(CAO) Chiều 23/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tiếp tục xét hỏi.
Trương Mỹ Lan là chủ mưu, bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành 25 lô trái phiếu, được HĐXX xét hỏi cuối cùng. Trương Mỹ Lan trả lời tôn trọng cáo trạng cũng như lời khai của 28 bị cáo đồng phạm tại toà. Tuy nhiên, Trương Mỹ Lan mong HĐXX xem xét nguyên nhân, bối cảnh, động cơ phát hành trái phiếu. Tất cả là để cứu ngân hàng SCB, chứ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài chính vững chắc, không có nhu cầu niêm yết, huy động tiền từ dân.
Trương Mỹ Lan khai không biết chủ trương phát hành trái phiếu(?) Chủ trương là từ Ngân hàng SCB, cụ thể là từ Nguyễn Phương Hồng (bị can đã chết), bị cáo Lan chỉ cho mượn công ty. Thời gian bị cáo chủ yếu ở trên máy bay và ở nước ngoài, chỉ vài ngày trong tháng ở Việt Nam nên tranh thủ lúc ăn cơm với anh em cấp dưới có trao đổi lại việc phát hành trái phiếu mà cô Hồng đã nói trước đó, và nhờ mọi người triển khai, các bị cáo ở đây cũng như bị cáo đều tù mù, không rõ việc phát hành làm sao! Dòng tiền thu về Vạn Thịnh Phát cũng như Trương Mỹ Lan không hề sử dụng. Người nhà của Trương Mỹ Lan cũng bỏ ra 5.000 tỷ đồng mua trái phiếu.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà
Chỉ đến khi cơ quan điều tra cho xem chứng từ và các bút toán của cô Hồng, bị cáo Trương Mỹ Lan mới biết cụ thể số tiền thu được. Trong đó, có 17.000 tỷ đồng chuyển thanh toán cho các tổ chức. Nguồn phát hành gói mới phần lớn trả nợ gói phát hành cũ. Trương Mỹ Lan cũng đưa ra phương án khắc phục hậu quả và cam kết dù không sử dụng tiền thu về nhưng sẽ sắp xếp để trả hết cho gần 36 ngàn trái chủ không thiếu ai.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; nợ xấu kéo dài, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn trong việc xin cấp tín dụng từ SCB.
Khoảng tháng 8-2018, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã họp với 5 nhân vật chủ chốt gồm: Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Cuộc họp chốt chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB. Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty tổ chức phát hành trái phiếu đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu. Việc phát hành, chào bán trái phiếu cho người dân được thông qua Công ty chứng khoán TVSI và SCB với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.
4 công ty gồm: An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra được sử dụng để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng 308 triệu trái phiếu. Các đối tượng đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty này và các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các cá nhân khác hoặc công ty đối tác.
Việc lập hợp đồng khống nhằm để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu, làm nhà đầu tư tin rằng tiền mua trái phiếu được sử dụng để đầu tư vào các dự án sinh lời.
Công ty chứng khoán TVSI được lựa chọn là đơn vị tư vấn, phát hành trái phiếu. TVSI có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin, đại diện cho 4 công ty phát hành trái phiếu ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng với các trái chủ.
Khi 4 công ty phát hành trái phiếu thì một nhóm các công ty khác đứng ra mua trái phiếu với tư cách trái chủ sơ cấp. Việc thanh toán tiền mua trái phiếu thực chất chỉ là các bút toán khống, hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB. Từ đây, việc tạo lập các gói trái phiếu khống hoàn thành và sau đó được bán cho người dân thông qua TVSI và SCB. Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.
(CAO) Chỉ khi vụ án bị phanh phui, hậu quả khủng khiếp xảy ra thì mới nhìn thấy lỗ hỏng quản lý và kẽ hở của pháp luật. Cơ quan điều tra Bộ Công an khi kết thúc điều tra vụ án này, đã kiến nghị 6 vấn đề cấp thiết...