Một dự án của Công ty Hoa Sen: Rất cần chính quyền chung tay giải quyết

Thứ Năm, 04/06/2015 14:10  | Ngọc Hà

|

(CATP) Tại thôn 2, xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2011 Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen tiến hành thực hiện dự án “Trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh B’Nom Lumu - Hoa Sen” theo giấy phép đầu tư do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp. Dự án này đang vấp phải một số vấn đề với người dân địa phương cần sớm được chính quyền chung tay giải quyết.

 

Dự án lớn vấp chuyện... không nhỏ

Dự án trên do Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (gọi tắt là Công ty Hoa Sen), trụ sở chính tại thôn 2, xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai - Lâm Đồng đầu tư có tổng vốn đầu tư 589,395 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích quy mô gần 600 ha (trong đó phần lớn là đất có rừng, phần còn lại là đất nông nghiệp.

Sự xuất hiện của dự án này đã khiến vùng đất nơi đây có nhiều thay đổi. Nhiều hộ gia đình nhờ bán được đất rẫy, vườn ở xa cho công ty, có tiền, họ làm thêm việc khác hoặc chuyển về tập trung lo vườn cây trái quanh nhà, đời sống an nhàn hơn, như hộ anh Truyền (trú tại TP.Đà Lạt), vợ chồng anh Phạm Văn Hợp, chị Trần Thị Oanh, Đỗ Thị Thúy, Ngô Tam (đều ở thôn 2, xã Đạ M’ri)...

Đường vào dự án - Ảnh: Ngọc Hà

Hàng chục gia đình tại địa phương có con em được doanh nghiệp nhận vào làm lao động phổ thông. Trò chuyện với chúng tôi, các công nhân cho biết, mong muốn được làm việc ở đây lâu dài, để được gần nhà, có nguồn thu nhập ổn định. Thêm những con đường trải nhựa khang trang, thông thoáng, hứa hẹn sự chuyển mình ở một vùng quê.

“Nhiều năm trước, việc mua bán đất tại đây rất hãn hữu bởi ít người có nhu cầu. Dự án của Công ty Hoa Sen xuất hiện, phát sinh giao dịch bất động sản. Doanh nghiệp ban đầu mua đất của người dân theo giá thỏa thuận, từ 61,5 triệu đến trên 300 triệu/ha, một số hộ sau đó bỗng tăng giá bất thường, lên 400 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha. Thỏa thuận không thành, chúng tôi dừng việc mua bán.

Trong thời gian triển khai dự án, một số ít người dân có thái độ gây khó dễ với doanh nghiệp chúng tôi; một số người vào rừng chặt cây mum, đốt tổ ong phá rừng, khi bị bảo vệ rừng của chúng tôi nhắc nhở, thì bị họ đe dọa. Những việc này chúng tôi đã báo với các cơ quan chức năng địa phương xử lý” - đại diện phía Công ty Hoa Sen cho biết.

Ông Phạm Tấn Lực - Trưởng Công an xã Đạ M’ri xác nhận, lực lượng công an xã cùng kiểm lâm đã răn đe, ngăn chặn những việc làm sai trái trên. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân cho rằng, nguyên nhân gây căng thẳng bắt nguồn từ việc họ có đất canh tác nằm gần dự án, liên quan đến nguồn nước và đường đi chung, hiện bị phụ thuộc và cản trở từ phía Công ty Hoa Sen. Chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Công ty Hoa Sen và lãnh đạo chính quyền địa phương về vấn đề này.

Người trong cuộc nói gì?

- PV: Thưa ông, vì sao Công ty Hoa Sen rào lại con đường cũ, buộc họ đi chung con đường mới thuộc dự án?

+ Ông Trần Huy Tâm (PGĐ dự án của Công ty Hoa Sen): Con đường đất lâu nay các hộ dân vẫn dùng để đi lại vào phần đất rẫy canh tác hiện nằm trong khu vực quy hoạch của dự án. Với trách nhiệm là đơn vị được giao quản lý rừng, chúng tôi phải kiểm soát người ra vào nhằm hạn chế các đối tượng xấu vào đốt phá rừng, đồng thời đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của người dân có đất nằm trong dự án.

Ngoài ra, hiện tại chúng tôi đã triển khai một số hạng mục quan trọng của dự án, nhiều tài sản, nguyên vật liệu được vận chuyển và tập kết trên phạm vi rộng của dự án, trong khi đó con đường hiện hữu đang nằm ngay khu vực đang thi công nên phải tổ chức bảo vệ, kiểm soát.

Vì vậy, việc Công ty xây dựng con đường khang trang phục vụ người dân cũng như phục vụ dự án và lập chốt bảo vệ rừng là nhu cầu cần thiết. Việc này Cty đều được sự cho phép của chính quyền địa phương.

- Có hay không việc Cty cho rào barie gây cản trở người dân đi lại vào đất rẫy của họ, và khi đi qua cổng bảo vệ này bị chặn lại, yêu cầu xuống xe máy, dắt gây khó dễ với người dân?

+ Ông Trương Quang Thái - người trực tiếp quản lý dự án: Thông tin đó chưa chính xác. Chuyện đó xảy ra ngày 19-5-2015, một số người dân chạy xe máy vào rẫy, bảo vệ trực không biết, nên chưa nâng barie cho họ đi mà hỏi họ vào đây làm gì, khi biết là người dân vào rẫy của họ thì để họ đi, không có chuyện ngăn cản. Ban lãnh đạo công ty đã chỉ đạo chúng tôi phải tạo điều kiện tối đa cho người dân đi lại nên chúng tôi đã bố trí anh em trực 24/24 giờ để thực hiện.

- Ông có thể nói rõ hơn về con suối nhỏ trong khu vực dự án?

+ Ông Trần Huy Tâm: Tại dự án này có một con suối nhỏ, quang cảnh khá đẹp chảy từ đỉnh núi B’Nom Lumu, hiện phía nhà đầu tư muốn trực tiếp quản lý để phục vụ dự án không bị tác động khác, vì đây là điểm nhấn cùng với đỉnh B’Nom Lumu có giá trị thiên nhiên cao của vùng này, trong khi trước đó đây là một trong những nguồn nước mà các hộ dân nơi đây có thể dùng để tưới cây trồng. Điều này khiến các hộ dân chưa đồng thuận.

Tại hai văn bản do lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và Phó chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai ký, đều khẳng định: “Do tính chất đặc thù của dự án, nguồn nước này là cốt lõi của dự án, do vậy, nguồn nước này sẽ được sử dụng phục vụ cho nhu cầu của dự án.

UBND huyện chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát nguồn nước khác phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng (không chỉ riêng cho các hộ liên quan đến dự án), lập hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt trong năm 2015”.

Như vậy, cùng lúc giao nguồn nước từ con suối cho doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm tìm được nguồn nước mới cho người dân. Khi trình xin thực hiện dự án, doanh nghiệp đã nhấn mạnh điều này: nguồn nước từ con suối là một trong hai điểm nhấn quan trọng (cùng với thế núi) để có thể xây dựng khu du lịch sinh thái - văn hóa tâm linh kết hợp quản lý, bảo vệ rừng nên cần được giao nguồn nước “sạch” để phục vụ dự án.

Được sự chấp thuận, chúng tôi mới tiến hành đầu tư. Kể từ năm 2011 đến nay, chúng tôi chú tâm chăm sóc, tạo cảnh quan bằng cách rải đá sạch, trồng nhiều cây xanh mang ý nghĩa tâm linh, thanh tịnh quanh dòng suối và đất trống để nâng giá trị điểm nhấn.

Tôi cũng muốn nói thêm là doanh nghiệp chúng tôi luôn chủ trương hài hòa lợi ích các bên, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Hiện tại, khu vực dự án có lực lượng lao động là người dân địa phương thường xuyên từ 50-70 người, trong đó có 12 công nhân làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, không để xảy ra tình trạng rừng bị xâm hại trái phép.

Năm 2014, Công ty đã nộp ngân sách huyện Đạ Huoai 4,9 tỉ đồng; quý 1-2015 là hơn 6,5 tỉ đồng, dự kiến năm 2015 là 17,5 tỷ đồng. Ngoài ra trong thời gian qua, chúng tôi đã chi gần 5 tỷ đồng cho nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Chúng tôi mong muốn không vì một vài thông tin sai lệch hay thành kiến, mà làm ảnh hưởng đến dự án đầu tư lâu dài và bền vững nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương nói riêng, và tỉnh Lâm Đồng nói chung...

- Về phía xã, đề nghị ông cho biết việc triển khai nguồn nước khác phục vụ bà con thôn 2 đến đâu rồi, thưa ông?

+ Ông Vũ Hồng Doanh - Chủ tịch UBND xã Đạ M’ri: Việc này lãnh đạo các cơ quan chuyên môn hai cấp tỉnh, huyện chủ trì, đang khẩn trương tiến hành khảo sát theo hai hướng: xây đập thủy lợi dẫn nước từ thôn 1 hoặc tìm nguồn suối quanh khu vực dân sinh dẫn nước về nhằm phục vụ bà con toàn vùng về lâu dài, theo kế hoạch ngày 15-6-2015 sẽ báo cáo kết quả khảo sát.

Trước đó, khi có quyết định giao nguồn nước cho Công ty Hoa Sen, UBND huyện đã đưa về xã 7 máy bơm nước cùng đường ống, trị giá gần 300 triệu đồng phục vụ bà con lấy nước tưới. Hiện đã bắt đầu vào mùa mưa nên việc cần nguồn nước tưới của bà con đã không còn quá căng thẳng.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: “Khi phê duyệt dự án của nhà đầu tư, tỉnh đã phải cân nhắc rất kỹ. Vùng đất Đạ Huoai vốn “nổi tiếng” khô cằn sỏi đá, cây công nghiệp chủ lực là điều và một số loại cây ăn trái. Đất xấu, nên thu nhập của người dân không cao, đời sống bà con khó khăn; là một trong các huyện nghèo của địa phương, ngân sách thu được hàng năm đạt 54-55 tỷ đồng, trong khi tổng chi ngân sách luôn ở mức gần 300 tỷ đồng/năm.

Xác định Công ty Hoa Sen là nhà đầu tư có năng lực, nghiêm túc, tỉnh Lâm Đồng quyết định tạo điều kiện để dự án được khả thi, nhằm thay đổi diện mạo một vùng đất, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Việc thay thế nguồn nước tưới phục vụ bà con, tỉnh đang đôn đốc chỉ đạo thực hiện”.

Mong rằng chính quyền tỉnh Lâm Đồng sớm có những động thái tích cực, làm tốt vai trò của mình, cùng người dân và doanh nghiệp hóa giải những vấn đề nảy sinh góp phần hiện thực hóa phương châm “nhà đầu tư hài lòng, người dân vui vẻ” của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 1-6, ông Vũ Hồng Doanh - Chủ tịch xã Đạ M’ri, Đạ Huoai, Lâm Đồng đã viết thư gửi lãnh đạo một cơ quan báo chí đề nghị đính chính ý kiến của ông trả lời câu hỏi phóng viên tờ báo này vào ngày 26-5 rằng “nhà đầu tư có ép dân bán đất cho mình hay không?”.

Ý kiến của ông là “Địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Cty như tổ chức cho Cty gặp gỡ và trao đổi với bà con tại trụ sở UBND xã, ngoài ra còn cử cán bộ dẫn người của Cty đến từng hộ để trao đổi, thỏa thuận. Tôi khẳng định đây là việc thỏa thuận giữa công ty và người dân chứ không phải như nội dung mà báo đã đăng”

Bình luận (0)

Lên đầu trang