Ngày 30/9, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", tiếp tục phần xét hỏi, làm rõ các vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ của các bị cáo và các quyền tài sản của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngoài việc bị cáo Lan xin HĐXX hủy bỏ kê biên cổ phần tại nhiều công ty như: Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam, Công ty Hợp Thành 1… và hàng loạt lệnh kê biên tài sản để chuyển nhượng, lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án, có 2 khoản tiền 1.500 tỷ đồng cho mượn và mong HĐXX thu hồi.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 30/9
Trong đó, liên quan đến 18% vốn góp của Công ty Setra (1 trong 4 doanh nghiệp phát hành các lô trái phiếu khống) tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank-Bonday-Bến Thành, đang bị kê biên, bà Nguyễn Thị Minh Hải (đại diện Vietcombank) đề nghị HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên để Vietcombank và Setra triển khai việc chuyển nhượng.
Vietcombank và Setra đã ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp, việc ký kết này được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) hướng dẫn cụ thể về phương thức, quy định. Dự kiến Vietcombank sẽ thanh toán toàn bộ cho Setra thông qua hình thức chuyển khoản, đảm bảo quy định pháp luật theo hướng dẫn của C03.
Đại diện Setra cũng đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên để công ty bán lại cổ phần cho Vietcombank và xin giữ lại 20% để đóng thuế, phí, số còn lại sẽ dùng để khắc phục hậu quả của việc phát hành trái phiếu.
Trình bày về nguồn gốc 18% cổ phần tại Công ty Setra, bà Trương Mỹ Lan cho biết đây là cổ phần của mẹ bà. Theo bà Lan, gia đình bà chuyên góp vốn tại các công ty để lấy lãi. Tuy nhiên, bà Lan không muốn bán 18% cổ phần tại Setra cho Vietcombank mà đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên đối với số cổ phần này và yêu cầu được đem ra bán đấu giá, người nào trả giá cao thì bán và người nhà bị cáo được đứng ra bán.
Về việc 73,4% cổ phần tại Công ty CP đầu tư Hợp Thành 1 cũng bị kê biên, bà Lan trình bày, hoạt động của công ty này là phục vụ du lịch chứ không phải buôn bán tài sản, bất động sản. Theo bà Lan, toàn bộ là của cha mẹ, không liên quan đến bị cáo.
Đối với 82% cổ phần tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam, bà Lan khẳng định không thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cũng không dính tới Ngân hàng SCB. "Trước đây, số cổ phần này có người trả tới 300 triệu USD, nhưng bị cáo không bán. Mong HĐXX giải tỏa kê biên, bị cáo sẽ dùng số tiền bán được để khắc phục hậu quả chứ không sử dụng riêng" – bà Lan trình bày.
Các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát
Liên quan tới 2 dự án ở Khu đô thị phát triển An Phú TPHCM (TP Thủ Đức) do Công ty CP địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư. Bà Lan khai có cho ông Nguyễn Văn Liêm (Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thủ Thiêm) mượn 1.000 tỷ đồng. Bà Lan khẳng định đây là tiền riêng của mình chứ không phải của SCB và bị cáo cho ông Liêm mượn, không phải là nguồn đầu tư cho dự án.
Về lý do cho mượn, theo bà Lan, bà cho ông Liêm mượn và sẽ đi tìm nhà đầu tư, môi giới cho ông Liêm bán dự án để thu hồi lại số tiền và kiếm thêm lãi. Hiện ông Liêm chưa hoàn trả số tiền này, bà Lan mong muốn thu hồi lại để khắc phục hậu quả.
Về thông tin vay mượn 1.000 tỷ đồng này, bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), khai tại tòa có cùng bà Lan tham gia cuộc họp và trong cuộc họp này, ông Hồ Quốc Minh (hiện đã xuất cảnh đi nước ngoài) đã giới thiệu về dự án Khu đô thị phát triển An Phú - TPHCM cho bà Lan. Bị cáo Hoàng cho rằng dự án này rất tốt nhưng chưa đủ pháp lý nên không thế chấp tại ngân hàng được. Sau đó, bị cáo thấy bà Lan rút 1.000 tỷ đồng từ Ngân hàng SCB giao cho ông Liêm. “Bị cáo chỉ biết là tiền của chị Lan nhưng nguồn gốc như thế nào bị cáo không rõ”- bị cáo Trương Khánh Hoàng khai.
Về khoản nợ 500 tỷ đồng liên quan đến Công ty CP Lavifood, bà Lan trình bày, thời điểm đó là 29 Tết, ông Lê Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty Lavifood) có gọi cho bà trình bày về việc ông Phạm Ngô Quốc Thắng (Tổng giám đốc Công ty Lavifood) thiếu nợ 500 tỷ đồng bên Campuchia, nếu không có tiền thì ông Thắng sẽ bị giết chết. Ông Thành nhờ bà Lan cứu ông Thắng. Lúc ông Thành gọi cứu ông Thắng là 29 Tết, tất cả các ngân hàng đều không làm việc nên bà Lan huy động hết anh em ở trong Nam, ngoài Bắc để vay 500 tỷ đồng đưa cho ông Thành đi cứu ông Thắng về. Bà Lan mong muốn tòa giải tỏa kê biên bất động sản của Lavifood để thu hồi khoản nợ 500 tỷ này. “Nếu họ không có tiền trả cho bị cáo, coi như bị cáo đi làm từ thiện, cúng dường”- bà Lan nêu.
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại, vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.
Để khắc phục hậu quả, CQĐT đã phong tỏa, thu giữ, tạm giữ số tài sản lớn liên quan đến Trương Mỹ Lan và các bị can khác trong vụ án, gồm hơn 224 tỷ đồng; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị can, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền hơn 824 tỷ đồng.
CQĐT cũng đã kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, vốn góp liên quan đến Trương Mỹ Lan và các bị can khác, cá nhân liên quan với giá trị quy đổi hơn 12.313 tỷ đồng.