Chiều 9/7, nhân chuyến công tác dự, chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến kiểm tra việc triển khai dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và việc giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải tại sân bay này.
Trong những năm gần đây, lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất tăng mạnh, gần gấp đôi công suất thiết kế. Mặc dù đã có nhiều giải pháp song tình trạng quá tải, ùn tắc tại sân bay này vẫn thường xuyên xảy ra.
Do đó, năm 2020, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết tình trạng quá tải sân bay này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, khảo sát dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: TTXVN)
Nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ có tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian hoàn thành dự án sau 37 tháng kể từ ngày khởi công.
Đến nay, công tác chuẩn bị và phê duyệt dự án đã hoàn thành với các công đoạn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và tổ chức thực hiện các thủ tục rà phá bom mìn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án như việc bàn giao đất, giải phóng mặt bằng; bổ sung quy hoạch sử dụng đất...
Cùng với đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng hoàn thành hồi tháng Tư nhưng do có 12 ụ bê tông thuộc công trình quốc phòng trong sân bay nên hoạt động khai thác các máy bay cỡ lớn bị ảnh hưởng.
Sau khảo sát thực địa và nghe các bộ, ngành, đơn vị và TPHCM báo cáo tình hình triển khai dự án, các vướng mắc phát sinh và đề xuất các hướng giải quyết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý với việc xây mới Nhà ga T3 và các công trình liên quan trên tinh thần lưỡng dụng.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị và TPHCM phối hợp chặt chẽ, khẩn trương giải quyết các vướng mắc kể trên và những phát sinh nếu có; góp phần giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tránh bức xúc cho nhân dân, nhất là sau đại dịch COVID-19 các hoạt động giao thương sẽ trở lại và tăng lên.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo chung thực hiện dự án; đồng thời giao Bộ Quốc phòng chủ trì, thực hiện các thủ tục giao đất, hoàn thành bàn giao đất trong tháng 7/2022, xử lý 12 ụ bê tông trong khu vực sân bay trong quý 3/2022.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, chỉ đạo triển khai dự án; TPHCM hoàn thiện các quy hoạch, mở rộng kết nối sân bay với bên ngoài; Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn thủ tục và các nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
“Tất cả thủ tục phải được đẩy nhanh, trên tinh thần nhanh nhất, tiết kiệm nhất, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; chống tham nhũng, tiêu cực; không vì thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến phát triển; phấn đầu hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công trình trong quý 3/2022," Thủ tướng nhấn mạnh.
Hơn 2.409 tỷ đồng xây nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không Cát Bi ở Hải Phòng
Ngày 8/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 803/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Theo quyết định chấp thuận, nhà đầu tư dự án là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Mục tiêu của dự án là đáp ứng yêu cầu phát triển của Cảng hàng không trong hiện tại và tương lai, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nâng cao hiệu quả khai thác tại cảng hàng không, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên khu vực, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.
Sau khi được đầu tư xây dựng, nhà ga hành khách T2 sẽ là nhà ga khai thác quốc nội và nhà ga hành khách T1 sẽ đóng vai trò là nhà ga khai thác quốc tế chủ yếu của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Nhà ga hành khách T2 đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ (nhà kỹ thuật M&E; đường tầng; nhà để xe; trạm xử lý nước thải; trạm thu phí; cổng hàng rào; đường giao thông tiếp cận; bãi đỗ xe; cảnh quan; hệ thống điện chiếu sáng trong và ngoài nhà ga; hệ thống cấp thoát nước nhà ga..
Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.405,406 tỷ đồng, bằng nguồn vốn góp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, không sử dụng vốn vay. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm.
Tiến độ thực hiện là 18 tháng kể từ khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, công tác giao đất và bàn giao đầy đủ mặt bằng để thi công.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục dự án, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh việc lãng phí tài nguyên.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan thực hiện bàn giao đất xây dựng dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định pháp luật hiện hành có liên quan theo tiến độ triển khai Dự án.
Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam theo tiến độ thực hiện dự án…