Ông Lê Văn Ba dũng cảm, bất chấp nguy hiểm kiên trì thu thập chứng cứ, đứng ra tố cáo "lâm tặc" phá rừng, chiếm đất rừng
Từ giữa năm 2019, rừng cộng đồng tại các tiểu khu (TK) 438A, 439 xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm nhiều lần bị tàn phá. Các đối tượng ngang nhiên dựng nhà trái phép để ở, chiếm đất lâm nghiệp. Tỉnh chỉ đạo quyết liệt, nhưng cấp huyện chậm xử lý nên cha con Nguyễn Đức Dạo, Nguyễn Văn Dũng (cha Dạo), Nguyễn Chung Đức (em Dạo) tiếp tục lộng hành, đánh người, coi thường pháp luật.
Người hùng bị hành hung
Nhiều vụ phá rừng, lâm tặc côn đồ, manh động, hành hung, tấn công cả kiểm lâm, cán bộ tuần tra rừng. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhiều lần khẳng định "có sự dung túng, bao che trong một số vụ phá rừng"!
Về H.Bảo Lâm, nghe kể về cha con, anh em Nguyễn Đức Dạo, Nguyễn Chung Đức "rất hung dữ, từng đánh người, nhờn luật..."; rất ít người dân dám đứng ra tố cáo các đối tượng phá rừng vì sợ liên luỵ...
Việc ông Lê Văn Ba (SN 1970, trú xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm) nhiều lần đứng ra tố cáo hành vi huỷ hoại cây thông, phá rừng, dựng nhà trái phép của cha con Nguyễn Đức Dạo, đỉnh điểm là chiều 8-7-2022, ông bị nhóm người này đánh hội đồng gây thương tích phải nhập viện điều trị; hành động của ông Ba rất dũng cảm, quên mình, đầy trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, rất cần được biểu dương, bảo vệ.
Như CAO đã thông tin, khoảng 16h ngày 8-7, ông Lê Văn Ba phát hiện rừng thông tại TK 438A bị cha con Nguyễn Đức Dạo phá liền báo cho Phó chủ tịch, Công an xã Lộc Phú; cùng đó, ông Ba rủ thêm một người đi cùng, đến hiện trường dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim các đối tượng phá rừng làm bằng chứng.
Nguyễn Đức Dạo, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Chung Đức phát hiện, đã lao vào dùng mũ cối, tay chân đánh đập, hành hung ông Ba. Lực lượng chức năng kịp thời có mặt, lập biên bản vụ việc. Ông Ba được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện điều trị thương tích và hiện vẫn đang nằm viện.
Bác sĩ kết luận, ông Lê Văn Ba bị nứt xương đầu cánh tay trái, sưng nề mô mềm vùng thái dương đỉnh trái. Khi ông nằm viện, Công an H.Bảo Lâm đã đến thăm hỏi, động viên, làm việc với ông.
Cơ quan chức năng tại hiện trường căn nhà Nguyễn Đức Dạo xây dựng trên đất rừng lấn chiếm tại TK 438A xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm
Ngày 13-7, trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết, ngay sau khi vụ đánh người xảy ra, nắm được thông tin, Công an tỉnh chỉ đạo Công an H.Bảo Lâm khẩn trương, làm rõ vụ việc để xử lý theo pháp luật.
Cơ quan điều tra Công an H.Bảo Lâm đã tiến hành trưng cầu giám định thương tích với ông Lê Văn Ba, đồng thời giám định tài sản là chiếc ĐTDĐ của ông Ba và đang chờ kết quả từ các cơ quan, đơn vị giám định.
Bước đầu xác định có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích và huỷ hoại tài sản. Nhưng phải chờ có kết quả chính thức mới có cơ sở xử lý vụ việc.
Đây không phải lần đầu, mà nhiều lần ông Lê Văn Ba đã phản ánh tình trạng phá rừng tại đây, kể từ năm 2019. Nhưng "kỳ lạ" là tình trạng này vẫn chưa được các cơ quan chức năng, chính quyền xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm xử lý dứt điểm.
Không chỉ hành hung ông Lê Văn Ba, nhóm Nguyễn Đức Dạo từng rượt đánh cán bộ kiểm lâm, chủ rừng. Cụ thể, theo lời kể của một số cán bộ quản lý, bảo vệ rừng: cuối tháng 8-2021, phát hiện Nguyễn Đức Dạo xây dựng nhà trái phép tại rừng cộng đồng thuộc TK 438A, đoàn kiểm tra gồm các lực lượng của Hạt kiểm lâm H.Bảo Lâm, BQLRPH Đam B’ri, UBND xã Lộc Phú đến làm nhiệm vụ giải tỏa diện tích đất rừng bị lấn chiếm, nhóm đối tượng Nguyễn Đức Dạo, Nguyễn Chung Đức đã cầm thanh gỗ lao đến hành hung Trưởng BQLRPH Đam B’ri và nhân viên.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Bảo Lâm chứng kiến, can ngăn sự việc, liền bị đối tượng Dạo cầm cây lao đến đánh, may ông này né kịp. Đây là dấu hiệu của hành vi "Chống người thi hành công vụ", nhưng do không có tố cáo, cán bộ bỏ qua và sự việc dừng lại. Lực lượng chức năng sau đó lập hồ sơ, kiến nghị xử lý hành vi lấn chiếm đất rừng của các đối tượng.
Vụ phá rừng ông Lê Văn Ba phát giác mới đây, lực lượng chức năng kiểm đếm, phát hiện có 8 cây thông bị đốn hạ, cắt khúc với 60 lóng gỗ, ngay khu vực căn nhà Nguyễn Đức Dạo xây dựng do chiếm đất trái phép. Ngoài ra, còn có 20 gốc thông bị ken; trong đó, nhiều cây đã chết khô.
Quá trình khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng này, ngày 12 và 13-7, các cơ quan chức năng lại phát hiện thêm nhiều điểm chôn lấp cây thông bị cưa hạ, chôn lấp trong gần 10 hố để phi tang.
Các đối tượng đốn hạ cây rừng, sau đó cưa khúc chôn vùi dưới hố sâu, trung bình mỗi hố có từ 7 - 10 khúc gỗ. Các cơ quan chức năng đã thống kê số lâm sản bị thiệt hại để điều tra, làm rõ vụ 2 vụ phá rừng nghiêm trọng này.
Hiện trường vụ nhóm đối tượng Nguyễn Đức Dạo chặt phá thông, xảy ra ngày 8-7 bị ông Lê Văn Ba phát hiện, tố cáo
Cha con Nguyễn Đức Dạo phá rừng, chiếm đất dai dẳng
Theo tố cáo của ông Lê Văn Ba, ngày 1-4-2019, ông phát hiện rừng thông tại TK 378A bị phá nằm ngổn ngang, xung quanh, các đối tượng trồng bơ, ông báo Hạt kiểm lâm H.Bảo Lâm. Hạt phó thời đó là ông Giáp Văn Tĩnh cùng một số cán bộ của Hạt đến hiện trường vụ phá rừng theo tố giác của công dân, nhưng sau đó không rõ xử lý thế nào!
Ngày 14-7, ông Ba lên Chi cục kiểm lâm tố cáo. Ngay sau đó, thanh tra pháp chế của Chi cục kiểm lâm tỉnh và đoàn công tác xuống hiện trường vụ phá rừng, phối hợp các đơn vị chức năng H.Bảo Lâm tiến hành kiểm tra vụ việc. Cơ quan chức năng phát hiện một mảng rừng cộng đồng (thông ba lá) tại TK 438A bị đốn hạ, cắt khúc phi tang dưới đất với mục đích chiếm đất rừng.
Có tổng cộng 399 lóng gỗ, khối lượng 9,7 m3 được các cơ quan chức năng khai quật, kiểm đếm, nhưng không xác định được đối tượng phá rừng. Sau đó, cũng vì lơ là công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn H.Bảo Lâm, để xảy ra thêm một số vụ phá rừng nghiêm trọng khác trên địa bàn này, nhiều lãnh đạo, cán bộ Hạt kiểm lâm H.Bảo Lâm (6 người) bị kỷ luật, chuyển công tác sang các cơ quan, đơn vị khác.
Ngày 15-8-2020, các cơ quan chức năng H.Bảo Lâm phát hiện tại TK 438A xuất hiện một khung sắt nhà mới dựng, nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Đến ngày 3-9-2020, căn nhà này hoàn thành, xung quanh bao bằng tôn, mái lợp tôn với tổng diện tích 132,6 m2, bên trong có nhiều người ở. Cơ quan chức năng xác định, đối tượng chiếm đất, xây nhà trái pháp luật là Nguyễn Đức Dạo.
Vụ việc được BQLRPH Đam B’ri phối hợp cùng Hạt kiểm lâm H.Bảo Lâm và UBND xã Lộc Phú lập biên bản, hồ sơ, kiến nghị UBND H.Bảo Lâm xử lý.
Thời điểm này, tại đây tiếp tục xảy ra vụ phá rừng cộng đồng tại TK 439 (thôn 1, xã Lộc Phú). Lực lượng chức năng phát hiện một đống gỗ thông lớn đã được cắt khúc (lóng) tập kết ngay dưới tán rừng thông. Qua kiểm đếm của lực lượng chức năng, có 120 lóng gỗ, tổng khối lượng hơn 5,3 m3.
Tại hiện trường, một vạt rừng thông với hàng chục cây thông có đường kính từ 0,5 đến gần 1m bị cưa hạ; trong đó có nhiều gốc thông mới bị cưa cắt và nhiều gốc thông cổ thụ đang bị đốt cháy sém. Những kẻ phá rừng còn dùng phương tiện cơ giới san gạt mở đường đi ngay trên đất rừng, phạm vi hơn 2 ha, cả trăm cây bơ trồng đã xanh tốt, cao trên 1m.
Trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm còn có các chòi canh. Phần diện tích rừng cộng đồng này do ông Nguyễn Văn Khánh, đại diện Tổ cộng đồng hợp đồng thỏa thuận giao khoán với bà Trần Thị Thảo (trú P.2, TP Bảo Lộc). Theo hợp đồng này, bà Thảo thuê 22.000 m2 đất rừng cộng đồng để quản lý rừng, canh tác. BQLRPH Đam B’ri và Hạt kiểm lâm H.Bảo Lâm đã thu hồi hợp đồng này, lập hồ sơ, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Cơ quan chức năng phát hiện, moi các lóng thông bị các đối tượng đào hố chôn lấp phi tang trong khu rừng cộng đồng tại TK 438A ngày 13-7-2022
Trước các vụ việc gây "nóng" dư luận trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có các văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND H.Bảo Lâm, các cơ quan chức năng huyện này khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ phá rừng và đối tượng liên quan.
Có đến gần chục "mộ thông" bị phát hiện, trong đó, dưới mỗi hố chôn vùi 7-10 lóng gỗ
Ngày 7-10-2020, với hành vi lấn chiếm 327,43 m2 đất rừng sản xuất tại TK 438A thuộc rừng cộng đồng xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm để làm nhà và chuồng trại, Nguyễn Đức Dạo bị UBND H.Bảo Lâm xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng; đồng thời buộc đối tượng khắc phục sai phạm, trả lại diện tích đất lấn chiếm, khôi phục tình trạng ban đầu của đất rừng nói trên.
Tuy nhiên, đối tượng ngoan cố không thực hiện. Các ngành chức năng và chính quyền H.Bảo Lâm cũng "quên" luôn việc giải toả nhà trái phép của gia đình Nguyễn Đức Dạo cho tới khi xảy ra vụ việc ông Lê Văn Ba phát hiện các đối tượng tiếp tục phá rừng, tố cáo và bị đánh...
(Còn tiếp...)