Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm ở TP.Phú Quốc, Kiên Giang:

"Thiên đường nghỉ dưỡng 6 sao", dân lao đao kêu cứu (?!) - kỳ cuối

Thứ Sáu, 15/07/2022 12:32

|

(CATP) Nhiều hộ dân bị thu hồi đất đặt thẳng vấn đề: Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm ngoài là dự án thương mại, tại sao UBND TP.Phú Quốc áp giá bồi thường hỗ trợ mà không để chủ đầu tư trực tiếp thương lượng, thỏa thuận với dân nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người sử dụng đất?

Bài cuối: NGƯỜI DÂN BỊ THU HỒI ĐẤT MONG GÌ?

Thu hồi đất vì lợi ích của ai?

Kèm theo tài liệu và đơn kêu cứu khẩn cấp, ông Lê Tiến Tình trình bày: Gia đình ông là chủ sử dụng 5 thửa đất với tổng diện tích 21.377,95m2 tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm. Đang yên ổn làm ăn, gia đình bất ngờ nhận được 5 "thông báo thu hồi đất" (số 142, 143, 144, 166 và 167/TB-UBND), đều do ông Huỳnh Quang Hưng - Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc (hiện đương chức Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc) ký ngày 20-3-2018. Lý do thu hồi đất, để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm.

Liên quan đến lý do thu hồi đất, Luật sư Nguyễn Minh Tường (Công ty Luật Phan Nguyễn, TPHCM) và Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) có chung quan điểm: Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm là dự án kinh doanh, không phải là dự án "vì lợi ích quốc gia công cộng". UBND huyện, (nay là TP) Phú Quốc lấy lý do thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là trái với quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.

Thật lạ, trong cả 5 thông báo thu hồi đất cùng hàng chục thông báo tương tự, ông Huỳnh Quang Hưng đều căn cứ vào báo cáo ngày 20-12-2017 của chủ đầu tư về "tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án 169,39ha" (?!). Thực tế, tại thời điểm này, đất vẫn do các hộ dân quản lý sử dụng, chủ đầu tư lấy đâu ra "tiến độ sử dụng đất" để Phó chủ tịch Hưng lấy làm căn cứ?

Đến cuối năm 2020, gia đình ông Tình nhận được 3 quyết định thu hồi đất (số 7127, 7128 và 7129/QĐ-UBND), đều do Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc Trần Chiến Thắng ký ngày 28-12-2020. Lý do thu hồi đất: "Để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng". Trong cả 3 quyết định này, Phó chủ tịch Thắng đều căn cứ vào Quyết định số 2578/QĐ-UBND ngày 15-11-2018 của UBND tỉnh Kiên Giang "ủy quyền UBND H.Phú Quốc thu hồi đất".

Đến ngày 13-01-2021, Phó chủ tịch Thắng ký tiếp 2 quyết định "Hỗ trợ về đất đai, cây trồng, vật kiến trúc" cho hộ ông Tình. Trong đó, Quyết định số 123/QĐ-UBND hỗ trợ số tiền 2,41 tỷ đồng; Quyết định số 124/QĐ-UBND, hỗ trợ 329,64 triệu đồng.

Ông Lê Tiến Tình bên một gốc xoài hàng chục năm tuổi

Ông Tình bức xúc: "Cả 5 thửa đất bị thu hồi do gia đình tôi khai phá cách đây hơn 20 năm, từ lúc còn hoang hóa. Suốt hơn 1/5 thế kỷ qua, gia đình tôi phải tốn nhiều tiền của, công sức, mồ hôi, nước mắt, mới có thể cải tạo, biến vùng đất hoang, xa xôi hẻo lánh thành khu đất nông nghiệp, trồng cây ăn trái (xoài, đào...) và cây lấy gỗ (xà cừ, tràm bông vàng...) nuôi sống cả nhà. Gia đình tôi cùng một số hộ dân phải bám trụ giữ đất, vượt qua biết bao trở ngại, chịu nhiều mất mát, hy sinh. Nay chỉ cần vài thông báo, quyết định thì toàn bộ khu đất rơi vào tay tư nhân, làm dự án kinh doanh".

Chủ sử dụng đất lên tiếng: "Khu đất rộng lớn, có cả nhà cửa, cây trồng hàng chục năm tuổi nhưng chỉ hỗ trợ tổng cộng hơn 2,7 tỷ đồng. Với số tiền này, gia đình tôi không thể nào tái tạo, ổn định nơi ở mới. Tại buổi đối thoại vận động nhận tiền bồi thường để bàn giao đất cho Nhà nước nhằm thực hiện dự án do UBND xã Bãi Thơm tổ chức ngày 15-12-2021, tôi không đồng ý việc hỗ trợ của UBND TP.Phú Quốc. Tôi tha thiết đề nghị huyện xem xét, vì khu đất của gia đình tôi có đủ điều để được bồi thường theo quy định pháp luật. Tôi chỉ mong các hộ dân mất đất như gia đình tôi không bị bỏ lại phía sau".

Đồng tình với ông Tình, bà Lê Thị Xá (chị ruột ông Tình, SN 1964, ngụ ấp Rạch Tràm) cùng nhiều hộ dân bày tỏ: Lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc cần xem lại khi nêu lý do "thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng". Ngay cả khi lý do này đúng thì cũng cần phải xem xét giải quyết, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân có đất bị thu hồi. Thực tế, dự án này mang tính thương mại nên phải được thực hiện theo đúng Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan.

Bảng thông tin về dự án "sánh đôi" với bảng nội quy Vườn quốc gia Phú Quốc

Bà Xá tâm tư: "Chúng tôi, những gia đình nông dân chân lấm tay bùn, chịu nhiều thiệt thòi, rất đau đớn khi mất đi mảnh đất, khu vườn, buộc phải rời xa vĩnh viễn cái nơi đã gắn bó như máu thịt suốt hàng chục năm. Đã vậy, chúng tôi không được bồi thường mà chỉ nhận hỗ trợ số tiền ít ỏi, khiến cho cuộc sống khó càng thêm khổ. Do đó, rất mong lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc quan tâm đến các hộ gia đình bị mất đất, để người dân "dễ thở" khi di dời đến nơi ở mới, phải hơn hay chí ít cũng phải bằng chỗ ở cũ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi mong muốn quyền lợi chính đáng của mình luôn được bảo vệ, cũng như nguồn tài nguyên quốc gia không bị thất thoát, lãng phí...".

Một loạt câu hỏi chưa được trả lời

Sáng 24-5-2022, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND TP.Phú Quốc để nắm thông tin, cũng như nghe quan điểm của lãnh đạo liên quan đến dự án. Tuy nhiên, một cán bộ Văn phòng UBND TP.Phú Quốc, cho biết, toàn bộ lãnh đạo đã họp với đoàn công tác của tỉnh nên không thể tiếp phóng viên. Chúng tôi viết văn bản kèm theo đơn kêu cứu của ông Lê Tiến Tình, gửi UBND TP.Phú Quốc, nêu rõ: Để thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên trân trọng đề nghị quý lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc trao đổi những vấn đề sau:

1) Cơ sở pháp lý để UBND TP.Phú Quốc giao 169,39ha đất (173,5 hécta) cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc thành phố Đảo Phú Quốc mà không phải qua đấu giá quyền sử dụng đất?

2) Dự án Khu sinh thái và dân cư Rạch Tràm là dự án kinh doanh thu lợi, tại sao UBND TP.Phú Quốc không để chủ đầu tư trực tiếp đứng ra thương lượng với các hộ dân có đất bị thu hồi mà lại sử dụng quyền lực Nhà nước thu hồi đất không bồi thường, chỉ hỗ trợ, trong khi khu đất của hai gia đình ông Lê Tiến Tình và bà Lê Thị Xá có nguồn gốc đất rõ ràng, quản lý, sử dụng ổn định suốt hơn 20 năm? Đây có dấu hiệu của hành vi tiếp tay cho tư nhân trục lợi hay không?

3) Với khoản tiền khoảng 2,7 tỷ đồng cho toàn bộ hơn 21.300m2 đất cùng nhà cửa và tài sản trên đất, như vậy gia đình của người bị thu hồi đất (cụ thể là ông Lê Tiến Tình) có thể tái tạo cuộc sống mới tại địa phương hay không?

Ngoài các vấn đề nêu trên (cũng là những nội dung được nêu trong đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Tình và bà Xá), Chuyên đề Công an TPHCM sẵn sàng tiếp nhận những thông tin khác từ UBND TP.Phú Quốc liên quan đến dự án.

Đến 10 giờ 12 phút sáng cùng ngày, phóng viên tiếp tục gửi tin nhắn cho ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc, nội dung: "Vừa qua, tòa soạn có nhận được đơn kêu cứu của ông Lê Tiến Tình, liên quan đến việc thu hồi đất giao công ty tư nhân làm dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm.

Sáng 24-5-2022, phóng viên đã đến Trụ sở UBND TP.Phú Quốc để nắm và trao đổi thông tin nhưng tiếc là không gặp được ông hay quý lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc. Phóng viên đã chuyển đơn kèm một số nội dung cần trao đổi tại Văn phòng UBND TP.Phú Quốc. Nếu được, rất mong ông dành chút thời gian tiếp và trao đổi với phóng viên vụ việc trên trong ngày hôm nay hoặc sáng ngày mai...".

Chờ suốt ngày 24 và buổi sáng 25-5-2022, chúng tôi không nhận được thông tin từ lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc cũng như Chủ tịch Huỳnh Quang Hưng. Quay trở về TPHCM, phóng viên kiên nhẫn chờ thêm hơn 45 ngày vẫn không nhận được phản hồi. Thiết nghĩ, đã đến lúc lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc cần có quan điểm chính thức một loạt vấn đề liên quan dự án này để tòa soạn thông tin đến bạn đọc theo quy định của pháp luật.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang