Bất ngờ ở khu vực mỏ cát có giá trúng thầu gần 3.000 tỷ đồng

Thứ Ba, 13/04/2021 11:08  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Mỏ cát ở sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang) vừa được Giám đốc Sở TN&MT An Giang ký thông báo trúng đấu giá quyền khai thác với số tiền hơn 2.800 tỷ đồng.

Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (gọi tắt Công ty T-S.HOME, địa chỉ: số 14 đường số 11, khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM). Ngày 12-4, phóng viên đã có ghi nhận về cuộc sống của người nằm cạnh mỏ cát “khủng”.

Mỏ cát được đấu giá quyền khai thác hơn 2.800 tỷ đồng.

Người dân bắt đầu lo

Mỏ cát trên nằm cạnh cù lao Giêng. Để đến nơi đây, chúng tôi phải vượt sông Hậu, rồi chạy dọc theo tỉnh lộ 944, sau đó phải qua thêm đò Rạch Sâu. Đứng trên đò, chúng tôi thấy một cù lao xanh mướt và hỏi người lái đò họ cho biết đó là “cù lao xoài” thuộc 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Đây là vùng đất này được bồi đắp phù sa của dòng sông Tiền.

Qua đò chạy dọc theo con lộ đang được nâng cấp là nhiều vựa xoài đang thu mua xoài từ người 3 xã chở đến. Đến tấm bảng chỉ dẫn khu vực sạt lở nguy hiểm, chúng tôi hỏi người dân về mỏ cát được đấu giá gần 3.000 tỷ thì họ hướng dẫn đi thẳng hướng ra sông Tiền. Đến bến đò Kênh Ngang chúng tôi thấy nhiều người dân đang ngồi ghế đá, mắc võng nằm với vẻ mặt đầy lo âu.

Bảng cảnh báo sạt lở gần mỏ cát được đấu giá.

Người dâu cho biết, trước dây bến đò này dùng để đưa rước khách từ xã Bình Phước Xuân qua sông Tiền để đến TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, sau khi mỏ cát được cấp quyền khai thác, nhiều xáng cạp hoạt động ngày đêm chưa tới một năm nhà cửa bị sạt lở, cuốn trôi và từ đó bến đò này cũng được di dời về địa điểm mới, cách nơi này vài trăm mét.

Người dân cù lao đứng bên bờ sạt lở. 

Gia đình 3 người và cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào 1 công đất trồng xoài sau nhà, ông Lê Phước Đông (ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân) kể: Cù lao Giêng phía giáp sông Tiền trước đây bị sạt lở vào bờ hàng chục mét và mấy năm nay cát bồi trở lại. Cách nay khoảng 6 năm, đối diện nhà ông là mỏ cát được 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang cấp phép khai thác.

Đối với bờ An Giang có 5 xáng cạp lấy cát. Sau vài tháng múc cát, nhà cửa của hàng chục hộ dân bắt đầu đe dọa, sạt lở nên địa phương tiến hành di dời. Dù vậy hoạt động khai thác giữa sông Tiền diễn ra rầm rộ, từ đó tốc độ sạt lở ngày nghiêm trọng, nên người dân đứng ra phản đối, cầu cứu cơ quan chức năng. Sau đó việc khai thác được tạm dừng, cuộc sống và sản xuất người dân mới trở lại bình thường.

“Phía An Giang ngưng nhưng phía bên Đồng Tháp vẫn khai thác cho đến bây giờ. Vui được vài năm thì chúng tôi vừa đọc báo thấy mỏ cát được đưa ra đấu giá nên ai cũng lo lắng bởi nạn sạt lở. Chúng tôi không chỉ lo mất nhà mà còn nguồn sinh kế, bởi nhà có thể di dời nhưng cây trái không thể, trong khi đó nó là nguồn sống lâu dài, bao đời nay”, ông Đông nói.

Bà Nguyễn Thị Hiền lo lắng khi nghe thông tin mỏ cát được đấu giá.

Sống ở vùng đất cạnh sông có trữ lượng cát dồi dào đến nay đã 5 thế hệ, cụ Nguyễn Thị Hiền (75 tuổi) tâm sự: “Ngoài trồng cây trái, rau màu thì một số gia đình ít đất còn giăng câu, thả lưới. Dân nghèo chỉ đợi con nước lớn vác chài đi vãi một hồi cũng có cá ăn. Đây là vùng đất được bồi đắp phù sa nên khai thác cát là sạt lở dữ lắm, không gì ngăn nổi. Thật tình nghe sắp tới khai thác cát tôi mất ăn, mất ngủ. Bản thân tôi lớn tuổi rồi không sao, chỉ lo cho thế hệ con cháu”.

Người dân nơi đây còn cho biết, đến thời điểm này địa phương vẫn chưa mời họp dân, không có thông báo gì đến việc đưa mỏ cát gần nhà đem ra đấu giá. Nếu có lấy ý kiến thì họ cũng phản đối.

Theo quan sát của phóng viên, con đường nhựa dẫn xuống bến đò cũ hiện đã bị sạt lở, xâm thực nham nhở. Cạnh đó là những trụ đá, gốc cây nằm ngổn ngang trên bãi đất bồi mang màu phù sa. Phía xa là những chiếc sà lan đang chờ lấy cát, xáng cạp hì hục hoạt động giữa sông Tiền.

Người dân đứng bên bờ sạt lở.

Trung tâm đấu giá nói gì?

Như Báo Công an TPHCM thông tin, ngày 29-3-2021, ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang ký thông báo số 828/TB-STNMT thông báo kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát sông trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân) và đơn vị trúng đấu giá là Công ty T-S.HOME. Loại cát công ty này trúng giá là cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường. Giá trúng đấu giá ước tính theo khối lượng mời đấu giá 2.372.500m3, được tạm tính là hơn 2.811 tỷ đồng. Theo thông báo, số tiền Công ty T-S.HOME phải nộp năm đầu tiên là hơn 140 tỷ đồng, trong 4 năm tiếp theo nộp hơn 667 tỷ đồng/năm.

Theo thông báo của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản An Giang, mỏ cát này có giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng. Phiên đấu giá có sự tham gia của 19 doanh nghiệp. Kết thúc phiên đấu giá, Công ty T-S.HOME trúng đấu giá với mức giá hơn 2.800 tỷ đồng, cao hơn 390 lần so với giá khởi điểm. Nhiều doanh nghiệp chuyên khai thác và kinh doanh cát cùng tham gia đấu giá cho rằng, Công ty T-S.HOME ra mức giá để mua quyền khai thác trên là “quá lố”.

Nhà cửa người dân bị sạt lở sau khi mỏ cát được cấp phép khai thác.

Để làm rõ những xôn xao và quá trình đấu giá mỏ cát có giá “khủng” này, phóng viên đã làm việc với bà Đặng Nguyễn Hồng Châu – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản An Giang. Bà Châu cho biết: Việc doanh nghiệp đấu giá cao sẽ có lợi cho ngân sách Nhà nước và không có gì là bất thường. Theo Luật đấu giá tài sản năm 2016, đối với trường hợp trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ cam kết thì mất tiền đặt cọc, hủy cuộc đấu giá và phải tổ chức đấu giá lại, chứ không có việc người đưa ra giá liền kề trúng đấu.

Theo bà Châu, việc đấu giá chỉ là đấu giá hệ số cấp quyền khai thác. Giá đấu này nó chỉ là mang tính chất quy đổi. Theo quy trình là doanh nghiệp trúng đấu giá thuê tổ chức hoặc họ có chức năng thì thăm dò khu mỏ cát để xem trữ lượng là bao nhiêu. Từ đó họ mới lập báo cáo để gửi Sở TN-MT để tính toán giá cụ thể của cấp quyền khai thác.

“Đối với mỏ cát sông Tiền là qua 45 vòng đấu và diễn ra hết sức quyết liệt. Việc đấu giá cấp quyền khai thác theo hệ số R. Theo đó R bằng 5%, tức là tương đường với 7,2 tỷ đồng. Đối với lần ra giá đầu tiên là 10%, còn những lần sau tối thiểu là 5% trở lên. Có lúc cao điểm các doanh nghiệp ra giá cao 100%. Đối với năng lực đấu thầu thì mình kiểm tra trên báo cáo tài chính và thư cam kết cấp tín dụng.

Căn cứ theo quy định thì đối với mỏ cát sông Tiền doanh nghiệp chỉ cần có 14 tỷ đồng trở lên là được tham gia đấu giá. Trước khi tham gia đấu giá, doanh nghiệp phải nộp tiền đặt trước là 15% của mức giá khởi điểm (giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng). Theo quy định hiện hành, đơn vị trúng đấu giá mà “bỏ chạy” thì chế tài là mất tiền đặt cọc”, bà Châu cho hay.

Được biết, Công ty T-S.HOME là doanh nghiệp được thành lập vào ngày 23-1-2018. Vốn điều lệ sáng lập là 9 tỷ đồng, góp bởi 2 cổ đông và đăng ký lĩnh vực kinh doanh chính là giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú, bên cạnh đó là vệ sinh nhà cửa và các công trình khác. Đến năm 2020, vốn điều lệ tăng lên 45 tỷ đồng và chuyển hướng sang lĩnh vực thi công xây dựng, buôn bán khoáng sản với ngành hoạt động chủ đạo là chuẩn bị mặt bằng.

Ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở TN&MT An Giang: Đối với các mỏ khoáng sản trên địa bàn, tới đây sở sẽ đưa ra đấu giá quyền khai thác để tăng nguồn thu ngân sách. Còn đối với những mỏ được cấp phép mà hết hạn cũng sẽ đề xuất thu hồi, chứ không gia hạn như cách làm cũ. Trong hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản thì đơn vị luôn yêu cầu các các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, khai thác phải lắp thiết bị giám sát hành trình, định vị trên các phương tiện và tất cả những dữ liệu này được kết nối, truyền về trung tâm của sở cũng như Công an tỉnh để việc giám sát được chặt chẽ.

Công an tỉnh An Giang cho biết: Đơn vị đã phát hiện có doanh nghiệp khai thác cát ghi không đúng giá bán và hét giá cát cao hơn quy định lúc đấu thầu khai thác để ghi vào hóa đơn. Vì vậy nhiều doanh nghiệp thi công dự án, công trình bị ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng. Bên cạnh đó đơn vị đã triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành để kiểm tra, kiểm soát trữ lượng khai thác, giá bán và trữ lượng bán cụ thể cho các sà lan. Đối với cá xáng cạp nếu kiểm tra phát hiện khai thác sai vị trí, không đúng giờ quy định thì sẽ xử phạt hành chính, nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì sẽ đề nghị UBND tỉnh An Giang thu hồi giấy phép khai thác.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang