(CATP) Nhiều người bức xúc vì lý do Liên bộ Công thương - Tài chính đưa ra để lý giải cho việc tăng giá xăng dầu chưa thuyết phục.
Giá xăng RON 92 và xăng sinh học E5 vừa tăng 1.200 đồng/lít; dầu mazút và diesel tăng 500 đồng/lít. Như vậy sau khi tăng giá, xăng RON 92 ở mức 20.436 đồng/lít; dầu diesel 16.383 đồng/lít; dầu mazút 13.153 đồng/lít; dầu hỏa 15.751 đồng/kg.
Người dân bức xúc
Việc bức xúc của người dân cũng là điều dễ hiểu, bởi trong hai lần tăng giá xăng trong vòng nửa tháng được cộng dồn đạt mức 3.150 đồng/lít. Anh Nguyễn Trọng Hoàng, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, than thở: “Chúng tôi từ các vùng quê lên thành phố để làm việc với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng. Vậy mà giá xăng dầu, điện, nước và cả tiền thuê nhà tăng chóng hết cả mặt. Trước kia tôi còn dành dụm được chút tiền gửi về quê trợ giúp gia đình, bây giờ giá xăng dầu tăng, giá cả mọi thứ đều tăng theo, với mức lương ấy chỉ đủ chật vật bám trụ ở Sài Gòn.
Người dân đổ xô đi đổ xăng khi nghe xăng tăng giá (ảnh chụp lúc 20 giờ ngày 20-5) - Ảnh: Báo CATP
Không chỉ công nhân méo mặt vì xăng tăng giá, nhiều nhân viên văn phòng cũng bị “tăng xông” bởi đợt tăng giá xăng lần này.
Anh Nguyễn Lâm Hùng, nhân viên maketting ở một doanh nghiệp kinh doanh thép trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 cho rằng, lần tăng giá xăng dầu lần này vô tình đẩy người dân vào cảnh khốn khó. Theo anh, lương bao giờ cũng tăng chậm hơn giá. Khi lương tăng được thì giá cũng tăng gấp mấy lần rồi. Vào ngày 5-5, xăng mới tăng 1.950 đồng/lít khiến người dân khốn đốn thì nay lại tăng thêm 1.200 đồng/lít, khiến chúng tôi thật khó xoay sở với gánh nặng này.
Doanh nghiệp méo mặt
Khi nghe tin xăng tăng giá, anh Nguyễn Tuấn Thành, Giám đốc một doanh nghiệp có hơn 200 xe tải chạy đường dài, ngao ngán cho biết, cứ mỗi lần xăng tăng giá là doanh nghiệp phải đương đầu với chuyện lỗ tiền tỷ. Anh Thành cho rằng, nói đúng ra xăng tăng giá, doanh nghiệp vận tải chúng tôi cũng có quyền tăng giá. Tuy nhiên, hàng hóa đã được ký hợp đồng nên việc điều chỉnh giá cũng rất khó khăn. Lần trước, xăng tăng 1.950 đồng/lít mà doanh nghiệp đã rơi vào cảnh khốn đốn, huống chi nay lại phải gánh thêm 1.200 đồng/lít xăng.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tại Bến xe Miền Đông cũng cho rằng, với quyết định tăng giá nhiên liệu mới đây khiến doanh nghiệp chưa kịp trở tay, thì nay lại tăng giá tiếp thì làm sao doanh nghiệp gánh nổi. Giá cước vận tải không thể tăng ngay cùng lúc với giá xăng bởi lẽ doanh nghiệp phải đăng ký giá cước với ban quản lý bến, với Sở Tài chính.
Tương tự, hãng xe Quang Hạnh tính toán cho biết, mỗi ngày hãng có 30 chuyến xe chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang. Một chuyến xe chạy tốn khoảng 500 lít dầu, thì mỗi ngày doanh nghiệp phải gánh thêm hơn 20 triệu đồng tiền phát sinh do giá nhiên liệu tăng. Doanh nghiệp chỉ có thể bù lỗ trong một thời gian ngắn, sau đó buộc phải tăng giá vé để bù vào chi phí phát sinh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các hãng kinh doanh vận tải đang rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi trong 5 - 7 ngày nữa, sau đó sẽ điều chỉnh tăng giá vé lên hơn 10% để tương ứng với giá nhiên liệu tăng trong hai lần vừa qua lên 3.150 đồng/lít xăng.
Theo lãnh đạo Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, việc tăng giá xăng dầu lần này là bất khả kháng. Xăng dầu tăng giá theo cơ chế thị trường cũng là hợp lý. Tuy nhiên theo chúng tôi, việc tăng cao, tăng trong thời gian ngắn khiến người dân “sốc” là điều khó tránh khỏi. Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần có biện pháp điều chỉnh sao cho hợp lý để hàng hóa không có cơ hội “tát nước theo mưa”, tăng giá hàng loạt.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh):
Nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng
Giá xăng dầu thế giới hiện nay biến động rất khó lường. Ngay trong ngày hôm qua và hôm nay giá thế giới giảm, thì ta lại điều chỉnh tăng. Lý do là vì việc điều chỉnh của ta dựa vào chu kỳ rất dài, có một thời gian chứ không phải căn cứ vào biến động giá từng ngày. Cách đây khoảng một tuần thì giá thế giới có tăng nên ta cũng tăng. Tuy nhiên, do thời điểm công bố không phù hợp với giá xăng dầu thế giới khiến người tiêu dùng băn khoăn.
Tôi nghĩ rằng, Quốc hội nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu bởi đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hàng ngày và được nhân dân rất quan tâm.
Hiện nay, việc điều chỉnh giá xăng phải có thời gian và theo tôi nắm được thời gian đó trong vòng 15 ngày. Trong khi giá xăng dầu các nước được điều chỉnh từng ngày thì ở ta là tới 15 ngày. Theo tôi, nên rút ngắn thời gian điều chỉnh, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng. Chỉ có như thế mới không tạo ra những cú sốc về giá. Vấn đề là làm sao giám sát được hiệu ứng domino từ giá xăng dầu đến giá cả khác.
Kim Ngân (ghi)
|