(CATP) Ngày 17-5-2015, ông Lư Thành Đồng - Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ - cho biết, sở đã điều động ông D. về, không còn giữ nhiệm vụ kiểm tra nữa.
Liên quan đến vụ ông Nguyễn Phúc Đoàn, chủ Cây xăng Vạn Xuân (TP.Sóc Trăng) câu kết với một số cán bộ thi hành công vụ trên tuyến Quốc lộ 1A (đoạn từ Cà Mau - TPHCM) bắt chẹt doanh nghiệp (DN) vận tải. Ngày 17-5-2015, ông Lư Thành Đồng - Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ - cho biết, sở đã điều động ông D. về, không còn giữ nhiệm vụ kiểm tra nữa.
Chủ xe tiếp tục lên tiếng
Trao đổi với PV, một số lãnh đạo công an các tỉnh cho biết sẽ xem xét trách nhiệm lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phụ trách công tác tuần tra. Khi Báo CATP phản ánh, nhiều chủ xe không giấu được vui mừng sau thời gian dài sống trong cảnh lo âu.
Ông T., chủ DN vận tải tuyến Cà Mau - TPHCM xúc động: “Cảm ơn Báo CATP đã thay chúng tôi nói hộ những bức xúc tồn tại thời gian dài. Theo nghề này mà bị làm khó là coi như phá sản”.
Ông T. cho biết: “Để có một chiếc xe, tôi phải góp cho ngân hàng vốn và lãi 80 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn chi phí nhân viên, tài xế”. Có lần “cò” Đoàn bảo ông đổ nhiên liệu tại Cây xăng Vạn Xuân, ông thú thật bản thân đang nợ chủ cây xăng tại Cà Mau gần 300 triệu đồng nên cũng hứa đổ nhưng không hết đoàn. Thế là mấy đợt xe bị kiểm tra, ông nhờ giải cứu nhưng không được.
Xe khách các tỉnh miền Tây đến TPHCM - Ảnh: Báo CATP
“Mười ngày trước chỉ vì phụ xế bị bệnh, người thay không có thẻ nhân viên nên bị giữ phù hiệu 30 ngày, phạt 5 triệu đồng. Hổm rày khách đặt vé không có xe, tôi phải năn nỉ họ...”, ông T. ứa nước mắt.
Điều bất bình thường, một số chủ xe trên địa bàn TP.Sóc Trăng lợi dụng mối quan hệ với “cò” Đoàn ngã giá. “Sau này, Đoàn hoạt động kín hơn. Mọi quan hệ, chúng tôi ít khi liên lạc trực tiếp với Đoàn mà điện cho chủ xe M., tiền trao tay đều phải trả song phẳng. Mỗi lần gặp chủ xe M. giải quyết giấy tờ để được lấy sớm hơn quy định phải chi 20 triệu đồng trở lên khi tiền phạt chỉ 5 triệu đồng” - một chủ xe tại TP.Bạc Liêu nhớ lại.
Ông H., chủ nhà xe tại TP.Sóc Trăng bỏ xứ đến Vĩnh Long sinh sống ngậm ngùi: “Tôi từng được xem là chủ xe thành đạt tại Sóc Trăng. Mười năm trước cũng có đoàn xe tải vận chuyển hàng hóa, nhưng không trụ nổi do bị kiểm tra thường xuyên. Bức xúc, tôi phải bán cả đoàn tìm nơi khác lập nghiệp”.
Thanh tra giao thông có lộng quyền?
Thông tư 08 ngày 19-3-2010 của Bộ GTVT quy định, đường bộ chỉ có quyền dừng phương tiện đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết, để kịp ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ như: có dấu hiệu vượt quá tải trọng, quá khổ cho phép của cầu, đường bộ...
Mặt khác, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại điều 47 đã quy định rõ, TTGT được giao thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng, đỗ xe trên đường bộ... Vì vậy việc TTGT kiểm tra vô tội vạ có dấu hiệu của sự lạm quyền.
“Luật đã quy định rõ, nhưng chúng tôi như cá nằm trên thớt sao dám cãi. Mỗi lần gặp TTGT, chúng tôi phải xuống nước nhưng không được chấp nhận”, ông T. tâm sự.
Luật sư Nguyễn Hoàng Kiếm, Đoàn luật sư TPHCM, cho rằng: “Việc TTGT kiểm tra không đúng thẩm quyền, chủ phương tiện có thể khởi kiện quyết định xử phạt. Thế nhưng, không chủ xe nào dám làm việc này bởi họ ngại va chạm. Đối với lãnh đạo sở không khó phát hiện cán bộ tiêu cực, bởi chỉ cần xem quyết định xử phạt, tạm giữ giấy tờ xe sẽ biết rõ việc vi phạm của cấp dưới. Điều quan trọng là lãnh đạo sở có kiên quyết xử lý hay không”.