Nhà xuất bản Giáo dục 'lãi kỷ lục': Phụ huynh học sinh càng khổ!

Thứ Sáu, 08/07/2022 12:23

|

(CATP) Năm 2021, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (GDVN) lãi ròng sau thuế tới 287 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch và là mức lãi kỷ lục của đơn vị này.

Nhưng vì sao lãi đậm như vậy mà Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam lại bị lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) kỷ luật? Cơ quan chức năng đang làm rõ việc ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam - có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trong việc mua sắm giấy in sách giáo khoa (SGK) và có thể còn nhiều khâu khác. Điều này khiến người dân không tin SGK tăng gấp 2 - 3 lần là do "khổ to, giấy đẹp"...

Chủ tịch bị kỷ luật?

Nhà xuất bản GDVN hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Do vậy, theo quy định, hàng năm đơn vị này phải công bố tài chính. Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố, năm 2021 NXB này in hơn 164 triệu quyển SGK - vượt 40% so với kế hoạch; tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế 287 tỷ, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách. Đây là mức lãi cao kỷ lục từ trước tới nay của đơn vị này. Được biết những năm trước, lợi nhuận của đơn vị chỉ từ 120 - 150 tỷ đồng.

Lưu ý, trong tổng lợi nhuận kỷ lục này có hơn 97% đến từ việc phát hành sách - một hoạt động kiếm lãi rất cao trong lĩnh vực xuất bản. Ở đây là thế mạnh, không có đơn vị nào địch nổi với NXB GDVN, khi mà đại đa số sách của NXB này đầu ra gần như đảm bảo tuyệt đối. Lãi lớn kỷ lục như vậy nhưng vì sao ông Nguyễn Đức Thái lại bị lãnh đạo Bộ GD-ĐT kỷ luật?

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam. Trong thông báo kỷ luật, Bộ GD-ĐT chỉ nêu chung chung rằng ông Thái bị kỷ luật vì đã vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc chỉ đạo NXB GDVN tổ chức thực hiện SX, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy về kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Loỏng, xã Sùng Phài, TP.Lai Châu trong một tiết học

Đây là kết quả mà thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của NXB GDVN nói chung cũng như quá trình xuất bản SGK nói riêng và có một số vấn đề cần kiểm tra, làm rõ.

Thông tin này lập tức gây chú ý trong dư luận vì thời gian qua, cả người dân lẫn đại biểu Quốc hội (QH) đều băn khoăn, thậm chí nêu ý kiến rất gay gắt, chung quanh vấn đề vì sao SGK tăng cao.

Mặt khác, nếu việc mua sắm giấy in "có vấn đề” thì các khâu khác như in ấn, kê khai, phát hành (như trong thông báo kỷ luật ông Thái của Bộ GD-ĐT) cũng có thể "có vấn đề”, góp phần đẩy SGK lên cao. Đặc biệt cần kiểm tra phần xã hội hóa, liên kết XB - đây là 2 khâu rất dễ xảy ra tiêu cực, càng làm cho giá SGK tăng cao. Trong giới làm sách xã hội hóa (liên kết XB), phần chi phí phát hành rất lớn, có thể từ 50 - 70%, để đưa sách vào hệ thống trường học. Riêng khâu liên kết xuất bản, NXB có tỷ lệ phần trăm trách nhiệm cũng rất cao và nhiều chi phí "lót đường" khác.

Hiện nay công tác thanh kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của NXB GDVN vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành. Dư luận mong muốn cơ quan chức năng phải làm rõ nhiều vấn đề như giá giấy in, công in, tỷ lệ chiết khấu phát hành, khâu tổ chức biên soạn, khâu thẩm định sách, đặc biệt là số lượng in có đúng như NXB công bố không, hay chỉ là những con số "phù phép", với nhiều "bí số"!

Sách giáo khoa tăng giá do "khổ to, giấy đẹp"?

Đến đây thì bạn đọc có thể thấy rằng, giải thích trước QH về việc SGK tăng cao trong kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, do sách mới có "khổ to, giấy đẹp", in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa, lý do này chưa thực sự thuyết phục.

Cứ cho là có thể hiểu và chấp nhận lời giải thích này, nhưng vì sao NXB GDVN vẫn lãi lớn kỷ lục như vậy, lương các vị tổng chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc rất cao, có người hơn 700 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Sách giáo khoa là mặt hàng văn hóa phẩm đặc biệt, nên giá bán cũng đặc biệt và Nhà nước phải kiểm soát giá. Đó là lý do giải thích trước QH về việc SGK tăng cao trong kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng do sách mới có "khổ to, giấy đẹp", in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa hoặc có thể do cấp dưới báo cáo. Có thể hiểu và chấp nhận lời giải thích này, nhưng vì sao NXB GDVN lãi lớn kỷ lục như vậy?

Ai cũng hiểu một khi NXB GDVN lãi kỷ lục như vậy, thì phụ huynh (PH), học sinh (HS) càng khổ khi phải chịu mua SGK giá cao.

Nhiều đại biểu QH đề nghị Nhà nước cần có chính sách định giá, thậm chí trợ giá trong việc in SGK. Đó cũng là lý do nghị quyết được QH thông qua trong kỳ họp ngày 16-6 vừa qua đã yêu cầu đưa SGK bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật giá. Hiện SGK vẫn thuộc danh mục kê khai giá, cho nên quyền quyết định giá là của các nhà SX ra SGK.

Lãi lớn dùng để làm gì?

Nhà xuất bản GDVN hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Vậy lãi khủng của đơn vị này dùng để làm gì? Hiện NXB GDVN chỉ mới in ấn chương trình SGK ở 3 lớp mà đã lãi lớn như vậy, nếu tiếp tục in SGK cho 9 lớp còn lại thì lãi càng khủng. Trong khi đó, thông cáo báo chí ngày 27-4 về giá sách lớp 3, lớp 7, lớp 10, NXB GDVN vẫn khẳng định: "Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, NXB đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa chi phí đầu vào để có giá bán SGK phù hợp với mức chi phí của đại đa số gia đình có con em đi học".

Nhiều PH và giáo viên băn khoăn, vì sao với tuyên bố đó, NXB GDVN không lấy tiền lãi khủng ấy để trợ giá cho SGK? Và liệu giá của SGK mới như hiện nay có đúng giá thành và bản chất, hay còn bị cắt xén, "phù phép" ở nhiều khâu khác, khiến giá càng tăng cao?

Những câu trả lời vẫn còn ở phía trước!

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD-ĐT đang tích cực tổ chức biên soạn thông tư mới về vấn đề quy cách, quy chuẩn của SGK cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, để quản lý giá sách và bộ "sẽ cố gắng làm thật nhanh". Ngoài ra, bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, giảm các khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và thực hiện sự cạnh tranh lành mạnh.

Bộ GD-ĐT kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình QH quyết định. Khi đó, Nhà nước quy định mức trần giá SGK trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí tiêu chuẩn bộ sách và đơn giá hiện hành để đảm bảo các NXB vẫn bù đắp được chi phí, có lợi nhuận hợp lý, trong khi giá sách phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Tất cả là vấn đề tương lai, trong khi đó SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của HS; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn. Vậy trước mắt có thể lấy tiền lãi của NXB GDVN để trợ giá cho chính SGK; nếu không thể thực hiện được cũng cần có những chương trình khác, như xây dựng tủ sách dùng chung cho các trường gặp khó khăn hay tặng SGK cho HS nghèo... Đó là mong muốn của các bậc PH trong tình hình người dân sau đại dịch Covid-19 còn không ít khó khăn.

"Mọi học sinh phải được tiếp cận SGK với giá hợp lý”

Ngày 4-7, trong kết luận hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề về giáo dục. Thủ tướng yêu cầu, về vấn đề học phí và giá SGK, tinh thần chung là giảm chi phí, không gây khó khăn hơn cho HS và PH.

Chiều 13-6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá - đã chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có SGK. Đối với việc tăng học phí và SGK, Phó thủ tướng đề nghị phải tính toán thận trọng lộ trình tăng học phí, nhất là đối với những cơ sở giáo dục công lập; nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá SGK phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo tất cả HS đều được tiếp cận SGK với giá hợp lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang