Xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2):

Thủ đoạn gian dối lỗ thành lãi để lừa người mua trái phiếu

Thứ Ba, 24/09/2024 09:50

|

(CATP) Phiên tòa ngày 23/9/2024 tiếp tục phần xét hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX) với 10/29 bị cáo còn lại liên quan đến hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo này có vai trò giúp sức, đồng phạm với bị cáo chủ mưu Trương Mỹ Lan, đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Còn bị cáo Trương Mỹ Lan thì khai báo loanh quanh, chối tội nhưng lại xin khắc phục hậu quả.

Trương Mỹ Lan phủ nhận chủ trương phát hành trái phiếu

Suốt ngày 23/9/2024, sau khi xét hỏi 28 bị cáo liên quan đến hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", chiều cùng ngày bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) được HĐXX tiếp tục xét hỏi.

Cụ thể, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận đã đề ra chủ trương phát hành trái phiếu. Trả lời HĐXX, bị cáo này nói mình nghe rõ lời khai của 28 bị cáo khác cùng bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và không có ý kiến gì về các lời khai đó. Bị cáo Lan nói 28 bị cáo trên đều làm công ăn lương, thực sự họ làm việc vì muốn "cứu" Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). "Bị cáo đề ra chủ trương phát hành trái phiếu với cá nhân nào, ai ở Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...?" - Bị cáo Lan hỏi. Trả lời HĐXX, bị cáo Lan còn cho rằng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu vì không liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, do Chủ tịch Ngân hàng SCB là Nguyễn Phương Hồng đề xuất, bị cáo Lan cho mượn các "công ty tốt" để phát hành trái phiếu nhằm "cứu" Ngân hàng SCB vì ngân hàng này đang gặp khó khăn.

Trương Mỹ Lan còn khai về cuộc gặp các nhân vật chủ chốt mà bị cáo mời cơm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ban đầu là để bàn bạc về việc niêm yết và đề xuất cho mượn các công ty để phát hành trái phiếu. HĐXX hỏi việc phát hành trái phiếu Công ty An Đông thu về 25.000 tỷ đồng và bị cáo không sử dụng như thế nào? Lúc này, bị cáo Trương Mỹ Lan khai chỉ để phục vụ cho tài chính của Ngân hàng SCB, chứ Tập đoàn của bị cáo không có nhu cầu và nếu có thì sẽ tự phát hành, số tiền thu được có thể nhiều hơn. Đối với số trái phiếu khác, bị cáo Lan khai ban đầu không biết gì, sau khi bị bắt tạm giam và được cơ quan điều tra cho xem thì mới biết.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa

"Bị cáo không sử dụng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà tất cả dùng cho tài chính của Ngân hàng SCB" - Trương Mỹ Lan nói - "Về phát hành trái phiếu, bị cáo cho mượn công ty, còn việc phát hành trái phiếu thế nào thì những người khác làm. Bị cáo không giao cho ai phát hành trái phiếu, không biết số lượng trái phiếu phát hành bao nhiêu". Tuy trả lời như vậy, nhưng khi HĐXX hỏi bị cáo có phương án nào giải quyết đối với các trái chủ thì Trương Mỹ Lan lại nói muốn dùng 21.000 tỷ đồng thu hồi của vụ án trong Giai đoạn 1 và 17.000 tỷ đồng của Giai đoạn 2, đồng thời mong HĐXX buộc Ngân hàng SCB trả lại tài sản cho mình, xin lấy lại bớt tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả cho các trái chủ. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan cũng trình bày một số phương án khác để khắc phục hậu quả cho các nhà đầu tư mua trái phiếu.

Chỉnh sửa "làm đẹp" báo cáo tài chính

Trong buổi sáng và buổi chiều 23/9/2024, trước khi xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan nêu trên, HĐXX xét hỏi các bị cáo khác liên quan đến hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do Trương Mỹ Lan chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quyết định sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu, chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng của 35.824 người bị hại. Tất cả 28 bị cáo giúp sức cho Trương Mỹ Lan trong hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đều thừa nhận sai phạm.

Trong ngày, là bị cáo đầu tiên trả lời HĐXX, Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty Acumen) xác nhận có hành vi như cáo trạng nêu. Bị cáo Công cũng trả lời HĐXX là giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra. Công thừa nhận thời điểm thực hiện hồ sơ đã tin tưởng hiệu quả cũng như làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và Trần Khánh Hoàng (Tổng giám đốc Ngân hàng SCB). "Hiện nay thì bị cáo nhận thấy sai và nhận thấy hậu quả rất lớn" - Trịnh Quang Công thú nhận tại tòa.

Các bị cáo đồng phạm của Trương Mỹ Lan đều thừa nhận hành vi sai phạm

Trả lời HĐXX, cựu Tổng giám đốc Công ty Setra - bị cáo Trần Văn Tuấn khai nhận: "Việc phát hành trái phiếu, bị cáo nhận chỉ đạo từ bà Trương Mỹ Lan hoặc qua thư ký của bà Lan. Ban đầu, bị cáo nhận được điện thoại từ Trịnh Quang Công thông báo chuẩn bị hồ sơ vì Tập đoàn đưa Công ty Setra vào diện phát hành trái phiếu. Với tư cách là Tổng giám đốc công ty, kế toán kiểm tra xong hồ sơ rồi bị cáo ký. Việc phát hành trái phiếu theo bị cáo biết thời điểm đó công ty không có nhu cầu, mà là để góp vốn, bị cáo không biết cụ thể". Về hoạt động của Công ty Setra vào năm 2019, Trần Văn Tuấn nói biết công ty đang hoạt động bị lỗ. Về việc phát hành trái phiếu, bị cáo này không chỉ đạo mà nói với kế toán công ty phối hợp để hỗ trợ thực hiện.

Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Thị Lan Chi (kế toán trưởng Công ty Setra) khai rằng hồ sơ phát hành trái phiếu là từ Văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Việc tham gia phát hành trái phiếu là từ cuộc gọi của Trịnh Quang Công yêu cầu chuẩn bị hồ sơ, điều chỉnh báo cáo tài chính từ lỗ sang có lãi để đủ điều kiện tham gia phát hành trái phiếu.

Cáo trạng xác định do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khó khăn

Theo cáo trạng, khoảng tháng 8/2018, Ngân hàng SCB ở trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra. Việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài nên Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương và họp với Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc, cùng thuộc Ngân hàng SCB), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TVSI) và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để chọn các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án cùng những mục đích cá nhân khác.

Quang cảnh phiên tòa

Thực hiện chủ trương của Trương Mỹ Lan, từ năm 2018 đến năm 2020, các nhân sự chủ chốt tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán TVSI đã họp bàn, chọn, sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn VTP để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản bảo đảm, với mục đích tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư, cơ cấu lại các khoản nợ. Bốn công ty gồm: An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra. Các đối tượng thực hiện thủ đoạn tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là: VIPD, VN Group, DUC, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, WMC, Minh Trường Phát, Khang Thành Phú và Điền Gia Cát mua toàn bộ số lượng trái phiếu của 4 công ty, nhằm mục đích bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục ngàn người dân để huy động tiền sử dụng vào mục đích khác nhau.

Việc hợp thức hóa nhà đầu tư cho 8 công ty trên do các cá nhân Nguyễn Ngọc Dương (Tổng giám đốc), Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty SPG), Bùi Đức Khoa (Phó Tổng giám đốc Công ty Natural Land), nhân viên Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chỉ Luân) sử dụng các công ty "ma" và các cá nhân được thuê đứng tên làm giám đốc, tổng giám đốc, sở hữu cổ phần, đứng tên các khoản vay, ký khống chứng từ, tài liệu, phối hợp với Ngân hàng SCB thực hiện giao dịch nộp, rút tiền mặt hoặc chuyển tiền tại Ngân hàng SCB, tạo ra dòng tiền khống hơn 30.869 tỷ đồng (không có tiền mặt), chi đi lệnh dòng tiền để cân đối sổ quỹ tiền mặt hàng ngày tại Ngân hàng SCB - Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Bến Thành.

Các gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty chứng khoán TVSI - đại diện tổ chức phát hành, trực tiếp ký kết hợp đồng bán trái phiếu. Còn gói trái phiếu Công ty Sunny World thì được chuyển nhượng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) để đầu tư, bán ra thị trường. Võ Tấn Hoàng Văn đại diện Ngân hàng SCB, Nguyễn Tiến Thành đại diện Công ty chứng khoán TVSI phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, sau đó Ngân hàng SCB tổ chức đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống (2.479 nhân viên tại 239 chi nhánh, phòng giao dịch) tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với Công ty chứng khoán TVSI và Ngân hàng SHB.

Theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đối tượng đã thực hiện giao dịch chuyển tiền cho những cá nhân được thuê để rút tiền tại Ngân hàng SCB - Chi nhánh Sài Gòn, Chi nhánh Bến Thành nhằm che giấu, cắt đứt dòng tiền; sử dụng toàn bộ số tiền bán trái phiếu vào mục đích như: trả nợ vay ngân hàng, trả gốc, lãi trái phiếu, chi dự án, chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của Trương Mỹ Lan. Hành vi trên dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang