Đại án Vạn Thịnh Phát:

Bị cáo Trương Mỹ Lan gửi lời xin lỗi tới các bị hại

Chủ Nhật, 13/10/2024 11:14

|

(CATP) Trưa 11/10, phiên xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đã kết thúc phần tranh luận. Sau khi 34 bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX công bố sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào 8 giờ sáng ngày 17/10.

Ăn năn, đau lòng trước sai lầm

Nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan hứa sẽ cố gắng không làm cho Nhà nước cũng như tòa, VKS thất vọng trong việc khắc phục hậu quả. Bị cáo là một người dân bình thường, nỗ lực cả đời lao động, cống hiến, nghe vận động tái cơ cấu ngân hàng mới dính vào SCB chứ không có ý định chiếm đoạt cái gì của ai. Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật nên không tránh khỏi sai lầm và phải trả giá quá đắt, quá cay đắng! Đó là số phận, bị cáo không trách cứ ai khi phút cuối cùng rơi vào vòng lao lý. Trương Mỹ Lan xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho chồng, cháu và em dâu cũng như người làm của mình vì họ tin tưởng bị cáo và tận tụy với công việc chỉ một mục đích duy nhất là cứu SCB chứ không tư lợi.

Các bị cáo là người thân của Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng nói những lời ruột gan khi nhận ra sai lầm thì đã quá muộn, chỉ xin HĐXX khoan hồng khi lượng hình và giảm nhẹ hình phạt cho Trương Mỹ Lan. Trong đó, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan) trình bày, nhìn hình ảnh cô của bị cáo đứng tại đây với nỗi đau xé lòng, vô cùng đau khổ trong suốt hai năm qua.

Hội đồng xét xử

Còn bị cáo Chu Lập Cơ - chồng Trương Mỹ Lan trình bày vợ mình là người phụ nữ đã cùng cháu Huệ Vân xả thân suốt mùa dịch Covid-19 cứu người, không quản tiền bạc, nguy hiểm, họ là những người có phẩm chất cao quý nên xin HĐXX lượng hình.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu TGĐ SCB) xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Trương Mỹ Lan và các nhân viên cấp dưới khó khăn, làm công ăn lương và xin khoan hồng để sớm trở về lo cho gia đình.

Bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB chân thành xin lỗi hơn 35.000 bị hại và nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc gây ra thiệt hại của các trái chủ. Bị cáo Dũng xin HĐXX giảm án cho Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dũng (cựu Phó TGĐ SCB) gửi lời xin lỗi chân thành đến các bị hại trong vụ án, Ngân hàng SCB, những người đã tin tưởng bị cáo. Xin HĐXX, VKS xem xét tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo, xin khoan hồng với Trương Mỹ Lan và 02 nhân viên là Trần Thị Thúy Ái, Thái Thị Thanh được giảm nhẹ mức án.

Bị cáo Thái Thị Thanh Thảo (nguyên giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale, thuộc Ngân hàng SCB, Chi nhánh Sài Gòn) trình bày: bị cáo có hai con nhỏ, từ bé đã mồ côi cha, mẹ vướng vào vòng lao lý, khi vào trại giam gặp mẹ chỉ đứng một góc khóc. Bị cáo một mình vất vả nuôi con, đến thời điểm hiện tại gia đình không còn trọn vẹn, không có kinh tế... Xin có mức án khoan hồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan để bị cáo này còn niềm tin, khắc phục hậu quả cho bị hại.

Trước khi các bị cáo nói lời sau cùng, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cảm ơn VKS đã ghi nhận một số bị cáo nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả của vụ án dù không nhiều, để từ đó thay đổi mức đề nghị giảm một năm tù cho các bị cáo này. Võ Tấn Hoàng Văn cũng trình bày tất cả bị cáo trong vụ án này cũng như bà Trương Mỹ Lan sẽ dồn tối đa nguồn lực để đảm bảo khắc phục đầy đủ hậu quả vụ án cho bị hại.

Viện kiểm sát

Về phía Trương Huệ Vân, sau khi nghe VKS giảm mức đề nghị cho 03 bị cáo: Phan Chí Luân, Trần Thị Thúy Ái, Trương Thị Kim Lài khi nộp 10-20 triệu đồng khắc phục hậu quả thì rất mừng và xin HĐXX và VKS xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo khác, vì còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tương tự nhưng vẫn cố gắng khắc phục hậu quả của vụ án.

Đại diện VKS cũng nói rõ về vấn đề vì sao 03 bị cáo Phan Chí Luân, Trần Thị Thúy Ái, Trương Thị Kim Lài dù chỉ nộp bổ sung khắc phục hậu quả 10-20 triệu đồng nhưng được ghi nhận và đề nghị giảm một năm tù. VKS đã đánh giá vị trí, phân hóa vai trò, bối cảnh phạm tội và nhân thân của từng bị cáo. Quá trình xét hỏi tại tòa, các bị cáo này đều có hoàn cảnh khó khăn, số tiền các bị cáo nộp khắc phục không đáng kể so với hậu quả của vụ án, nhưng với hoàn cảnh khó khăn, các bị cáo đã thể hiện chung trong việc khắc phục hậu quả. Từ đó, VKS ghi nhận và đề nghị lại mức hình phạt.

Đối với các bị cáo còn lại mới nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, VKS chỉ ghi nhận và HĐXX sẽ xem xét cho các bị cáo, VKS không thay đổi mức đề nghị án.

Sẽ khắc phục hậu quả đầy đủ cho các bị hại

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; nợ xấu kéo dài, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn trong việc xin cấp tín dụng từ SCB. Khoảng tháng 8-2018, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã họp với 5 nhân vật chủ chốt gồm: Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Hồ Bửu Phương (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Cuộc họp chốt chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB.

Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại tòa

Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty tổ chức phát hành trái phiếu đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu. Việc phát hành, chào bán trái phiếu cho người dân được thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và SCB với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.

Bốn công ty gồm: An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra được sử dụng để phát hành 25 mã trái phiếu "khống", không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng 308 triệu trái phiếu. Các đối tượng đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty này và các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các cá nhân khác hoặc công ty đối tác. Việc lập hợp đồng khống nhằm để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu, làm nhà đầu tư tin rằng tiền mua trái phiếu được sử dụng để đầu tư vào các dự án sinh lời.

Công ty chứng khoán TVSI được lựa chọn là đơn vị tư vấn, phát hành trái phiếu. TVSI có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin, đại diện cho 4 công ty phát hành trái phiếu ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng với các trái chủ. Khi 4 công ty phát hành trái phiếu thì một nhóm các công ty khác đứng ra mua trái phiếu với tư cách trái chủ sơ cấp. Việc thanh toán tiền mua trái phiếu thực chất chỉ là các bút toán khống, hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB. Từ đây, việc tạo lập các gói trái phiếu khống hoàn thành và sau đó được bán cho người dân thông qua TVSI và SCB.

Cáo trạng xác định, với vai trò là Tổng giám đốc điều hành hoạt động chung của Ngân hàng SCB, Võ Tấn Hoàng Văn đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ của SCB và giao cho một phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ phối hợp với Công ty chứng khoán TVSI xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên sale thuộc 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn bán trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ra đại chúng.

Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng ngàn trái chủ về tới Công ty TVSI. TVSI sẽ chuyển tiền cho các Công ty trái chủ sơ cấp hoặc các Công ty mua lại trái phiếu từ trái chủ sơ cấp. Tiếp đó, các công ty này chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền cho vay, mua cổ phần để các cá nhân rút tiền, sử dụng theo các mục đích của Trương Mỹ Lan. Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ. Đến nay còn dư nợ hơn 30 ngàn tỷ đồng của 35.824 trái chủ và không có khả năng thu hồi.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo, đối tượng liên quan tại Tập đoàn và Ngân hàng SCB vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Trương Mỹ Lan cũng được xác định là đã chỉ đạo các đối tượng thành lập nhiều "công ty ma" sử dụng cho các mục đích riêng. Tính đến tháng 10/2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang