Trương Mỹ Lan muốn đưa ‘siêu dự án’ trên đường Nguyễn Huệ vào khắc phục hậu quả

Thứ Ba, 24/09/2024 13:26

|

(CAO) Ngoài việc đề nghị thu hồi 17.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, tổ chức, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày muốn đưa 'siêu dự án' toạ lạc tại khu 'đất vàng' trên đường Nguyễn Huệ- Hồ Tùng Mậu- Ngô Đức Kế (Q1) chưa bị kê biên vào khắc phục hậu quả.

Sáng 24/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tiếp tục phần xét hỏi.

Phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát sáng 24/9

Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi cho thân chủ về nguồn tiền khắc phục hậu quả cho các trái chủ, bị cáo Lan nói sẽ huy động hết nguồn tiền để chi trả cho người dân.

“Khi rà soát sử dụng dòng tiền, việc sử dụng tiền thu được từ bán trái phiếu là hơn 30.000 tỉ đồng, bị cáo có nhớ Ngân hàng SCB sử dụng bao nhiêu từ số tiền có được từ phát hành trái phiếu không?”, Luật sư Phan Trung Hoài hỏi. Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, ban đầu thực sự bị cáo không biết thu được bao nhiêu tiền từ việc phát hành trái phiếu bởi chỉ cho mượn các công ty, việc phát hành như thế nào là phía SCB làm. Chỉ khi cơ quan điều tra cho xem sổ sách tài liệu thì bị cáo mới biết.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Tài liệu thể hiện, SCB sử dụng chi phí duy trì hoạt động hệ thống là 61.000 tỉ đồng trong 1,5 năm. Nguồn thu từ phát hành trái phiếu có 17.000 tỉ đồng dùng chi trả cho khoản nợ một số ngân hàng, tổ chức. Trương Mỹ Lan đề nghị thu hồi nguồn tiền này để khắc phục hậu quả cho các bị hại. Sau khi thu hồi, nếu giữa SCB và các đơn vị có tranh chấp thì bị cáo sẵn sàng đứng ra để chịu trách nhiệm.

Tiếp tục trình bày về phương án khắc phục hậu quả, ngoài số tiền 356 tỉ đồng bị cáo Lan trình bày, đối với tòa nhà Capital (Hà Nội), trước đó mua khoảng 600 triệu USD. Tòa nhà này do bạn bị cáo vay tiền ngân hàng nước ngoài và đang nợ. Bạn bị cáo cho mượn bán khắc phục, giờ chỉ bán được 350 triệu USD, nếu trả nợ ngân hàng 250 triệu USD xong còn khoảng 2.000 tỉ đồng. Nên bị cáo Lan tiếp tục tìm đơn vị nào mua giá cao hơn để khắc phục thiệt hại.

Dự án 6A Bình Chánh, bị cáo Lan nói không đảm bảo cho bất cứ nghĩa vụ nào tại SCB. Dự án 26 ha, nằm ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh thuộc pháp nhân Vạn Thịnh Phát, nhiều người trả giá từ 30.000 - 40.000 tỉ đồng nhưng bị cáo chưa hợp tác. "Bị cáo cũng suy nghĩ nguồn tiền khắc phục hơn 40.000 tỉ đồng rồi nhưng tiền chưa đến tay, bị cáo không muốn người dân lo lắng nên đã "hy sinh" dự án này. Bị cáo đã nói với cháu bị cáo tìm lại đối tác cũ, dù 20.000 - 30.000 tỉ đồng cũng được, miễn có tiền khắc phục cho các trái chủ"- bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày.

Các bị cáo tại tòa

Trước đó, trong chiều qua, Trương Mỹ Lan cũng trình bày tại tòa, một dự án tâm huyết khác của bị cáo chưa nằm trong danh sách kê biên. Đó là dự án Amigo- khu đất vàng Nguyễn Huệ, Q.1, bị cáo muốn dùng dự án này để khắc phục hậu quả vụ án.

Sáng nay, luật sư hỏi thêm về dự án Amigo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về tình trạng pháp lý dự án, đền bù, có liên quan đến SCB như thế nào. Theo trình bày của Trương Mỹ Lan, đây là dự án đã được khởi động bước đầu trước khi bị cáo bị bắt, đã đền bù được gần 30 năm qua, chỉ còn mười mấy phần trăm (một ít căn hộ nhỏ lẻ). Dự án chậm do phải đấu giá. Dự án là khu Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế. Nếu như giải quyết giai đoạn 1 còn tiền thừa từ dự án này thì bị cáo muốn đưa tiền vào giải quyết giai đoạn 2.

Trước đó, Trương Mỹ Lan cũng đưa ra phương án khắc phục hậu quả cho các trái chủ. Cụ thể, theo bị cáo, tổng tài sản tiền, tài sản thu giữ, cổ phiếu, cổ phần là hơn 21.000 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo đề nghị HĐXX thu hồi hơn 17.000 tỉ đồng mà các NH và các tổ chức khác đã nhận từ nguồn tiền phát hành trái phiếu. "Như vậy có hơn 38.000 tỉ đồng để trả tiền lại cho người dân và phải ưu tiên trả lại cho họ"- bị cáo Lan trình bày.

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; nợ xấu kéo dài, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn trong việc xin cấp tín dụng từ SCB.

Khoảng tháng 8-2018, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã họp với 5 nhân vật chủ chốt gồm: Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Cuộc họp chốt chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB. Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty tổ chức phát hành trái phiếu đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu. Việc phát hành, chào bán trái phiếu cho người dân được thông qua Công ty chứng khoán TVSI và SCB với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.

4 công ty gồm: An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra được sử dụng để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng 308 triệu trái phiếu. Các đối tượng đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty này và các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các cá nhân khác hoặc công ty đối tác.

Việc lập hợp đồng khống nhằm để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu, làm nhà đầu tư tin rằng tiền mua trái phiếu được sử dụng để đầu tư vào các dự án sinh lời.

Công ty chứng khoán TVSI được lựa chọn là đơn vị tư vấn, phát hành trái phiếu. TVSI có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin, đại diện cho 4 công ty phát hành trái phiếu ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng với các trái chủ.

Khi 4 công ty phát hành trái phiếu thì một nhóm các công ty khác đứng ra mua trái phiếu với tư cách trái chủ sơ cấp. Việc thanh toán tiền mua trái phiếu thực chất chỉ là các bút toán khống, hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB. Từ đây, việc tạo lập các gói trái phiếu khống hoàn thành và sau đó được bán cho người dân thông qua TVSI và SCB. Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang