Đồng chí Mai Chí Thọ - Giám đốc Sở Công an TPHCM những năm đầu đất nước thống nhất

Thứ Hai, 11/07/2022 11:41

|

(CAO) Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò và những cống hiến xuất sắc của lực lượng Công an TPHCM trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - trong đó có những đóng góp quan trọng của đồng chí Mai Chí Thọ trong thời gian làm Giám đốc Sở Công an Thành phố.

Nhân Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Hồ Chí Minh” do Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Công an tổ chức, Chuyên đề Công an TPHCM trân trọng giới thiệu bài viết của Thiếu tướng, TS Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TPHCM về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Mai Chí Thọ.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ, kiên cường của mình, đồng chí Mai Chí Thọ (tức Phan Đình Đống; bí danh khác: Năm Xuân, Tám Cao) có hơn 40 năm gắn bó liên tục với mảnh đất và con người Nam Bộ, trong đó có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân TPHCM (1).

Đại tướng Mai Chí Thọ

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có giai đoạn đồng chí là Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định phụ trách nội chính, nhưng trực tiếp với Công an TP là những năm đầu sau ngày Thành phố giải phóng từ tháng 7-1975 (2) đến tháng 3-1979, khi đồng chí là Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND Thành phố kiêm Giám đốc Sở Công an Thành phố.

Đây là những năm tháng đầy khó khăn, biến động của đất nước nói chung, của TPHCM nói riêng; trong đó với vai trò Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công an Thành phố, đồng chí Mai Chí Thọ đã có những đóng góp quan trọng và để lại nhiều dấu ấn trong mọi mặt hoạt động của lực lượng Công an Thành phố.

Thành phố Sài Gòn trong thời kỳ 1954 - 1975 được Mỹ và chế độ Sài Gòn xây dựng thành thủ đô - trung tâm đầu não của Việt Nam cộng hòa, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đầu mối giao lưu quốc tế...

Đồng chí Mai Chí Thọ - Quyền Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các chiến sĩ Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã tham gia bảo vệ đồng chí từ khi ở căn cứ về lãnh đạo quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Sau ngày 30- 4-1975, Thành phố đối mặt với những khó khăn chồng chất trên tất cả các lĩnh vực. Về chính trị, đó là số ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ cùng các thế lực thù địch trong cũng như ngoài nước vẫn chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng.

Về kinh tế, nền kinh tế miền Nam trước 1975 chủ yếu phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược, cơ cấu kinh tế què quặt, phụ thuộc... Về xã hội, là những tàn dư của chế độ cũ(3). Về tôn giáo và dân tộc, là một số yếu tố tiêu cực do địch xây dựng và phát triển để làm hậu thuẫn cho chúng. Về văn hóa tư tưởng, di sản để lại là nền văn hóa lai căng, tư tưởng hoài nghi và lối sống hưởng thụ...

Tất cả những khó khăn, phức tạp trên đây khiến cho công tác bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở thành phố sau ngày giải phóng trở thành nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp: vừa phải làm công tác tiếp quản, vừa phải bước vào cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt để giải quyết những vấn đề phức tạp do địch để lại; đồng thời phải không ngừng nâng cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chống phá mới của kẻ thù. Đây là một thử thách to lớn đối với chính quyền quân quản và lực lượng An ninh - Nội chính Thành phố sau ngày giải phóng.

Thiếu tướng, TS Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TPHCM. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

Tuy bận rộn với cương vị Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố, nhưng đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Ban An ninh - Nội chính Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng An ninh - Nội chính nhanh chóng triển khai các mặt công tác, phục vụ nhiệm vụ trước mắt của Ủy ban Quân quản Thành phố là tiếp tục truy quét bọn tàn quân ngụy ngoan cố chống cự, trấn áp bọn phản cách mạng ngóc đầu dậy, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp quản và điều hành toàn diện cơ sở kinh tế - xã hội ở Thành phố. Nhờ khí thế cách mạng lên cao của quần chúng, lực lượng An ninh - Nội chính Thành phố đã triển khai thực hiện thắng lợi các công tác lớn như:

Tiếp tục phối hợp truy quét bọn ác ôn ngoan cố, bọn tàn quân rút chạy có vũ trang, ngăn chặn kẻ địch trốn ra nước ngoài; bảo vệ an toàn lễ mít tinh, diễu hành mừng miền Nam giải phóng (15-5-1975); tổ chức đăng ký trình diện và học tập tại chỗ cho nhân viên ngụy quyền, cảnh sát, tình báo, đảng phái, giáo phái phản động ở cơ sở (từ giữa tháng 5 đến tháng 10-1975); mở các chiến dịch truy quét tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội (tháng 9-1975); tiến hành thanh lọc, loại các phần tử cách mạng giả hiệu ra khỏi chính quyền cách mạng ở một số phường, khóm. Ngoài ra, lực lượng An ninh - Nội chính còn tích cực tham gia và bảo vệ thành công hai đợt công tác lớn của Thành phố là tiến hành cải tạo tư sản mại bản và thu đổi tiền (tháng 9-1975).

Song song với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, chiến đấu, đồng chí Mai Chí Thọ cũng hết sức quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển lực lượng An ninh - Nội chính Thành phố.

Đồng chí Mai Chí Thọ đọc diễn văn tại buổi mít tinh đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TP.Hồ Chí Minh ngày 2/7/1976. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Sau ngày giải phóng, tổ chức bộ máy của lực lượng An ninh Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã không còn phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Bên cạnh những đơn vị cũ (an ninh vũ trang đổi thành cảnh sát bảo vệ, bảo vệ chính trị, chấp pháp, văn phòng...), An ninh - Nội chính Thành phố gấp rút lập mới một số đơn vị như Trị an - Hình sự, Cảnh sát giao thông và Cảnh sát cứu hỏa. Ở quận, huyện, lực lượng An ninh cũng hình thành các bộ phận nghiệp vụ như bảo vệ chính trị, hình sự, chấp pháp..., mỗi bộ phận có từ 3 đến 5 cán bộ có trình độ từ cơ sở đến sơ cấp. Riêng mỗi phường có từ 1 đến 2 cán bộ an ninh có trình độ sơ cấp.

Nhờ được Bộ Nội vụ và Ban An ninh Trung ương Cục chi viện, quân đội chuyển sang, an ninh các tỉnh tăng cường, kết hợp với tuyển mới và từ các nguồn dân, chính, đảng của Thành phố; lực lượng An ninh - Nội chính Thành phố nhanh chóng phát triển lớn mạnh, từng bước hình thành bộ máy tổ chức thống nhất theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ Nội vụ (4).

Đặc biệt, trong công tác xây dựng lực lượng, đồng chí Mai Chí Thọ đã kiên trì đề xuất và được Bộ Nội vụ chấp thuận cho lưu dụng một số nhân viên công lộ và cứu hỏa của chế độ cũ, vì đây là những người thông thuộc đường sá Sài Gòn và có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực công tác của mình.

Việc nhanh chóng bổ sung, phát triển lực lượng từ nhiều nguồn tuy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn về đào tạo, chính trị, hậu cần. Đồng chí Mai Chí Thọ đã quán triệt đến cán bộ chỉ huy an ninh các cấp chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ, chăm lo đời sống của cán bộ chiến sĩ từ bếp ăn, giường ngủ, mùng mền đến điều kiện, phương tiện công tác.

Nhờ vậy, tuy trình độ văn hóa, nghiệp vụ không đồng đều và còn nhiều hạn chế, bỡ ngỡ trước tình hình, nhiệm vụ mới nhưng với nhiệt tình cách mạng, tinh thần trách nhiệm và ý chí liên tục tiến công, lực lượng An ninh - Nội chính Thành phố đã đảm đương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trong thời kỳ quân quản.

Ngày 12-1-2007, tại TPHCM, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an cùng Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM tổ chức trọng thể lễ trao tặng Huân chương Sao vàng cho Đại tướng Mai Chí Thọ. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng Đại tướng Mai Chí Thọ tại buổi lễ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Công tác xây dựng Đảng trong lực lượng An ninh - Nội chính Thành phố cũng phát triển lớn mạnh. Đến tháng 10-1976, Đảng bộ Sở Công an Thành phố được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ cơ quan Sở Công an (tách khỏi hệ thống Đảng bộ Dân Chính Đảng Thành phố) và Đảng bộ lực lượng Cảnh sát bảo vệ.

Đồng chí Mai Chí Thọ được Thành ủy chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Sở Công an Thành phố đầu tiên. Sự thành lập Đảng bộ Sở Công an Thành phố đã thống nhất tổ chức Đảng trong lực lượng Công an Thành phố, đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng đối với lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn Thành phố.

Những năm 1976 - 1979, đất nước ta phải đối mặt với những khó khăn, thử thách hiểm nghèo: Thiên tai xảy ra liên tục làm nhân dân đói kém; chiến tranh nổ ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tại thành phố, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công, thương nghiệp gặp nhiều khó khăn, trở ngại; sản xuất đình đốn, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Bọn phản động trong giới ngụy quân, ngụy quyền, tôn giáo, đảng phái lợi dụng ngóc đầu dậy.

Tình hình an ninh chính trị ở địa bàn Thành phố trở nên cực kỳ phức tạp khi bọn phản động nước ngoài phát động chiến dịch “nạn kiều”, kích động lôi kéo người Hoa ồ ạt rời khỏi Việt Nam, kích động biểu tình gây rối (điển hình là cuộc biểu tình ở đường Tân Hàng, phường 9, quận 5 ngày 20-3-1978). Tình hình trật tự an toàn xã hội ở Thành phố thời gian này cũng diễn biến rất phức tạp, nhiều đối tượng tù hình sự Côn Đảo được tha về (5) đã tập hợp thành các băng cướp, gây ra nhiều vụ cướp của, giết người nghiêm trọng; có đối tượng trong một tháng liên tiếp gây ra 30 vụ cướp; có vụ chúng bắn chết cả cảnh sát để chạy trốn.

Đây là giai đoạn thử thách nghiêm trọng của lực lượng Công an Thành phố trong thời kỳ hòa bình. Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và chặt chẽ của Bộ Nội vụ và Thành ủy cũng như sự ủng hộ tích cực của quần chúng cách mạng, đồng chí Mai Chí Thọ cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở đã tập trung chỉ đạo huy động các lực lượng, liên tục tấn công trấn áp, phá rã hàng trăm tổ chức, nhen nhóm phản động, truy bắt nhiều tên phản động đầu sỏ nguy hiểm, phá tan nhiều âm mưu chuẩn bị gây biến động chính trị, hoạt động vũ trang, phá nhiều tổ chức khi chúng mới hình thành. Nổi bật là các nhen nhóm, tổ chức phản động có danh xưng “Phục quốc”, “Hội đồng lãnh đạo quốc gia”, đặc biệt là tổ chức “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam (II)” do linh mục Nguyễn Văn Vàng cầm đầu (tháng 8-1977 đến tháng 02-1978).

Tổ chức này đã phát triển lực lượng ở 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Chúng đã lập cái gọi là “Chính phủ lâm thời quốc gia Việt Nam” do Nguyễn Văn Vàng làm Quốc trưởng, Nguyễn Văn Viên (em ruột Vàng) làm Thủ tướng, với 4 Phó thủ tướng, 17 Bộ trưởng, 18 thứ trưởng. Sau khi nắm được âm mưu và hoạt động của bọn phản động, ta đã “tương kế, tựu kế” điều Nguyễn Văn Vàng từ mật khu Bàu Cá (Đồng Nai) về thành phố và bắt y. Tổng cộng trong vụ án này lực lượng Công an Thành phố và các tỉnh đã bắt 2.131 tên, thu 2.500 súng các loại và nhiều tài liệu phản động.

Ngoài ra, Sở Công an Thành phố đã thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, kịp thời phá tan các âm mưu của bọn phản động nước ngoài và bọn phản động trong giới người Hoa, dần dần ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa bàn Thành phố.

Cảnh trong phim Đại tướng đi làm từ thiện, vẽ lại chân dung của vị Đại tướng mẫu mực, hết lòng với Đảng, với nhân dân

Trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự, lực lượng Công an Thành phố liên tục mở các đợt tấn công, truy quét, bắt hàng chục ngàn tên, triệt phá hàng trăm băng, ổ, nhóm lưu manh chuyên nghiệp, trong đó có nhiều băng cướp, bắt cóc có vũ trang, điển hình là băng cướp giết người đốt xác của Võ Văn Đắc (từ tháng 7-1976 đến tháng 12-1976), băng cướp có vũ trang của Võ Tùng Hội (tháng 6-1977), băng cướp bắt cóc tống tiền do tên Nguyễn Thanh Tân cầm đầu (từ tháng 11-1977 đến tháng 02-1979).

Các mặt công tác khác như công tác bảo vệ nội bộ, công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu, công tác phòng cháy chữa cháy, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng được triển khai và phát triển tốt. Đồng thời lực lượng công an còn tham gia tích cực vào công tác bài trừ tệ nạn xã hội, thu gom các đối tượng nghiện hút ma túy vào các cơ sở cai nghiện, trường phục hồi nhân phẩm để cảm hóa giáo dục họ trở thành người lương thiện.

Bên cạnh những cống hiến, đóng góp vào thành tích chung của lực lượng Công an Thành phố trong giai đoạn này với tư cách là người lãnh đạo đứng đầu, đồng chí Mai Chí Thọ còn để lại những dấu ấn về tư duy, phong cách, tác phong lãnh đạo, giải quyết công việc. Đồng chí là người sâu sát cơ sở, trực tiếp tham gia xử lý, giải quyết các công tác nóng bỏng, phức tạp của Công an Thành phố trong những thời điểm đòi hỏi có những quyết định nhạy bén và chính xác, thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm cá nhân của người thủ trưởng đơn vị.

Như trong vụ tấn công vào hang ổ của số linh mục phản động tại nhà thờ Vinh Sơn (số 425 đường Trần Quốc Toản, nay là đường Ba Tháng Hai, quận 10) đêm 12 rạng ngày 13-02-1976, đồng chí trực tiếp xuống hiện trường, kêu gọi thuyết phục số linh mục cố thủ trong nhà thờ hạ vũ khí đầu hàng nhưng bọn chúng vẫn ngoan cố nổ súng làm một chiến sĩ Công an quận 10 hy sinh. Đồng chí ra lệnh tấn công trấn áp, bắt giữ 5 đối tượng cố thủ trong nhà thờ, thu toàn bộ vũ khí đạn dược, nhiều tài liệu phản động, máy in bạc giả và tiền giả chưa kịp sử dụng.

Đây là vụ án phản động có quy mô lớn; tổng cộng qua các đợt truy quét từ tháng 9-1975 đến tháng 3-1976, lực lượng An ninh - Nội chính Thành phố và các tỉnh ở địa bàn Nam Bộ đã bắt giữ 640 đối tượng thuộc loại cầm đầu, cốt cán của 22 tổ chức và 20 nhóm “phục quốc” lớn nhỏ, trong đó An ninh Thành phố bắt 375 đối tượng. Khám phá và làm tan rã các tổ chức, nhen nhóm “phục quốc”, lực lượng Công an Thành phố đã bước đầu đập tan âm mưu và hoạt động của các phần tử chống phá cách mạng trong tôn giáo liên kết với ngụy quân, ngụy quyền, giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn Thành phố trong thời kỳ chuyển tiếp từ chính quyền quân quản sang chính quyền cách mạng, góp phần bảo vệ thành công cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (khóa VI) (6).

Hay trong vụ án sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga xảy ra ngày 26-11-1978, do tính chất nghiêm trọng của vụ án và bối cảnh chính trị - xã hội phức tạp lúc bấy giờ, đã khiến vụ án trở nên “nóng hổi”, thu hút sự chú ý theo dõi của xã hội và được lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Đồng chí Mai Chí Thọ đã trực tiếp tham gia ban chuyên án, đưa ra những nhận định sâu sắc, hợp lý, khiến quá trình đấu tranh chuyên án diễn ra đúng hướng. Vụ án để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong việc điều tra khám phá vụ án phức tạp về hình sự mà bề ngoài mang màu sắc chính trị.

Đại tướng Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Bá Thành, nguyên Tổng biên tập Báo Công an TPHCM

Đồng chí Mai Chí Thọ là người chỉ huy cao nhất của lực lượng Công an Thành phố trên cương vị là lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố - một người đã trưởng thành từ phong trào đấu tranh chính trị trước Cách mạng Tháng Tám (1945) và được tôi luyện qua chế độ lao tù khắc nghiệt của thực dân Pháp cũng như đã kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ. Đồng chí thấm nhuần quan điểm, đường lối của Đảng về công tác công an và đánh giá cao vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác công an. “Chúng ta cần khẳng định một cách rõ ràng, dứt khoát rằng: Công tác chủ yếu của công an là vận động và tổ chức quần chúng hình thành trận địa an ninh, trật tự ở cơ sở...” (7).

Năm 1977, trước tình hình tội phạm hình sự hoạt động táo tợn, lộng hành, đồng chí đề xuất Thành ủy ra Nghị quyết tăng cường mọi biện pháp nhằm giải quyết nhanh chóng và cơ bản vấn đề trật tự xã hội trong năm 1978. Nghị quyết nhấn mạnh đến việc lực lượng Công an tham mưu, nòng cốt phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp, xây dựng từng ô, khu vực dân phố an toàn, cơ quan, xí nghiệp, trường học an toàn; chủ trì phối hợp quân đội và các ban ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch nắm chắc địa bàn, bố trí các đội dân phòng, đội thanh niên bảo vệ an ninh kết hợp cùng lực lượng bảo vệ tiến hành tuần tra canh gác, tạo thế áp đảo mạnh mẽ tại cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với các biện pháp trấn áp, truy quét của lực lượng chuyên trách nên đến cuối năm 1978, tình hình trật tự xã hội ở địa bàn Thành phố cơ bản được ổn định.

Trong công tác an ninh tôn giáo, đồng chí Mai Chí Thọ cũng quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ. Một mặt phải cương quyết trấn áp số phản động cực đoan, ngoan cố núp bóng tôn giáo chống phá cách mạng, mặt khác đồng chí kêu gọi đoàn kết lương, giáo, đoàn kết dân tộc cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước.

Sau vụ án nhà thờ Vinh Sơn và vụ Fatima Bình Triệu (1976), đồng chí tham mưu Thành ủy, phối hợp Mặt trận Tổ quốc Thành phố tổ chức vận động chính trị trong quần chúng giáo dân, liên tiếp tổ chức các buổi nói chuyện hoặc mở các lớp nghiên cứu về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước giúp tu sĩ, đồng bào có đạo hiểu rõ hơn về chính sách đoàn kết dân tộc của cách mạng, từ đó nâng cao niềm tin của giáo dân đối với chế độ mới.

Nhìn chung trong những năm 1975 - 1979, miền Nam mới giải phóng, đất nước thống nhất chưa được bao lâu lại phải đối mặt với hoàn cảnh “vừa có hòa bình, vừa có thể xảy ra chiến tranh”, tình hình kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, an ninh chính trị và trật tự xã hội diễn biến vô cùng phức tạp.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Bộ Nội vụ, lực lượng Công an TP.Hồ Chí Minh do đồng chí Mai Chí Thọ đứng đầu đã căng sức phấn đấu vừa xây dựng lực lượng, vừa tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần đưa Thành phố vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Trong buổi làm việc với Ban Giám đốc Sở Công an Thành phố vào tháng 11-1979, đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy đánh giá: “Công an là lực lượng mũi nhọn đã cùng với các ngành và nhân dân giữ vững an ninh trật tự, không để xảy ra bạo loạn, đó là thành tích lớn của công an” (8).

Những thành tích, chiến công của lực lượng Công an Thành phố trong những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng - giai đoạn đồng chí Mai Chí Thọ làm Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công an Thành phố - đã kế tục xứng đáng truyền thống hào hùng của lực lượng An ninh Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là cơ sở để Đảng và Nhà nước xét tặng lực lượng Công an TP.Hồ Chí Minh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1981. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao vai trò và những cống hiến xuất sắc của lực lượng Công an TP.Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - trong đó có những đóng góp quan trọng của đồng chí Mai Chí Thọ trong thời gian làm Giám đốc Sở Công an Thành phố.

Thiếu tướng, TS Lê Hồng Nam,
Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy,
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TPHCM

--------------------------------------------------

(1) Sau khi được giải thoát khỏi nhà tù Côn Đảo (9-1945), đồng chí Mai Chí Thọ liên tục hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Năm 1965, đồng chí tham gia Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, rồi từ đó gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố đến năm 1986. Khi nghỉ hưu (1991), đồng chí chọn TP.Hồ Chí Minh làm nơi cư ngụ và tích cực khởi xướng, tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện cho đến lúc qua đời (2007).

(2) Trưởng ban An ninh - Nội chính Sài Gòn - Gia Định đầu tiên sau ngày giải phóng là đồng chí Nguyễn Tài (Tư Trọng) - người được bộ đội ta giải thoát khỏi trại giam số 3 Bạch Đằng (Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy) trưa 30-4-1975. Sau khi tiến hành kiểm điểm theo quy định của Đảng đối với người bị tù, đồng chí Tư Trọng được công nhận đảng tịch liên tục và phục hồi chức vụ cũ thời điểm bị địch bắt (tháng 12-1970) là Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định. Đầu tháng 7-1975, đồng chí đi Đức chữa bệnh, sau đó về công tác tại Bộ Nội vụ.

(3) Thành phố Sài Gòn thời điểm 30-4-1975 có: 30.000 lưu manh côn đồ, 10.000 gái mại dâm, 150.000 người nghiện ma túy, 15.000 trẻ em bụi đời, gần 1 triệu người thất nghiệp...

(4) Từ 745 cán bộ chiến sĩ ở chiến khu về, đến cuối tháng 12-1975, quân số của lực lượng An ninh - Nội chính Thành phố có 18.130 người; đến giữa năm 1976, tổ chức bộ máy của Sở Công an Thành phố có 21 đơn vị phụ trách các lĩnh vực an ninh, cảnh sát, xây dựng lực lượng và hậu cần.

(5) Tính chung từ ngày 02-9-1975 đến ngày 15-9-1978, chính quyền cách mạng đã tha 10 đợt tù hình sự ở Côn Đảo cho về các tỉnh phía Nam, tổng cộng 2.834 tên, trong đó về thành phố 954 tên. Đáng chú ý là toàn bộ hồ sơ của số tù nhân nguy hiểm này gồm tài liệu, ảnh, danh chỉ bản... đều đã bị thiêu hủy trước đó không rõ nguyên nhân, nên công an các địa phương không quản lý được chúng.

(6) Công an TP.Hồ Chí Minh - Biên niên sự kiện lịch sử (1975 - 1985), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2003, tr.38-39.

(7) Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Đại tướng Mai Chí Thọ, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh - 2018, tr.243.

(8) Theo Công an TP.Hồ Chí Minh: Lịch sử Công an TP.Hồ Chí Minh (1975 - 1985), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội * 2006, tr.139.

Bình luận (0)

Lên đầu trang