Gia tăng nạn khai thác đất mặt trái phép ở ĐBSCL

Thứ Ba, 13/04/2021 08:20  | Thiện Thảo

|

(CATP) Mùa khô là thời điểm một số hộ dân lén lút đưa phương tiện vào khai thác để bán đất mặt ruộng. Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo nhưng một số người vì lợi ích trước mắt đã quên đi tác hại lâu dài. Khi bị bắt quả tang, các đối tượng than do kinh tế khó khăn đành bán đất để… mưu sinh (!).

Tận thu đất mặt để... "mưu sinh"

Ngày 3-4, nhận tin báo của người dân tại khu đất của bà Trần Thị Ngọc Điệp (SN 1961, ở ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang) có nhiều phương tiện chuyên dùng như xe Kobe, xe tải ben nghi đang khai thác đất mặt để lấy cát trái phép, lực lượng Cảnh sát Môi trường (CSMT) - Công an (CA) An Giang nhanh chóng đến kiểm tra. Tại hiện trường, lực lượng phát hiện 1 xe Kobe đang múc đất mặt để lấy cát đổ lên xe tải ben BS: 67H-004.88, trong khi 2 xe ben khác đang chờ để lấy cát đi tiêu thụ. Các đối tượng liên quan không xuất trình được giấy phép hoạt động. Được biết, tổng diện tích đã khai thác khoảng 1.000m2, độ sâu 0,5m. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện, bàn giao vụ việc cho CA huyện Tịnh Biên tiếp tục làm rõ.

Hố sâu để lại sau khi các đối tượng khai thác đất mặt trái phép

Trước đó, tại ấp Long Hòa, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CA tỉnh phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Phương Linh (SN 1979, quê Vĩnh Long) điều khiển máy Kobe không số múc đất lên 3 xe cải tiến.

Tác hại của việc khai thác đất mặt trái phép

Theo cơ quan chức năng, việc khai thác đất mặt của đất trồng lúa và đất bờ kênh, bờ đê trái phép không những gây thất thoát tài nguyên KS, tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với SX nông nghiệp. Khi lớp đất mặt trồng lúa chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất đã bị lấy đi, năng suất lúa giảm, sâu bệnh nhiều hơn, chi phí SX tăng. Ngoài ra, việc lấy đất mặt ruộng một cách tùy tiện chẳng những không cải tạo được đất, mà còn ảnh hưởng xấu đến việc canh tác của diện tích xung quanh, bởi việc này không phải thực hiện đồng loạt, khiến mặt ruộng biến dạng, gây khó khăn cho việc điều tiết nước trên cùng một cánh đồng. Còn đối với việc khai thác đất bờ kênh, bờ đê nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến hệ thống công trình thủy lợi, gây ra tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và SX của người dân.

Đối tượng khai được ông Phạm Thế Cường (ở huyện Chợ Mới) thuê khai thác đất mặt với tiền công 300.000 đồng/ngày, sau khi múc đất lên 3 xe cải tiến sẽ vận chuyển đến phần đất cặp bờ sông Hậu. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện có 1 máy Kobe không số múc đất xuống sà lan. Thời điểm kiểm tra, khu đất đã khai thác được khoảng 1.000m2, ở độ sâu 1m. Nguyễn Phương Linh không xuất trình được giấy phép khai thác đất mặt theo quy định. Khu đất và 2 máy Kobe, 3 xe cải tiến trên là của ông Cường.

Thực trạng khai thác đất ruộng không chỉ tái diễn ở An Giang, mà còn xảy ra ở hầu hết các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Tối 11-3, CA Sóc Trăng kiểm tra, phát hiện tại bãi đất trống ở ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên có 3 đối tượng đang khai thác đất trái phép. Tại hiện trường có 2 xe tải ben, gồm xe BS: 83C-051.05 do Phạm Minh Phương điều khiển và xe BS: 83C-071.92 do Nguyễn Minh Thường điều khiển, cùng xe cuốc BS: 65XA-0313 do Đỗ Văn Luận điều khiển. Lúc này, trên xe tải ben chở đầy đất ao mà các đối tượng đang khai thác rộng 22,1m, dài 54,1m, sâu 0,67m.

​Lập biên bản một trường hợp khai thác đất mặt trái phép

Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, tình trạng khai thác đất mặt trái phép có chiều hướng gia tăng ngay thời điểm mùa khô, các phương tiện như xe cuốc, xe ben dễ dàng ra vào các cánh đồng để khai thác, vận chuyển đất, trong khi nhiều người dân có nhu cầu san lấp mặt bằng xây dựng (XD) các công trình. Qua kiểm tra, Phòng CSMT - CA tỉnh Sóc Trăng cũng phát hiện, bắt quả tang 3 vụ khai thác đất trái phép tại các ấp Hòa Thọ, Hòa Đặng, xã Ngọc Đông và ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên). Năm 2020, các đơn vị chức năng phát hiện, xử lý 9 vụ khai thác đất mặt ruộng, đất bờ kênh trái phép trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2021 đến nay, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 6 vụ khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên và TP.Sóc Trăng, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm 2020.

Đất mặt bị khai thác trái phép

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Để ngăn chặn việc khai thác đất mặt trái phép, ngoài tuyên truyền trong dân, CA các địa phương đã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, mặc dù vậy tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn. Công an tỉnh Trà Vinh vừa tống đạt các quyết định (QĐ) khởi tố vụ án và bị can, QĐ cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Dương Văn Sáu (64 tuổi, ngụ huyện Trà Cú) để điều tra hành vi "vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".

Theo kết quả điều tra ban đầu, giữa tháng 9-2020 trinh sát Phòng CSMT - CA Trà Vinh phát hiện đối tượng này đang chỉ đạo 4 nhân công (trong đó có 3 tài xế lái xe tải và 1 người lái xe cuốc) khai thác lớp đất mặt tại vườn của bà Tăng Thị Pức (ở ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) để chở đi san lấp công trình XD ở huyện Trà Cú. Thời điểm kiểm tra, ông Sáu đã chỉ đạo khai thác trái phép gần 13.000m3 đất.Đối tượng này có 1 tiền sự về hành vi khai thác khoáng sản (KS) trái phép, bị CA huyện Trà Cú ra QĐ xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng.

Đất do Công ty TNHH Sao Mộc và Công ty TNHH Lan Anh khai thác trái phép dưới lòng sông Hậu

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa ra QĐ xử phạt Trương Văn Trận (42 tuổi), Đinh Văn Lưu (33 tuổi, cùng ở TX Duyên Hải) và Trần Minh Nhã (41 tuổi, ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) về hành vi khai thác KS trái phép, mỗi người 25 triệu đồng; riêng đối tượng Nhã bị tịch thu phương tiện vi phạm hành chính gồm xe cuốc và ôtô tải.

Ngày 5-10-2020, Lưu đến gặp ông Trận thỏa thuận chi phí cải tạo ao tôm và thống nhất: Lưu chịu hết chi phí để đổi lấy phần cát dư đem bán. Sau đó, Lưu thuê Nhã khai thác, vận chuyển số cát này. Ngày 10-11-2020, Phòng CSMT kiểm tra, bắt quả tang Trần Minh Nhã khai thác KS không phép tại địa điểm trên. Ngoài xe cuốc và ôtô tải, khối lượng cát khai thác tại thời điểm kiểm tra là 34,25m3. Qua làm việc, cả ba đối tượng đều thừa nhận hành vi vi phạm.

Cuối tháng 2-2021, chờ mọi người ngủ say, Nguyễn Nhật Tú (33 tuổi, ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) điều khiển phương tiện Kobe khai thác đất mặt trái phép tại khu đất của ông Nguyễn Văn Sơn (51 tuổi, ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) với diện tích khoảng 5ha cùng 3 ôtô tải vận chuyển đất đưa lên sà lan.

Phương tiện khai thác đất mặt trái phép bị CA An Giang tạm giữ

Trước đó, từ nguồn tin báo của người dân, các Phòng CSMT, Cảnh sát kinh tế và Cảnh sát đường thủy - Công an TP.Cần Thơ đã kiểm tra, tạm giữ 7 sà lan chở đất sét của Công ty TNHH Sao Mộc và Công ty TNHH Lan Anh nghi khai thác trái phép trên sông Hậu (đoạn thuộc P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ). Cảnh sát thu giữ tổng cộng 300m3 đất sét, 3 thùng hồ sơ, sổ sách giao nhận mua bán liên quan, tiến hành lập biên bản xử lý...

Bình luận (0)

Lên đầu trang