Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (bên trái) và ông Bùi Thắng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị giao ban báo chí
Chiều 11-7-2022, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị giao ban báo chí định kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì cùng ông Bùi Thắng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự, cung cấp thông tin cho báo chí.
Tại buổi gặp mặt, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng sốt đất ở TP.Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, thực trạng phân lô, tách thửa, núp bóng hiến đất mở đường..., ông Trần Văn Hiệp cho biết, trong thời gian qua công tác quản lý các lĩnh vực này đã bộc lộ những yếu kém: nhiều trường hợp người dân hiến đất làm đường không vô tư; sự quản lý, theo dõi, trách nhiệm của các sở, ngành có chức trách và đặc biệt là địa phương chưa làm đúng, làm hết trách nhiệm... dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tại đây không ổn định.
Thực hiện các quy định của pháp luật: Luật đất đai, Luật kinh doanh BĐS, Nghị định 02/2022 NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ... tỉnh ban hành các văn bản từng bước tháo gỡ, quản lý, nhằm đảm bảo hình thành thị trường BĐS theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thuế thu nhập với Nhà nước.
Nhà báo Lâm Viên - Báo Thanh Niên nêu câu hỏi với lãnh đạo tỉnh về trách nhiiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền huyện Bảo Lâm trong việc liên tiếp để xảy ra các vụ phá rừng tại xã Lộc Phú
Chậm nhất tháng 6-2023 sẽ khởi công đường cao tốc
Về hai dự án lớn là đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương và mở rộng đường đèo Prenn (phường 3 - TP Đà Lạt) chậm hơn so với dự kiến ban đầu do liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất rừng để mở đường và đang được các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; sau đó sẽ triển khai các bước tiếp theo. Chậm nhất tháng 6-2023 sẽ khởi công tuyến cao tốc.
Theo ông Trần Văn Hiệp, tỉnh Lâm Đồng với quyết tâm cao nhất, khát vọng từ nhiều năm qua của Đảng bộ và nhân dân Lâm Đồng, việc triển khai dự án có thể sẽ sớm hơn. Kế hoạch tháng 6-2026 sẽ hoàn thành.
Cao tốc Tân Phú - Liên Khương (dài 140km) là đoạn tuyến thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200 km (nối hai tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng) quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới cao tốc Việt Nam, định hướng 2025- 2030.
Tuyến cao tốc này chia ra ba dự án thành phần: Dầu Giây - Tân Phú do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương được Chính phủ đồng ý giao Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầu tư, theo phương thức đối tác công tư (PPP). Liên danh các nhà đầu tư được đề xuất tham gia dự án là Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung.
Ông Hiệp thông tin, mặt nền đường cao tốc sẽ được điều chỉnh 17m, tăng 4m so với đề xuất trước đó. Tổng kinh phí xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú - Liên Khương dự kiến trên 16.000 tỷ đồng (giảm 3 tỷ đồng so với đề xuất dự toán năm 2021). Trong đó, ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn huy động khác.
Chính phủ đã chỉ đạo bố trí 2.000 tỷ đồng làm kinh phí giải phóng mặt bằng và một phần xây lắp. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có 3.500 tỷ đồng và trình xin Thủ tướng bố trí vốn đối ứng 2.500 tỷ đồng. Ngày 13-6-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, ngành về dự án.
Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng thông tin với báo chí về tiến độ khởi công, sửa chữa các đường đèo Prenn, Mimosa và cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ định hình "một tương lai khác" của Lâm Đồng, sẽ thay đổi gần như toàn bộ diện mạo của Lâm Đồng. Về thời gian, thay vì xe chạy 7-8 tiếng đến TPHCM như hiện nay sẽ rút xuống chỉ còn 3-4 tiếng; cùng đó, phát triển quỹ đất hai bên đường, tại các nút giao thông, sẽ xuất hiện các dự án nhà hàng, khách sạn, khu dân cư, điểm tham quan du lịch...; giảm tải cho quốc lộ 20, nhất là đoạn đường đèo Bảo Lộc thường xuyên xảy ra sự cố giao thông (ùn tắc, tai nạn) vào những ngày, giờ cao điểm, mùa mưa bão... Đặc biệt, kết nối tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Đông - Nam bộ nhằm kích cầu, phát triển mạnh kinh tế - xã hội vùng.
"Nhiều người nói với tôi về đường cao tốc liên tỉnh Lâm Đồng, xem đó là khát vọng, ước mơ nhiều năm và mong muốn thực hiện được. Tôi đồng tình với điều đó và hiện đang cùng với Thường vụ Tỉnh uỷ đặt quyết tâm cao nhất, tập trung cho việc này", ông Hiệp chia sẻ.
Trước việc nhiều trang báo mạng thông tin việc các doanh nghiệp, "ông lớn" lĩnh vực BĐS ở nhiều địa phương công bố tài trợ lập quy hoạch tại TP.Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung, gây hoang mang dư luận về những chiếc "bánh vẽ" dự án BĐS, có dấu hiệu vi phạm Luật kinh doanh BĐS; ông Hiệp cho biết, tỉnh chỉ tiếp nhận kinh phí tài trợ quy hoạch, không tiếp nhận sản phẩm quy hoạch. Để triển khai, cụ thể hoá các dự án, các nhà đầu tư đều phải thông qua đấu thầu công khai, minh bạch.
Phóng viên đặt câu hỏi tại buổi giao ban
Một cán bộ kiểm lâm tuần tra, quản lý... 1.000 ha rừng
Ông Trần Văn Hiệp khẳng định, tỉnh rất quan tâm, dành nhiều thời gian trong các kỳ họp để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp, quy trách nhiệm cá nhân cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn, giải quyết những vi phạm về nạn phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp.
Vậy nhưng tình trạng này vẫn diễn ra với những vụ phá rừng quy mô gây bức xúc dư luận xã hội. So với cùng thời điểm trước, số vụ phá rừng và trữ lượng gỗ bị tàn phá giảm nhiều, nhưng xuất hiện những vụ mới với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn. Điển hình như vụ phá rừng tại tiểu khu 144B (phường 8 - TP Đà Lạt), nơi không có nguồn nước, mảng rừng bị phá nằm sâu giữa cánh rừng, xa khu dân cư.
Báo cáo của ngành kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đang thiếu 29 biên chế, hiện nay 1 cán bộ kiểm lâm có trách nhiệm tuần tra, quản lý 1.000 ha rừng...
Trước việc này, ông Hiệp chia sẻ những khó khăn nhất định của ngành Kiểm lâm về nhân sự, phương tiện. Tuy nhiên, từ hiện trường các vụ phá rừng mà ông đã vào tận nơi kiểm tra, quan sát, ông Hiệp cho rằng, có sự tiếp tay, vạch đường chỉ lối của một số cán bộ, không thì lâm tặc nào dám phá và khẳng định, bản chất những vụ phá rừng là để chiếm đất vì giá đất ngày càng cao.
"Lâu nay có sự sơ hở của cán bộ nên mới xảy ra nạn phá rừng. Phải điều tra, làm cho rõ có nhóm, có cán bộ tiếp tay dung túng hay không... Phải kỷ luật, khởi tố, xử lý ngay những cán bộ tiếp tay, dung túng nạn phá rừng". Ông Hiệp nhấn mạnh, và giao nhiệm vụ với Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo các ngành Kiểm lâm, Sở NN&PTNT có mặt tại Hội nghị.
Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị giao ban báo chí
Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Lâm Đồng nhiều năm qua, cho thấy, tỉnh Lâm Đồng liên tục vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hoá, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, ổn định an ninh - quốc phòng...
Đáng chú ý là việc thu nộp ngân sách nhà nước nhiều năm qua luôn vượt chỉ tiêu, kế hoạch. Điển hình các năm 2020, 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, tỉnh Lâm Đồng vào các tháng 9,10 đã hoàn thành chỉ tiêu Trung ương giao thu nộp ngân sách. Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng được giao thu ngân sách nhà nước 9.900 tỷ đồng, nhưng hết tháng 6 đã đạt 7.900 tỷ đồng và đề ra mục tiêu đạt thu ngân sách 12.100 tỷ đồng trong năm. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua và đứng thứ 13 cả nước về mức tăng trưởng (theo đánh giá của Cục Thống kê).
Trước các chỉ số, yếu tố tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Hiệp chia sẻ cảm xúc phấn khởi, cùng điều ông trăn trở: "Tại sao còn nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; phân bón, thuốc trừ sâu giả; thủ tục hành chính còn chậm... rõ ràng là do cán bộ làm chưa tốt". Ông Hiệp bày tỏ những quyết tâm, cầu thị cá nhân và ý kiến tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; mong muốn sự đồng hành, phát hiện, chia sẻ của báo chí.
Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng nhắn nhủ các nhà báo cần thông tin gì phục vụ công tác báo chí tuyên truyền cứ điện thoại cho ông; đồng thời nhắc nhở lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ thông tin tối đa, kịp thời đến các nhà báo để phục vụ sự phát triển chung của xã hội.
Tại buổi giao ban, nhiều vấn đề khác như: tình trạng các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, khai thác dự án tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, thực trạng khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Lâm Hà, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia... cũng được đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng thông tin tới báo chí.