An Giang: Phát hiện nhiều sai phạm tại hồ trữ nước

Thứ Năm, 26/09/2024 08:10  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Để phòng chống biến đổi khí hậu, phục vụ việc sản xuất, phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân vùng Bảy Núi, đặc biệt bảo vệ rừng phòng hộ, ngành chức năng tỉnh An Giang đã xây dựng và cải tạo nhiều hồ tích trữ nước cặp theo chân núi. Thế nhưng, sau mỗi lần thanh tra thì cơ quan chức năng lại phát hiện sai phạm, trong đó có việc tận thu cát của doanh nghiệp.

Không xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế

Ngày 25/9, Thanh tra tỉnh An Giang đã công bố kết luận thanh tra số 07/KL-TTT về việc thực hiện đầu tư, nạo vét nâng sức chứa hồ Ô Tưk Sa (thuộc xã An Cư, TX.Tịnh Biên) phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ quan thanh tra đề nghị truy thu hơn 7 tỷ đồng tiền thuế, phí được doanh nghiệp kê khai không đúng, bán cát không xuất hóa đơn. Đồng thời, cơ quan thanh tra đề nghị xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Việt Trí (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), bị khởi tố trong vụ án khác) và các cá nhân tham mưu giúp việc có liên quan.

Thanh tra tỉnh An Giang cũng đã đề nghị xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Thanh Hùng (Phó chủ tịch UBND TX.Tịnh Biên), ông Huỳnh Kim Vinh (Giám đốc Ban QLDA Tịnh Biên, đã mất), ông Hứa Văn Tài (Giám đốc Ban QLDA Tịnh Biên), ông Võ Văn Khởi (Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch), ông Lê Ngọc Tân (Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Chi Lăng) và ông Trương Vũ Hiền (chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng)...

Hồ trữ nước Tà Lọt đang hoàn thiện trên địa bàn huyện Tri Tôn

Được biết, hồ Ô Tưk Sa là một trong các hồ chứa nước theo quy hoạch thủy lợi vùng Bảy Núi. Năm 2019, UBND TX.Tịnh Biên phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật nâng sức chứa hồ nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Thời gian thực hiện 2019 - 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Tịnh Biên được giao làm chủ đầu tư và trực tiếp điều hành dự án. Trong quá trình tổ chức lựa chọn thầu thi công xây lắp, năm 2020, UBND tỉnh An Giang đề nghị phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản để thu hồi cát nạo vét từ dự án.

UBND TX.Tịnh Biên tổ chức đấu giá, kết quả là Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Vĩnh Tường trúng thầu với số tiền 1,7 tỷ đồng. Sau khi có giấy phép khai thác khoáng sản, Công ty Vĩnh Tường đã ủy quyền cho Công ty Vĩnh Tường chi nhánh Cà Mau đứng ra tổ chức khai thác cát tại dự án hồ Ô Tưk Sa. Trữ lượng khai thác 324.978m3, công suất 324.978m3/năm và thời hạn giấy phép 1 năm.

Kết quả giám định cho thấy, khối lượng nạo vét thực tế là 336.662m3, tương ứng 90,5% khối lượng thiết kế dự án. Nhưng Công ty Vĩnh Tường chỉ cung cấp được 27 hóa đơn thuế giá trị gia tăng với tổng lượng hàng xuất bán 299.410m3. Tổng số tiền bán cát hơn 48 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng đầu ra hơn 4,7 tỷ đồng. Còn lại 105.931m3 cát bán ra không được công ty này xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế và phí. Qua tính toán, Thanh tra An Giang xác định Công ty Vĩnh Tường chỉ mới kê khai và thực nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 2 tỷ đồng thuế tài nguyên và 981 triệu đồng phí bảo vệ môi trường. Do đó, số thuế, phí còn phải tiếp tục nộp hơn 7 tỷ đồng.

Thanh tra cũng kết luận, quá trình thực hiện dự án, các đơn vị liên quan chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, khoáng sản và thuế. Sở TN&MT là đơn vị được giao quản lý chuyên ngành về khoáng sản, sau đó "giao khoán" việc kiểm tra, giám sát sau cấp phép cho UBND TX.Tịnh Biên. Trong khi đó, địa phương này chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện dự án, không kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên môi trường trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản. Công ty Vĩnh Tường chi nhánh Cà Mau chỉ tập trung khai thác khoáng sản, không quan tâm đến việc nạo vét lòng hồ theo thiết kế được duyệt nên làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Hồ trữ nước Soài Check

Từ những tồn tại trên, Thanh tra tỉnh An Giang kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng xử lý trách nhiệm tư vấn giám sát do ký biên bản nghiệm thu công việc xây dựng chưa triển khai, không đúng quy định. Đồng thời, cơ quan thanh tra yêu cầu Sở TN&MT, UBND TX.Tịnh Biên tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan đến hạn chế, vi phạm phát hiện qua thanh tra.

Chỉ tận thu, không lo khắc phục

Trước đó, ngành chức năng tỉnh An Giang cũng kết luận nhiều tồn tại, sai phạm tại hồ trữ nước Soài Check (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) và hồ Ô Thum (xã Ô Lâm, cùng H.Tri Tôn). Hồ Soài Check được xây dựng cặp theo chân núi Cô Tô, có diện tích 50,9ha, tổng mức đầu tư trên 119 tỷ đồng. Hồ có dung tích chứa 293.000m3, được triển khai xây dựng từ năm 2014, hoàn thành và bàn giao cho địa phương tháng 6/2016.

Đến tháng 11/2018, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang ký quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực nạo vét của dự án nâng cấp sức chứa hồ Soài Check. Tổ chức nộp tiền là Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hải Đến. Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm lần đầu là 72.600 đồng/m3. Trữ lượng khoáng sản được cấp quyền khai thác là 400.283m3.

Tương tự, Ô Thum là hồ ngăn nước dưới chân núi Cô Tô, chứa 270.000m3 nước. Tháng 10/2018, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực nạo vét của dự án nâng cấp sức chứa hồ Ô Thum. Tổ chức nộp tiền là Công ty TNHH thương mại dịch vụ khai thác khoáng sản An Bình. Giá nộp tiền đối với cát là 112.500 đồng/m3, đối với đất là 84.700 đồng/m3. Tổng trữ lượng khoáng sản được cấp quyền khai thác là 371.962m3. Trong đó, trữ lượng cát là 260.373m3, trữ lượng đất là 111.589m3.

Về 2 hồ này, trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy kết luận, việc thực hiện đầu tư nạo vét, nâng sức chứa 2 hồ Soài Check và Ô Thum không đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Các đơn vị thi công chỉ chú trọng vào việc tận thu vật liệu nạo vét, chưa quan tâm đến việc khắc phục các tồn tại trong quá trình nạo vét. Do đó, với đề nghị của địa phương tiếp tục vận chuyển vật liệu nạo vét ra khỏi khu vực hồ là không có cơ sở để xem xét. Đồng thời, UBND tỉnh thống nhất theo đề nghị của các sở ngành là không cho chủ trương gia hạn thời gian tiếp tục thực hiện nạo vét 2 dự án trên...

Để chống biến đổi khí hậu, phục vụ sinh hoạt cho người dân vùng Bảy Núi, tháng 5/2023, tỉnh An Giang đã đầu tư 3 hồ tích nước thuộc địa bàn huyện Tri Tôn và TX.Tịnh Biên với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng. Cụ thể, hồ Tà Lọt có dung tích thiết kế trên 531.000m3, hồ Núi Dài 2 có dung tích thiết kế là trên 558.000m3 và hồ Cô Tô có dung tích thiết kế trên 193.000m3. Đến nay, các dự án này cơ bản đã hoàn thành, có hồ đã đưa vào tích nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang