Chống tội phạm ở “đô thị vàng” Lao Bảo

Kỳ 1: Đô thị phồn hoa nơi biên giới

Thứ Hai, 08/06/2015 09:22  | Hoàng Quân

|

(CATP) Dự cảm “một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo” (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) của nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha 46 năm trước về vùng đất này, đã thành hiện thực. “Vùng đất chết” ngày nào giờ đã trở thành đô thị sầm uất ở Quảng Trị, được nhiều người quan tâm.

Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là nơi các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại hoành hành. Dù lực lượng chức năng ngày đêm tăng cường phòng chống, nhưng Nhà nước vẫn thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.

Vì sao Lao Bảo phát triển mạnh?

Khu kinh tế thương mại (KTTM) đặc biệt Lao Bảo giờ đã trở thành đô thị sầm uất. Nhiều đại gia, thiếu gia đi ôtô đắt tiền dạo quanh phố ăn sáng, uống cà phê, xem đất đai... Lái chiếc ôtô xịn chở chúng tôi tham quan những trung tâm thương mại, biệt thự, khách sạn, nhà hàng... sang trọng ở đây, đại gia Q.A giới thiệu: bây giờ ở Lao Bảo chẳng thiếu thứ gì, dân chơi đủ kiểu, đại gia, tỷ phú thì kể không hết. Đất mặt tiền mỗi mét ngang hàng trăm triệu đồng...

Lao Bảo đang trở thành đô thị sầm uất ở vùng biên giới - Ảnh: Hoàng Quân

Lao Bảo vốn là Dinh Ai Lao do nhà Trần lập ra từ thế kỷ 14. Năm 1833, vua Minh Mạng cho đắp đồn Ai Lao, vừa để bảo vệ biên cương vừa làm nơi lưu đày tội nhân. Thời chống Mỹ, Lao Bảo được xem là căn cứ địa cách mạng của quân dân Việt - Lào. Giai đoạn 1969 - 1971, đây là vùng chiến sự ác liệt.

Sau ngày giải phóng, tháng 9-1975 Tỉnh ủy Quảng Trị có chủ trương cho di dân lên Lao Bảo. Năm 1989, Thủ tướng ban hành quy chế khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo. Năm 1998, Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo được thành lập trên diện tích gần 16.000ha, là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu được xây dựng đồng bộ, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt.

Nằm trên Quốc lộ (QL) 9, Lao Bảo là cửa ngõ chiến lược trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nên thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Hiệu quả kinh tế ngày càng khẳng định.

Từ khi mới thành lập chỉ có 12 doanh nghiệp (DN) đăng ký thì nay Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo thu hút hơn 400 công ty, DN với hơn 60 dự án (DA), số vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, nhiều DA có 100% vốn nước ngoài; hơn 3.000 hộ kinh doanh. Các ngành thương mại, dịch vụ chiếm gần 65%. Gần 3.500 lao động địa phương có việc làm...

Theo lộ trình quy hoạch, đến năm 2020 khu vực này sẽ trở thành đô thị loại III. Về mặt xã hội, Lao Bảo có những thay đổi rõ rệt: đô thị phát triển, cơ sở giáo dục, y tế được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Con em đồng bào các dân tộc ở địa phương có việc làm, an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Hai kho hàng “nóng” ở huyện Cam Lộ vừa bị Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện - Ảnh: Hoàng Quân

Để có một khu KTTM sầm uất là do có sự hội ngộ của nhiều yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là sự quan tâm và các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho Lao Bảo; tỉnh đón đầu cơ hội và dành nhiều ưu đãi cho DN; chính sách phát triển kinh tế thực tế, đi sâu vào cuộc sống, sự tham gia nhiệt tình của nhiều DN trong, ngoài nước; mối quan hệ về KTTM và tình hữu nghị giữa Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar ngày càng bền chặt, trong khi cơ sở vật chất hạ tầng ở Lao Bảo tương đối tốt.

"Túi" chứa hàng lậu

Trở thành đô thị sầm uất nhưng Lao Bảo cũng đồng thời là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng buôn lậu, phạm pháp hoạt động. Một cán bộ Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Cửa khẩu quốc tế nào mà chẳng có buôn lậu. Đặc biệt Lao Bảo càng phức tạp hơn”.

Trước kia, Lao Bảo là vùng rừng núi hoang vu, có nhiều thú dữ. Sau năm 1975, người miền xuôi di cư lên vùng biên giới Lao Bảo rất nhiều. Từ khi Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo mở ra, nơi này bắt đầu phát triển, được ví như “Đà Lạt của miền Trung”.

Hàng hóa trong phạm vi khu KTTM này và trên tuyến biên giới Việt - Lào rất nhiều, giá cả chênh lệch so với nội địa tương đối lớn. Và để tránh thuế, các đầu nậu tìm mọi cách để tuồn về xuôi bằng cách thuê người vận chuyển. Tại các điểm bỏ hàng dọc QL9, hai bên nhà dân, các “rô-bốt”, “cua rạm” (người mang, vác, kẹp hàng) đi theo các đường tiểu ngạch để qua mặt cơ quan chức năng. Sông Sê Pôn ở biên giới Việt - Lào và QL9 trở thành “cung đường” buôn lậu, hàng hóa xuôi thuyền về Việt Nam rồi từ đây vận chuyển về xuôi.

Mỗi ngày, có hàng trăm lượt xe đến Lao Bảo đánh hàng, dán ký hiệu đen bên ngoài, thiết kế các ngăn chứa bên trong để qua mặt cơ quan chức năng. Theo quy định, mỗi người qua cửa khẩu chỉ được mang số hàng hóa trị giá không quá 500.000 đồng. Nhưng chủ hàng lách luật bằng cách khi đến trạm kiểm soát thì vác hàng nhảy xuống, lủi qua.

Việc vận chuyển trái phép hàng hóa tại tuyến biên giới diễn ra thường xuyên. Từ năm 2001 đến nay, lực lượng chống buôn lậu (hải quan, công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, kiểm lâm) đã xử lý hàng chục ngàn vụ với tổng trị giá hàng hóa vi phạm và xử phạt hành chính gần 500 tỷ đồng, chủ yếu là thuốc lá, bia, đường, nước tăng lực, sữa tươi...

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết, do có quá nhiều đường tiểu ngạch quanh cổng B, nên đơn vị không thể kiểm tra hết được. Mỗi ngày có khoảng 300 xe qua lại, đành “quản lý rủi ro”, nghĩa là phân luồng xe, miễn kiểm tra đối với những chiếc xác suất chở hàng lậu ít hoặc xe công vụ.

Lợi dụng việc này, mỗi năm các DN đã “né” hàng chục tỷ đồng tiền thuế và Nhà nước phải hoàn VAT lại hơn 10 tỷ đồng. Ông Trần Xuân Thành - Trưởng phòng phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm thuộc Cục Hải quan Quảng Trị cho biết: “Lợi dụng quy định về kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất và kinh doanh hàng hóa chuyển cửa khẩu, các DN đưa hàng có nguồn gốc nhập khẩu từ Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo vào Việt Nam tiêu thụ trái phép. Một số mặt hàng như sữa, dầu ăn, thuốc lá... do Việt Nam sản xuất lên đến Lao Bảo rồi quay vòng về nội địa. Nhiều người làm giả gạo miền Nam được đánh bóng thành gạo Thái Lan, thuốc lá mang nhãn mác nước ngoài nhưng sản xuất ở TP.Đông Hà và Lào, rượu Mỹ thực chất là rượu sản xuất trong nước pha cồn... để thu lời bất chính”.

Vận chuyển hàng lậu trên sông Sê Pôn - Ảnh: Hoàng Quân

Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo giống “túi” chứa hàng lậu khổng lồ, hàng hóa chủ yếu được xuất đi các thị trường khác (khoảng 70%) và 30% thẩm lậu vào nội địa. Việc thẩm lậu không chỉ làm thất thu nguồn thuế, mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sản xuất trong nước.

Ngoài ra, khu KTTM đặc biệt Lao Bảo còn nóng việc buôn gỗ lậu. Gần đây, thị trường này đang đứng nên tình trạng gỗ lậu đã giảm.

Mua hàng "nóng" ở vùng biên

Ở khu vực biên giới tràn lan các loại hàng “nóng”: súng điện, roi điện, dao kiếm, mã tấu, đồ chơi bạo lực... có nguồn gốc từ Lào về. Chúng tôi đã sang chợ Ka Rôn (huyện Sê Pôn, tỉnh Savẳnnakhẹt, Lào, giáp với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo), được chủ cửa hàng người Trung Quốc tiếp thị: “Hàng đẹp, chém sắt như chém chuối. Mỗi hung khí từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng. Cần mua bao nhiêu cũng đáp ứng được và nếu có yêu cầu, đưa thêm phí sẽ được vận chuyển qua các trạm kiểm soát rồi giao tận nơi”.

Hỏi thêm các tiểu thương, chúng tôi có được số điện thoại của người đàn ông Lào tên Khăm Nọi, buôn bán súng, roi điện, thường đóng đô gần Bến xe Ka Rôn. Theo anh này, mỗi loại súng giá 1 triệu kíp Lào (hơn 2 triệu VNĐ) nhưng phải đặt trước 5 ngày.

Lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường kiểm soát, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ hàng “nóng”. Tuy nhiên lượng lớn súng hơi cay, đạn cao su, roi điện, dao, kiếm, mã tấu... vẫn được tuồn về nội địa.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang