(CATP) Ngày 14-5, UBND TPHCM tổ chức hội thảo “Giải pháp xử lý rác thải đô thị - Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi”, nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất những giải pháp, công nghệ tận dụng nguồn năng lượng to lớn từ rác thành điện năng, cũng như làm sạch môi trường.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TPHCM cùng các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xử lý rác tham dự hội nghị.
Tại TPHCM hiện có hơn 9 triệu dân, mỗi ngày thải ra môi trường ước tính 7.500 - 8.000 tấn rác. Hầu hết khối lượng chất thải này được xử lý bằng cách chôn lấp và đang gây ra ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí cũng như gây hiệu ứng nhà kính. Để giải quyết vấn đề này, những năm gần đây TPHCM đã đầu tư nhiều giải pháp để xử lý.
Ông Lê Mạnh Hà phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Báo CATP
Ông Claudio Arijalainen, Công ty Finnsea Phần Lan tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần thay thế Robot thay cho sức lao động của con người, theo đó công nghệ xử lý rác sẽ được tự động hóa để thay thế cho người công nhân. Mặt khác khi đầu tư tự động hóa, năng suất lao động cũng được nâng lên.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp xử lý rác tại Việt Nam đều sử dụng con người và máy móc thô sơ để đi thu gom rác.
Đồng tình với quan điểm này, ông Yoshiharu Suzuki, Công ty Hitachi Zosen Nhật Bản tại Việt Nam cho biết thêm, công ty này đang phối hợp với TPHCM thực hiện hai dự án xử lý rác thải bằng phương pháp lên men, tạo khí biogas tạo thành nguồn điện.
Ngoài ra, công ty cũng dùng cách “đốt” 600 tấn rác/ngày tạo cho Turbin phát điện cho ra 9MW điện/giờ. Rác tại Công ty Hitachi Zosen được đốt trong lò với sức nóng 900 độ, tạo ra khí để chạy Turbin và phát điện. Ngoài ra, khí thải còn được lọc trước khi thải ra môi trường.
Nhằm tăng sức thuyết phục với lãnh đạo UBND thành phố, đại diện Công ty Halla - Hàn Quốc cũng cho rằng, TPHCM đang có khoảng 65 - 85% nguồn rác hữu cơ, 18 - 35% nguồn rác vô cơ, nhựa - giấy chiếm 12,4%. Đây là nguồn rác rất dồi dào để các doanh nghiệp sử dụng công nghệ phát triển nguồn điện.
Theo Công ty Halla, nguồn rác của thành phố sẽ là chìa khóa trao tay để thành phố có thêm nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời bảo vệ môi trường cho thành phố.
Không dừng lại đó, việc chôn rác như hiện nay doanh nghiệp chỉ thu được 20 USD/tấn rác thải. Trong đó, nếu đốt rác thành điện sẽ thu về cho doanh nghiệp thêm 20 USD từ nguồn bán điện.
Theo các chuyên gia, nếu đầu tư một nhà máy đốt rác, thời gian hoàn vốn chỉ mất 10 năm. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan muốn đầu tư nhà máy vào địa bàn thành phố.
Kết luận tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, việc doanh nghiệp đốt rác thành điện vẫn là phương án hữu hiệu nhất, để tạo ra nguồn điện phục vụ con người. Hiện thành phố đang có 70% rác được xử lý bằng cách chôn lấp. Theo đó, đốt rác tạo ra nguồn điện là công nghệ khá mới tại Việt Nam, trở thành nguồn tài nguyên quý để chế thành điện.
Trong thời gian sắp tới, thành phố phải phân bổ lại nguồn rác để tạo ra nguồn điện, đem lại môi trường trong sạch. Theo ông Hà, sắp tới thành phố sẽ làm quyết liệt để vấn đề rác thải không còn là nỗi lo của mỗi người dân. Dịp này, ông cũng kêu gọi doanh nghiệp trong nước tham gia xử lý rác bằng phương pháp “đốt” sản xuất điện năng.