(CAO) Đại biểu HĐND TPHCM đề nghị đề nghị TP chỉ đạo rà soát lại các dự án, quy hoạch, đền bù giải tỏa, đơn giá bồi thường, bố trí nền tái định cư, tiến độ thực hiện các công trình, dự án, tính khả thi của các quy hoạch trong thực tiễn, nếu dự án “treo” không thực hiện thì đề nghị xóa quy hoạch, thu hồi và hủy bỏ các dự án.
Tiếp tục chương kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 6/7, HĐND TPHCM tổ chức phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2022; các tờ trình tại kỳ họp và những vấn đề khác đại biểu quan tâm.
Có tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang cho cỏ mọc, người dân không đụng vào được
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Diệu (Củ Chi) cho rằng, hiện nay trên địa bàn huyện Củ Chi có nhiều dự án “treo” từ 13 năm đến hơn 20 năm.
Cụ thể như: dự án Khu Công nghiệp Đông Nam xã Hòa Phú, xã Bình Mỹ; quy hoạch Trung tâm thương mại; vòng xoay Quốc lộ 22 - Nguyễn Thị Rành; Mở rộng khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2; quy hoạch Thảo cầm viên Sài Gòn và Công trình đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bà Bếp đến Vàm Láng The, xã Phú Hòa.
Do đó, đề nghị TP chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp UBND huyện Củ Chi rà soát lại các dự án, quy hoạch, đền bù giải tỏa, đơn giá bồi thường, bố trí nền tái định cư, tiến độ thực hiện các công trình, dự án, tính khả thi của các quy hoạch trong thực tiễn, nếu dự án “treo” không thực hiện đề nghị xóa quy hoạch, thậm chí thu hồi và hủy bỏ các dự án này.
Đại biểu Trần Văn Khuyên (Hóc Môn) cho rằng, hiện có tình trạng đất nông nghiệp thà bỏ hoang hóa cho cỏ mọc nhưng người dân đụng vào không được. Do đó, đại biểu đề xuất cần phải giám sát sâu về công tác quản lý quy hoạch; giám sát giải ngân đầu tư công cũng như giám sát các dự án tồn đọng kéo dài để tìm nguyên nhân và tránh lãng phí từ dự án tồn đọng gấp nhiều lần tham nhũng.
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp
Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (Cần Giờ) cho rằng, việc liên doanh, liên kết, cho thuê công sản để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập còn vướng mắc. Hiện nay, các địa phương không có thẩm quyền ký liên doanh, liên kết, cho thuê công sản.
Do đó, đại biểu đề nghị TP nghiên cứu phân cấp ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện để thẩm định đề án liên doanh, liên kết hoặc đề án cho thuê để các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa phương chủ động việc này.
Đối với những vấn đề liên quan việc liên doanh, liên kết, cho thuê công sản ở các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, TPHCM cũng có kiến nghị lên Trung ương và đề xuất cho TP một số cơ chế phân cấp, ủy quyền để triển khai thực hiện.
Theo bà Phan Thị Thắng, hiện nay có khoảng 1.800 đơn vị sự nghiệp công lập. Một đề án liên doanh, liên kết mở căn tin, bãi giữ xe cũng phải trình lên UBND TP rồi trình HĐND TPHCM.
“Nếu như có đến 1.800 đơn vị sự nghiệp cùng trình lên thì không biết khi nào mới xử lý xong. Điều này đòi hỏi phải tháo gỡ khó khăn cũng như có sự phân cấp, ủy quyền cụ thể", bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh, và cho biết TP đang đề xuất giao lại những việc này cho các đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, hiện nay TP vẫn chưa nhận được phản hồi từ Trung ương để triển khai.
Tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết thủ đoạn, cảnh giác tội phạm lừa đảo qua mạng
Trao đổi ý kiến của đại biểu về việc lừa đảo qua mạng gây bức xúc và thiệt hại cho người dân, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo qua mạng diễn biến tương đối phức tạp, trong đó có việc giả danh cơ quan tố tụng, giả danh các cơ quan chức năng với các hành vi lừa đảo, như gửi quà biếu và yêu cầu chuyển tiền; lừa đảo qua hoạt động kinh doanh tiền ảo, sau đó tự đánh sập sàn để chiếm đoạt tài sản.
Đối với các hoạt động đầu tư tiền ảo, có rất nhiều đối tượng là người nước ngoài, tạo nên các sàn ảo, để người dân đầu tư. Khi người dân đầu tư vào với số tiền ban đầu thì tài khoản tăng lên, có lời… nhưng các giai đoạn đầu tư sau đó thì đối tượng đánh sập sàn ảo để chiếm đoạn tiền.
Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn phát biểu tại phiên thảo luận.
"Còn có nhiều đối tượng điện thoại tới người dân để nói gửi những món quà rất lớn, đánh vào lòng tham của từng người. Nhiều người vẫn lầm tưởng có thể sẽ nhận được quà, đối tượng sẽ yêu cầu gửi tiền để đóng thuế hải quan và khi đóng tiền vào là bị mất…” - Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn nhấn mạnh. Đồng chí khẳng định cơ quan tiến hành tố tụng không mời người dân bằng điện thoại, không yêu cầu người dân chuyển tiền qua các tài khoản bằng điện thoại, không yêu cầu người dân phải cung cấp số tài khoản của mình bằng điện thoại…
Do vậy, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền cho người dân biết để phòng ngừa, không bị lừa mất tài sản.
Đồng thời, người dân khi có những cuộc điện thoại gọi đến, nói rằng cơ quan công an mời làm việc, yêu cầu chuyển tiền, cung cấp số tài khoản… thì người dân nên tắt điện thoại và báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc qua đường dây nóng của các cơ quan chức năng.