(CAO) Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai việc đấu giá biển số xe ôtô, đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất để đấu giá biển số xe ô tô nền màu vàng, chữ và số màu đen (xe ô tô kinh doanh vận tải) và đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác đấu giá biển số xe ô tô (tính đến ngày 16/9/2024), Bộ Công an cho biết, Bộ đang tổ chức phiên đấu giá thứ 4, đã đấu giá qua 215 ngày; tổng số biển đưa ra đấu giá là 1.308.852 biển; đã đấu giá thành 37.021 biển với tổng giá trị tài sản 3.469.279.000 đồng; tổng số tiền người trúng đấu giá đã nộp vào tài khoản chuyên thu của Cục Cảnh sát giao thông để nộp ngân sách nhà nước là 3,15 tỷ đồng.
Đối với các biển số trúng đấu giá nhưng người trúng đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá hoặc không nộp tiền (bỏ cọc), Bộ Công an đã tổ chức đấu giá lại thành công 345 biển số với số tiền 146,73 tỷ đồng; nhiều biển số đấu giá lại trúng với giá cao, khách hàng đã nộp đủ tiền như: 51K-888.88 = 15,265 tỷ đồng, 30K-555.55 = 14,495 tỷ đồng, 36A-999.99 = 5,285 tỷ đồng, 51L-333.33 = 3,9 tỷ đồng, 22A-222.22 = 5,13 tỷ đồng,...
Theo đánh giá của Bộ Công an, việc đấu giá biển số được triển khai nhanh chóng, kịp thời, bước đầu đạt hiệu quả cao, được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, và tích cực hưởng ứng tham gia.
Qua đó, có thể khẳng định việc triển khai thực hiện công tác đấu giá biển số xe ô tô là đúng đắn, cần thiết và kịp thời; khai thác hiệu quả tài sản công là kho biển số xe; phù hợp chủ trương chuyển đổi số quốc gia và xu thế phát triển chung của các nước tiên tiến; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của một bộ phận không nhỏ người dân; tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô và tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Diễn biến cuộc đấu giá biển số 51K-888.88.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo quy định của pháp luật về đấu giá biển số xe ô tô, trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá thì: “Khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc có nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá thì biển số xe ô tô đưa ra đấu giá được chuyển nhượng cho người đó.”
Thực tiễn, có một số trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, nhưng người đó không chấp nhận kết quả trúng đấu giá theo quy định vì cho rằng: Pháp luật chỉ quy định “được chuyển nhượng cho người đó” được hiểu là khách hàng được nhận chuyển nhượng, không bắt buộc phải nhận.
Hiện nay, xuất hiện tình trạng một số người đăng ký tham gia đấu giá biển số xe ô tô nhằm mục đích mua đi, bán lại, bán không được thì bỏ cọc, nhất là đối với những biển số “đẹp”, dễ nhớ, buộc phải tổ chức đấu giá lại gây mất nhiều chi phí, công sức của tổ chức đấu giá và cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời làm mất đi cơ hội của những người có nhu cầu chính đáng muốn sở hữu những biển số đó, gây nhiễu loạn các cuộc đấu giá (tính đến nay, đã có 738 lượt biển số bỏ cọc với số tiền lên đến 862 tỷ đồng). Do vậy, cần có các chế tài xử lý đối với những trường hợp này nhằm răn đe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Ngoài ra, việc xử lý tiền đặt trước hiện nay đang kế thừa các quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện thí điểm hoạt động đấu giá, việc xác định các trường hợp khách hàng vi phạm quy chế, hoặc có hành vi gây cản trở hoạt động đấu giá là rất khó khăn, đặc biệt là đối với các trường hợp gây cản trở hoạt động đấu giá bằng các hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ, công nghệ cao không có quy định xử lý và xử lý tiền đặt trước.
Do đó, cần bổ sung một số quy định về xử lý tiền đặt trước vào dự thảo Nghị định nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế.
Việc quy định nộp tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá như hiện nay, qua quá trình thực hiện cho thấy thời hạn trên là quá ngắn, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho người trúng đấu giá, đặc biệt đối với những người tham gia đấu giá ở một số vùng có điều kiện hạ tầng viễn thông chưa cao, sóng di động 3G, 4G còn kém hoặc những người tham gia đấu giá các biển số có giá trúng đấu giá cao.
Ảnh minh hoạ
Qua thực tế triển khai thực hiện công tác đấu giá trực tuyến toàn trình lần đầu tiên đối với biển số xe ô tô như hiện nay, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản rất khó để xác định mức chi phí thực tế cho một biển số và các chi phí khác về đầu tư, bảo trì hệ thống đấu giá trực tuyến khi mỗi biển số lại có số lượng khách hàng đăng ký tham gia khác nhau, các chi phí thông báo bằng tin nhắn (sms), thư điện tử (email), hỗ trợ qua tổng đài cho các khách hàng đăng ký tham gia đấu giá, hạ tầng lưu trữ dữ liệu khách hàng, cuộc đấu giá…
Để đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong việc sở hữu biển số xe cơ giới theo sở thích, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, minh bạch trong việc đăng ký, cấp biển số xe, khai thác hiệu quả tài sản công là kho biển số xe và có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai việc đấu giá biển số xe ô tô, chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất để đấu giá biển số xe ô tô nền màu vàng, chữ và số màu đen (xe ô tô kinh doanh vận tải) và đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy.