xử lý vấn nạn đua xe trái phép trên đường thì việc tập trung nhắm thẳng vào những cơ sở chuyên cung ứng phụ tùng “độ xe” đặc biệt là những lò “độ” đang là biện pháp được ngành chức năng nhắm đến. Sau quá trình âm thầm lập danh sách theo dõi, bước đầu những cái tên “cộm cán” trong thế giới “xe độ” đang hoạt động tích cực đã bị lực lượng chức năng đưa vào tầm ngắm.
Chiều 16/7, dưới sự phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ như: Phòng Tham mưu; Phòng Cảnh sát hình sự, các tổ công tác dưới sự chủ trì của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã nhắm vào 11 cơ sở chuyên nhận gia công chi tiết máy, buôn bán phụ tùng và “độ xe” cho các dân chơi.
Địa điểm đầu tiên được lực lượng chức năng kiểm tra là cở sở “độ xe” tên 127 RACING (P.An Phú Đông, Q.12). Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 11 xe mô tô đang trong quá trình thay đổi kết cấu ở cả bên ngoài và động cơ.
CSGT tạm giữ nhiều phụ tùng độ xe không chính hãng, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Ngoài ra, các cán bộ còn phát hiện nhiều phụ tùng chuyên dụng cho “xe độ” đều không có nguồn gốc xuất xứ. CSGT sau đó đã bàn giao 325 lá bố nồi; 32 bình xăng con; 49 piston máy (loại trên 62mm); 5 họng xăng “độ”; 9 phuộc xe; 3 gắp xe; 16 đĩa thắng; 15 đĩa nhông; 24 mâm xe; 12 đầu máy; 12 cổ pô; 30 nòng xe; 356 lò xo, 01 máy xe… cho cơ quan chức năng làm rõ, xử lý.
Tiệm sửa xe có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh là bà Hùynh T. T. (SN 1995; HKTT Q.12). CAQ.12 đã lập hồ sơ quản lý, đã thực hiện kiểm tra và xử lý vi phạm.
Công an làm việc với chủ cơ sở Tân Heine shop (Q.11)
Tại Q.Tân Phú, tổ công tác kiểm tra 2 cơ sở chuyên “độ xe”. Cơ sở đầu tiên là lò xe Quý Chia (P.Tân Thới Hoà), tổ công tác ghi nhận trong tiệm có 6 xe mô tô đang sửa chữa. Trong số này có 3 xe đang được độ “cấu hình khủng”, 2 xe không có số khung và số máy cùng nhiều động cơ máy được dân chơi gửi về để “độ” lại.
Kiểm tra tiệm sửa xe D.P Racing (P.Phú Trung), Cảnh sát phát hiện 1 xe mô tô được độ bài “trái 65mm” (đường kính piston máy 65mm). Chủ cơ sở khai nhận, xe đang được làm để chuẩn bị tham dự cuộc đua tự tổ chức ở Bình Dương. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tạm giữ 2 xe mô tô không có nguồn gốc và nhiều bộ phụ tùng khác…
Với cửa hàng kinh doanh phụ tùng Tân Heine shop (Q.11), CSGT phát hiện 1 xe mô tô BKS 60F1-666.66. Tuy nhiên xác minh nhanh, lực lượng chức năng phát hiện xe này không có giấy đăng ký hợp lệ, chủ xe cũng không chứng minh được nguồn gốc. Ngoài ra, nhiều phụ tùng xe không có nguồn gốc xuất xứ được bày bán đã được lập biên bản tạm giữ.
Vạch trần 'hệ sinh thái' cung ứng phụ tùng xe
Cũng trong dịp này, lực lượng chức năng còn tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở với bề ngoài là cửa hàng cơ khí, chuyên nhận gia công chi tiết máy nhưng thực chất chuyên cung ứng phụ tùng cho các lò “độ” nức tiếng ở TPHCM. Trong số này có cửa hàng tiện Hiệp 303 (Q.11). Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở này chuyên nhận gia công cơ khí CNC các chi tiết phức tạp trong độ cơ máy như: trái piston, họng xăng, tay dên…
Bên trong tiệm tiệm Hiệp 303 (Q.11)
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã ghi nhận cảnh tiệm tiện này đang hoạt động. Kiểm tra cơ sở này, Công an phát hiện nhiều phụ tùng “độ” được đóng hộp, bao bì nhưng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ gồm: 200 cục sắt ác dên; 77 tay dên; 200 bộ lò xo đầu; 170 bạc; 120 ác xe; 85 cây cam; 10 đầu máy; 10 nồi; 11 má dên; 175 cây suppap; 25 đầu lap; 115 ron, 23 mặt nồi.
Số phụ tùng này nếu trót lọt đưa ra thị trường sẽ được cung ứng cho các cơ sở xe “độ”, từ đó tạo ra những chiếc xe “cọp khủng”.
Các khối động cơ máy được nhận lại để gia công, sửa chữa nhằm nâng cấp công suất hoạt động
Còn tại tiệm tiện Châu Lê – Đặng Văn Quý III (P.16, Q.Gò Vấp), Công an ghi nhận cơ sở đang hoạt động sản xuất, gia công một số linh kiện, phụ tùng “độ xe”. Lực lượng chức năng sau đó lập biên bản tạm giữ 6 tay dên máy (đã được đôn – thay đổi kích thước); 5 đầu máy; 5 lòng độ; 1 bộ số; 1 bộ lốc máy tự tiện cùng 66 trái piston. Chủ cơ sở khai nhận, số mặt hàng này trong một vài ngày tới sẽ được cung ứng cho một lò “độ” có tiếng ở TPHCM theo đơn đặt hàng từ trước.
Nhập đồ Trung Quốc về gắn mác Việt Nam
Trong ngày 16/7, các tổ công tác do Phòng CSGT chủ trì đã tiến hành kiểm tra lò “độ” A Sáng (Q.10). Bước đầu xác định cơ sở này do vợ chồng Phạm T. T. (SN 1980) và Vồng N. S. (SN 1981) đăng ký giấy phép cũng như trực tiếp quản lý. Kiểm tra bên trong cơ sở này, CSGT và CSHS phát hiện lò này đang có 3 xe mô tô được “độ” lại với cấu hình “trái 62mm”. Ngoài ra, nhiều linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (02 đế nồi; 01 cùm tay ga; 02 đĩa; 81 bi nồi; 39 bố nồi…) cũng được lập biên bản tạm giữ.
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm công ty có tên TNHH MTV TM LIGHT (P.9, Q.10). Qua xác minh, công ty này do Vồng N. S. (chủ tiệm độ A Sáng) đứng tên thành lập. S. khai nhận, việc thành lập công ty để tiện trong việc thu mua, nhập các phụ tùng xe máy có nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam rồi bán ra thị trường dưới mác thương hiệu LIGHT.
Lực lượng chức năng sau đó tạm giữ 1 xe mô tô đang sửa chữa (không có số máy, không xuất trình được giấy tờ xe) và nhiều linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (214 đầu + suppap; 48 cam; 182 nồi xe; 99 đế nồi; 18 họng gió; 920 lò xo; 42 cò; 41 tay dên; 57 cùm tăng chỉnh; 79 sên; 48 piston; 162 lá sắt; 566 bố nồi; 550 nhông đĩa; 81 bánh cam; 120 lá bố; 38 lòng máy).