TPHCM: Thực hiện thủ tục hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm của 2 DN

Thứ Năm, 07/07/2022 20:03

|

(CAO) Ngày 6/7 là hạn cuối của 180 ngay mà 2 DN phải nộp đủ số tiền lần lượt là 3.820 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. Theo quy định thì 2 doanh nghiệp này đã vi phạm hợp đồng bán đấu giá. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan trình UBND TPHCN để ra quyết định hủy kết quả đấu giá.

Chiều 7/7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tại buổi họp báo, bà Võ Thanh Thủy, Trưởng phòng quản lý đất, Cục Thuế TPHCM thông tin, tính đến hôm nay, 2 doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ như trong hợp đồng bán đấu giá vào cuối năm 2021.

Ngày 6/7 là hạn cuối của 180 mà 2 DN nêu trên phải nộp đủ số tiền lần lượt là 3.820 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. Như vậy, theo quy định thì 2 doanh nghiệp này đã vi phạm hợp đồng bán đấu giá. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan trình UBND TP để ra quyết định hủy quyết định đấu giá thành công.

 Bà Võ Thanh Thủy thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Thiện Hợp

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý 2 DN, bà Thủy cho biết, ngoài việc mất tiền cọc, hiện vẫn chưa có quy định để có thêm hình thức xử phạt nào khác.

Nói thêm về vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, lãnh đạo UBND TP rất lưu ý và quan tâm, chỉ đạo Sở chủ trì phối hợp với các đơn vị sát sao trong việc thực hiện hợp đồng. Trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên, đến nay, các DN không thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng, nên các cơ quan chức năng đã bắt đầu thực hiện các bước trình UBND TP hủy kết quả đấu giá.

Tính đến hôm nay 7/7, Cục thuế TP đã thu được 20% tiền đặt cọc và cưỡng chế trích từ tài khoản ngân hàng của 2 DN nêu trên.

Cụ thể, Công ty cổ phần Sheen Mega đã nộp tiền đặt cọc (tương ứng với 20% mức giá khởi điểm) là gần 204 tỷ đồng và 40,5 triệu đồng thu từ việc cưỡng chế trích từ tài khoản. Số tiền sử dụng đất còn nợ tính đến ngày 6/7 của Sheen Mega là 3.892 tỷ đồng, gồm cả hơn 96 tỷ đồng tiền chậm nộp.

Công ty cổ phần Dream Republic đã nộp vào ngân sách 115,6 tỷ đồng tiền đặt cọc. Đáng lưu ý, số tiền mà ngành thuế TP thu được từ việc cưỡng chế trích tài khoản của công ty này chỉ có... 820.916 đồng. Số tiền sử dụng đất Dream Republic còn nợ là hơn 3.704 tỷ đồng, cộng thêm khoản lệ phí trước bạ 500 triệu đồng và chậm nộp hơn 94,5 tỷ đồng.

"Cò" hộ chiếu là lừa gạt, không thể can thiệp, tác động vào quy trình cấp hộ chiếu

Trước tình trạng người dân chen chúc làm hộ chiếu mẫu mới, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, từ ngày 1/7 đến nay, lượng người dân đến đơn vị làm hộ chiếu mẫu mới tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08) tăng cao, số lượng tăng gấp đôi ngày thường.

Đại diện Công an TP lý giải, việc cấp hộ chiếu mẫu mới thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, do được thiết kế công phu, mỗi trang là hình ảnh phong cảnh, hình tượng tiêu biểu về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu bảo an, chống làm giả, đạt tiêu chuẩn cao.

Ngoài ra, có nhiều người dân nhầm tưởng hộ chiếu mẫu mới là hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử. “Đây là hộ chiếu theo mẫu mới, không phải hộ chiếu có gắn chip điện tử”, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết.

 Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo

Đặc biệt, khoảng thời gian này là cao điểm mùa du lịch, các nước trên thế giới và khu vực đang từng bước phục hồi kinh tế và mở cửa du lịch, giao thương khi dịch bệnh đang dần kiểm soát. Ghi nhận của Công an TP, ngày đầu tiên tháng 07, Phòng PA08 đã tiếp nhận hơn 1.800 hồ sơ, các ngày sau trung bình hơn 1.500 hồ sơ.

Trước tình hình đó, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an TPHCM đã huy động toàn bộ nhân lực để tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu từ 7h00 đến 18h00 với số lượng bàn tiếp nhận hồ sơ lên hơn gấp đôi cùng nhiều giải pháp khác.

Về phản ánh có tình trạng “cò" dịch vụ làm hộ chiếu, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho hay, các đối tượng này chỉ hoạt động bên ngoài. Chiêu trò của các đối tượng này là lợi dụng tâm lý người dân đến làm hộ chiếu đông, lừa gạt người dân là có thể làm giúp nhanh để lấy tiền. “Tuy nhiên đối tượng này không thể can thiệp, tác động vào quy trình cấp hộ chiếu”, Thượng tá Hà khẳng định.

Đại diện Công an TP cũng thông tin, Phòng QLXNC đã trao đổi Công an Quận 3 xử lý các đối tượng “cò” dịch vụ làm hộ chiếu hoạt động ngoài trụ sở đơn vị. Thực hiện đối chiếu số CCCD để cấp số thứ tự, ngăn ngừa tình trạng “cò” xếp hàng lấy số thứ tự, sau đó bán lại số.

Trước việc người dân đổ xô đi làm hộ chiếu theo mẫu mới, Cục QLXNC – Bộ Công an đưa ra khuyến cáo:

(1) Trường hợp công dân đã được cấp hộ chiếu mẫu cũ trước ngày 01/07/2022 sẽ tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu, không cần phải đổi hộ chiếu theo mẫu mới Hộ chiếu mẫu mới cấp phát từ ngày 01/07 là hộ chiếu không gắn chip điện tử;

(2) Công dân không bắt buộc phải đổi hộ chiếu khi thay đổi CCCD (trừ trường hợp Đại sứ quán nước ngoài yêu cầu khi xin visa);

(3) Công dân có CCCD gắn chip điện tử nên nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an htps://dichvucong bocongan.gov.vn , không cần đến nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Hơn 23.000 ca sốt xuất huyết, trong đó 11 trường hợp tử vong

Thông tin tại buổi họp báo, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, vào ngày 4/7 vừa qua, Viện Pasteur TPHCM đã công bố phát hiện 2 mẫu dương với biến thể phụ BA.4, tất cả các mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát định kỳ liện tục của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Đồng thời Hệ thống giám sát dịch của ngành Y tế TP cũng cho thấy, số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới, mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.

Ngành y tế TP đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Tiếp tục tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.

Về việc kích hoạt lại hệ thống điều trị khi dịch có nguy cơ bùng phát trở lại, bà Như cho biết, tất cả các BV trên địa bàn TP hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc COVID-19 có các bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa/đơn vị điều trị COVID-19.

BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 và BV Nhi đồng TP cùng với các BV trung ương trên địa bàn TPHCM như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175 là các BV tuyến cuối về điều trị COVID-19.

BV dã chiến 3 tầng số 13 với 1000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, phân công cho BV Bệnh nhiệt đới phụ trách, sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết. Ngoài ra, các quận, huyện trện địa bàn TP cũng có kế hoạch sẵn sàng mở lại BV dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.

“Quan trọng hơn hết là các biện pháp dự phòng. Cần tuân thủ vấn đề mang khẩu trang và khử khuẩn khi đến nơi công cộng, đồng thời với tăng cường tiêm vắc xin. Ngành y tế TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động”, bà Như nhấn mạnh.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, theo bà Như, tính hết ngày 5/7, tổng số ca mắc ở TP đã trên 23.000 ca, trong đó đã có 11 trường hợp tử vong (có trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn), tăng 9 trường hợp so với trung bình 5 năm vừa rồi. Dự báo những tháng còn lại của năm 2022, những tháng cao điểm của mùa mưa, thì số ca mắc sẽ tăng, số ca nặng, tử vong cũng tăng nếu không quyết liệt hơn nữa trong việc phòng bệnh ngay từ bây giờ.

Để ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, trước hết ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực với các tình huống diễn biến xấu của dịch COVID-19 và sốt xuất huyết để kích hoạt hệ thống thu dung, điều trị. Nhưng quan trọng hơn hết là công tác phòng dịch và sốt xuất huyết cần được triển khai một cách quyết liệt, bền bỉ và đồng bộ hơn.

Về việc cung ứng thuốc chống sốc sốt xuất huyết, hiện tại Dextran 40 và HES 200.000 vẫn chưa có nguồn cung ứng, Sở Y tế đã báo cáo Bộ Y tế để hỗ trợ tìm nguồn cung ứng từ các nhà sản xuất nước ngoài. Tuy nhiên các bệnh viện của TP đã thực hiện phác đồ sử dụng HES 130.000 và các dung dịch Albumin để thay thế trong điều trị. Nguồn cung dung dịch HES 130.000 hiện dồi dào. Về Dopamin, TP đã có 8.000 ống; các bệnh viện đang sử dụng bình thường.

Liên quan đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay, tại TPHCM, năm 2021 đã có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc; con số này 6 tháng đầu năm nay là 874. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1001 điều dưỡng.

Để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Sở Y tế đã đề xuất các giải pháp như: vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01 của HĐND về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đến năm 2025; nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng; kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định 60 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập.

Bình luận (0)

Lên đầu trang