Khi cục trưởng "giúp đỡ”!
Kết luận điều tra đã làm rõ bị can Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil) được sự "giúp đỡ” của Cục trưởng Cục Thuế TPHCM nên 5 lần đưa hối lộ nhiều tỷ đồng. Theo điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Bộ Công an, từ ngày 21/01/2020 đến ngày 11/11/2022, Lê Duy Minh có quyền hạn phụ trách chung, chịu trách nhiệm toàn diện về các mặt công tác của Cục Thuế TPHCM và trực tiếp phụ trách một số phòng nghiệp vụ, trong đó có Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; xem xét, ký ban hành văn bản, quyết định xử lý nợ tiền thuế, chậm nộp thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền nợ thuế.
Từ tháng 01/2020, Công ty Xuyên Việt Oil chuyển khai báo, nộp thuế từ Chi cục Thuế Q3 đến Cục Thuế TPHCM do Lê Duy Minh làm Cục trưởng. Với mục đích chậm nộp thuế để có nguồn tiền trong kinh doanh, Mai Thị Hồng Hạnh đã liên hệ Lê Duy Minh nhờ "giúp đỡ”, tạo điều kiện để chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế đối với Công ty Xuyên Việt Oil, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lê Duy Minh đã 5 lần nhận tiền hối lộ của Hạnh tại phòng làm việc của Minh ở Cục Thuế TPHCM, với tổng số tiền là 190.000 USD (trương đương hơn 4,3 tỷ đồng) và 500 triệu đồng. Cụ thể, ngày 04/3/2020, Minh nhận 10.000 USD; ngày 29/4/2020 nhận 30.000 USD; ngày 27/01/2021 nhận 100.000 USD; ngày 13/10/2021 nhận 500 triệu đồng; ngày 24/12/2021 nhận 50.000 USD.
Hai bị can Lê Duy Minh và Lê Đức Thọ
Gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
Vào năm 2018, Lê Đức Thọ giữ chức vụ Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng. Cuối năm 2021, Lê Đức Thọ giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Giai đoạn 2019 - 2021, bị can này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhận hối lộ và gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Trong việc giúp Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 01/2020, Lê Đức Thọ đã 2 lần nhận tiền hối lộ tổng cộng là 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỷ đồng) của Mai Thị Hồng Hạnh tại phòng làm việc của Thọ ở Hà Nội. Cụ thể, đầu năm 2019, Thọ nhận 100.000 USD, đến ngày 09/01/2020 nhận tiếp 500.000 USD (trong lần Hạnh đưa hối lộ này cho Thọ có sự tham gia giúp sức của bị can Vũ Trung Thành, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng).
Bị can Lê Đức Thọ còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, tỉ lệ tín chấp khoản vay là 40%. Thọ đã nhiều lần nhận tiền, tài sản có giá trị lớn từ Mai Thị Hồng Hạnh, gồm: 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng) vào ngày 28/3/2022, 1 bộ golf (trị giá 1,1 tỷ đồng), 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe (trị giá 421.000 USD, tương đương hơn 9,8 tỷ đồng), 1 ôtô Mercedes Benz S450 Luxury (trị giá hơn 6,6 tỷ đồng). Quá trình điều tra vụ án, bị can Lê Đức Thọ đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra, làm rõ tội phạm; đã tự nguyện nộp số tiền 2,2 tỷ đồng và xin được sử dụng số tiền đang bị tạm giữ để khắc phục hậu quả.
Cùng bị đề nghị truy tố trong vụ án này còn có bị can Vũ Trung Thành. Năm 2020, Thành là Giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở TPHCM, quen biết với Mai Thị Hồng Hạnh do Công ty Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với chi nhánh này. Ngày 09/01/2020, Hạnh đề nghị Thành về việc đổi ngoại tệ (USD) nhằm đưa hối lộ cho Lê Đức Thọ để nhờ giúp đỡ Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng. Thành đã giúp sức cho Hạnh thực hiện việc đổi ngoại tệ (USD), tư vấn, đặt lịch hẹn và đi cùng Hạnh đến gặp Thọ để Hạnh đưa hối lộ.
Trong hành vi giúp sức cho Hạnh đưa hối lộ 500.000 USD vào ngày 09/01/2020 tại phòng làm việc của Lê Đức Thọ, Vũ Trung Thành tư vấn cho Hạnh về số tiền cần đưa hối lộ là 300.000 USD. Do đó, Thành phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ cho Lê Đức Thọ với số tiền 300.000 USD (tương đương gần 7 tỷ đồng). Quá trình điều tra vụ án, Thành đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra, làm rõ tội phạm và tự nguyện nộp số tiền 300 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Kiến nghị một số vấn đề để phòng ngừa tội phạm
Cơ quan ANĐT - Bộ Công an trong kết luận điều tra vụ án đã kiến nghị một số vấn đề. Theo đó, đối với công tác kiểm tra, giám sát Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trước mắt cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trích lập, sử dụng quỹ của các cơ quan giám sát quỹ và tài liệu, chứng từ theo định kỳ để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch. Cần sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước và cần thiết giao một cơ quan duy nhất có quyền hạn, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát quỹ hoặc chuyển quỹ về cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp. Trường hợp phát hiện có vi phạm thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, xử lý hình sự.
Mai Thị Hồng Hạnh còn nợ các khoản vay rất lớn
Đối với công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần quy định thời gian cụ thể mà doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách nhà nước; trách nhiệm hình sự của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện việc chuyển nộp số tiền đã thu hộ này vào ngân sách nhà nước trong thời gian quy định. Cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền chấn chỉnh về quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, kịp thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý. Trường hợp để xảy ra sai phạm về thời gian chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước thì người đứng đầu cơ quan thuế và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Liên quan đến việc cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, pháp luật cần quy định trách nhiệm, chế tài nghiêm khắc đối với đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép sau khi cấp phép. Trường hợp doanh nghiệp không duy trì điều kiện cấp phép thì phải kiến nghị thu hồi giấy phép và có hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc đối với doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Về các vấn đề, lĩnh vực khác có liên quan trong vụ án, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an cho rằng các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về lĩnh vực, ngành chuyên môn phụ trách và biện pháp chế tài xử lý nghiêm khắc đủ sức răn đe, giáo dục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi sai phạm, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Quá trình điều tra của Cơ quan ANĐT - Bộ Công an, bị can Mai Thị Hồng Hạnh khai có một số cá nhân còn nợ tiền vay với Hạnh và Hạnh còn nợ tiền mua bán hàng hóa, dịch vụ với một số cá nhân, tổ chức khác. Cơ quan ANĐT - Bộ Công an cho rằng đây là giao dịch dân sự nên không xem xét, giải quyết trong vụ án hình sự này và đề nghị các đương sự có liên quan khởi kiện ra tòa án dân sự để được xem xét, giải quyết theo pháp luật.
Đối với các dấu hiệu sai phạm liên quan đến khoản vay của Công ty Xuyên Việt Oil tại một chi nhánh ngân hàng ở Bến Tre và dấu hiệu sai phạm liên quan đến các khoản vay của Công ty Xuyên Việt Oil tại một số ngân hàng khác, đến nay các cơ quan chuyên môn chưa có kết luận giám định và định giá tài sản liên quan. Do đó, để bảo đảm việc điều tra, xử lý tổng thể và đúng pháp luật, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an tách hành vi, tài liệu về vấn đề này để điều tra, xử lý sau.
(CATP) Liên quan đến vụ án gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ sở hữu Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil - gọi tắt là Công ty Xuyên Việt Oil) không những vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tiền thuế bảo vệ môi trường mà còn bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ cho 8 bị can (nguyên là cán bộ cấp Trung ương đến địa phương) tổng cộng hàng chục tỷ đồng.