Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005, Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, diễn ra sáng 9/7 tại TPHCM và kết nối với điểm cầu của Văn phòng Chính phủ, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: “Kết quả thực hiện Nghị quyết 53 đã giúp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ.
Hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp, cản trở sự phát triển vùng Đông Nam Bộ
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ đang gặp nhiều thách thức; nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế-xã hội của cả nước.
Cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của các nước; vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm; hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước; kinh tế của vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước. Riêng TPHCM đóng góp đến trên 50% vào tăng trưởng của vùng và trong những năm gần đây, việc TPHCM tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của vùng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị
Phân tích về nguyên nhân của những thách thức này, đồng chí Phan Văn Mãi cho đây là do thể chế hiện hành chưa đủ khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng, trong khi đó vai trò của Ban Chỉ đạo và Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức.
Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên “lực kéo”, thay vì “lực đẩy” cho phát triển của vùng. Quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau, thiếu liên kết, thiếu phát huy những thế mạnh, nỗ lực phát triển. Hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng. Định hướng chiến lược thì tham vọng, nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế và chưa có cơ chế hiệu quả thu hút nguồn lực từ xã hội.
“Chính sự phát triển chậm lại của TPHCM trong nhiều lĩnh vực và các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển tác động đến vùng nên khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Các thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế, sự không bền vững về lao động và dân số ngày càng gia tăng.” - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề xuất các định hướng chính cho nghị quyết mới về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ. Đó là cần nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc, có ban chỉ đạo, hội đồng vùng, có tổ giúp việc và kể cả tổ tư vấn; liên kết phát triển giao thông vùng, gồm: Đường bộ (vành đai, quốc lộ, cao tốc kết nối); đường thuỷ (hệ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ; kết nối giữa vùng Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long và kể cả Campuchia); đầu tư phát triển đường sắt (theo quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường sắt, đề xuất triển khai mạng lưới đường sắt kết nối vùng theo mô hình TOD (TOD là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.).
Đồng thời, cần tăng cường liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sông; xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt; thích ứng với biến đổi khí hậu. Liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng, gồm: Trung tâm đại học - đào tạo nghề; trung tâm công nghiệp - dịch vụ nền tảng của thị trường lao động. Bên cạnh đó, liên kết phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về kinh tế-xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng.
“Cần hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TPHCM và đầu tư phát triển TPHCM để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước, trọng tâm là tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, ban hành nghị quyết thay Nghị quyết 54 với những cơ chế đặc thù, vượt trội; đồng thời tập trung đầu tư để TPHCM là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm logistics; trung tâm khoa học và đổi mới sáng tạo; là trung tâm chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế; và triển khai Chương trình chuyển đổi số TPHCM.” - đồng chí Phan Văn Mãi cho hay.
Tất cả các cửa ngõ ra vào TPHCM hiện đều đang ách tắc
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, TPHCM là một đô thị lớn nhất cả nước nhưng tất cả các cửa ngõ của thành phố hiện nay đang ách tắc. Nếu tình hình này không giải quyết được thì chắc chắn TPHCM trở thành một đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, có thể cả trong khu vực Đông Nam Á.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển theo. Vùng Đông Nam bộ là vùng tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước chính là nhờ hệ thống giao thông ở khu vực này tương đối tốt so với khu vực khác.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (bìa trái) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể bên lề hội nghị
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, trong khoảng 20 năm qua, tốc độ phát triển giao thông ở vùng này rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Do đó, trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở vùng Đông Nam bộ ngày càng chậm lại. “Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống giao thông hiện nay rất quá tải”, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, TPHCM là một đô thị lớn nhất cả nước nhưng tất cả các cửa ngõ của thành phố hiện nay đang ách tắc. Điều này cho thấy TPHCM đang thiếu những tuyến đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố và kết nối với các tỉnh thành trong khu vực. Trung tâm TPHCM cũng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đồng thời cũng thiếu những tuyến đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất đường chính để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
“Nếu tình hình này không giải quyết được thì chắc chắn TPHCM trở thành một đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, có thể trong khu vực Đông Nam Á”, Bộ trưởng Bộ GTVT khuyến cáo. Do đó đòi hỏi cấp thiết nhất hiện nay đó là TPHCM phải quan tâm đặc biệt đến hệ thống giao thông trục chính, giao thông vành đai để tháo gỡ những khó khăn.
Đối với giao thông liên vùng, Bộ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận hiện nay rất bất cập. Đường Vành đai 2 rất quan trọng đối với TPHCM nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được khép kín. Đường Vành đai 3 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương triển khai; đường Vành đai 4 rất quan trọng với TPHCM nhưng cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Các tuyến đường cao tốc liên vùng, kết nối TPHCM với các tỉnh thành như cao tốc TPHCM - Cần Thơ, hiện nay đang ùn tắc và sắp tới cần phải mở rộng. Cao tốc TPHCM – Long Thành - Dầu Giây cũng đang quá tải. Cao tốc TPHCM – Mộc Bài, Cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành,… cũng mới có kế hoạch, chưa triển khai.
TPHCM có hệ thống cảng biển lớn nhưng đường kết nối xuống các cảng biển không đáp ứng, đảm bảo. Dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ ra, cảng Cát Lái là cảng lớn nhất trong khu vực Đông Nam bộ nhưng các con đường vào cảng luôn tắc nghẽn, nhất là vào giờ cao điểm. TPHCM cũng có cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong những cảng tốt nhất ở Việt Nam và khu vực nhưng đường vào cảng, nhất là đường kết nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chưa triển khai. “Tiềm năng rất lớn nhưng khai thác cảng rất hạn chế”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ ra về đường hàng không, hiện nay quá tải liên tục đối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. “Rõ ràng thực trạng giao thông vùng Đông Nam bộ, TPHCM hiện nay là vấn đề rất cấp bách. Do đó một trong những giải pháp quan trọng cho vùng này là tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Nếu chúng ta không làm điều này, đầu tàu kinh tế sẽ chạy chậm dần và có thể trở thành gánh nặng khi các khu vực khác phát triển hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khuyến cáo.
Đồng thời, Bộ trưởng GTVT đề nghị TPHCM phối hợp với Bộ Quốc phòng nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải. “Hiện nay các đường băng trong sân bay đã đảm bảo nhưng các tuyến đường xung quanh vào sân bay, nhà ga vẫn chưa được thông suốt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng GTVT đề nghị TPHCM nhanh chóng khép kín tuyến đường Vành đai 2; riêng đường Vành đai 3 quyết liệt phối hợp với các cơ quan để đến năm 2025-2026 hoàn thành để kết nối với các tỉnh trong vùng. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin sẽ triển khai cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (khoảng 20.000 tỷ đồng) hoàn thành vào năm 2025.
Đối với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, trong 1-2 năm tới sẽ hoàn thành. Ngoài ra, TPHCM và Tây Ninh cũng cần ưu tiên sớm triển khai tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài… Đối với tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành - Dầu Giây sẽ tiếp tục mở rộng để đảm bảo giao thông; cùng với đó nâng cấp cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị
Về vấn đề phát triển đô thị trong vùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tỷ lệ đô thị hóa trong vùng tăng cao, đạt trên 67% vào năm 2020. Trong đó, TPHCM và tỉnh Bình Dương có tỷ lệ đô thị hóa trên 80%, cao gấp đôi trung bình so với cả nước.
Diện mạo đô thị trong vùng thay đổi theo hướng tích cực, ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều công trình lớn có điểm nhấn về kiến trúc. Các đô thị trong vùng đã và đang phát huy vai trò hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh thành và trên toàn vùng.
Ngoài những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra những tồn tại hạn chế của các đô thị trong vùng. Trong đó, sức ép tăng dân số cơ học lớn do tập trung phát triển công nghiệp trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp ngày càng tăng; xử lý chất thải rắn đang là vấn đề nóng của vùng. Cùng với đó là tình trạng tắc nghẽn giao thông, hạ tầng thoát nước hạn chế dẫn đến ngập úng trong đô thị vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt là ở TPHCM.
Để giải quyết vấn đề ngập úng tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị, TPHCM và các bộ ngành cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch hạ tầng đô thị đã được phê duyệt; ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị cũng như có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, xã hội hóa…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra các nguyên nhân gây ngập úng ở TPHCM, đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong điều kiện cơ sở hạ tầng của thành phố chưa được đầu tư phát triển đáp ứng tình hình biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh, nhu cầu xây dựng tăng cao; một số hồ ao, kênh rạch của TPHCM bị san lấp, lấn chiếm dẫn đến diện tích bề mặt bê tông hóa ngày càng tăng, làm khả năng thoát nước tự nhiên giảm; hệ thống thoát nước chưa đồng bộ…
Cùng với đó là công tác quy hoạch chưa tính đến tác động, biến đổi khí hậu, triều cường dẫn đến mất cân bằng, khó kiểm soát; tình trạng xả rác… gây cản trở dòng chảy.