Hàng loạt cán bộ lãnh đạo "nhúng chàm"
Mở rộng điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, TP, trước đó vào ngày 02/01, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Quốc Vượng (SN 1963), nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Liên quan đến vụ án này, tháng 11/2023 Cơ quan ANĐT đã khởi tố 6 đối tượng để điều tra tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: 2 cán bộ của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) bị bắt là Trần Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Trịnh Văn Đoàn - chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng. Bốn người khác bị bắt là cán bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm: Nguyễn Danh Sơn - Giám đốc Công ty Mua bán điện, thuộc EVN; Nguyễn Hữu Khải - Trưởng phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện; Đỗ Ngọc Tuyền - chuyên viên của phòng này; Trương Hoàng Dũng - chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương - Hoàng Quốc Vượng khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an
Thông tin về quá trình điều tra vụ án này, trước đó tại buổi họp báo Bộ Công an ngày 26/3, Đại tá Phan Thành Bá - Phó Cục trưởng Cục ANĐT cho biết: Vụ án xảy ra tại Bộ Công thương rất phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng và diễn ra trong thời gian dài, đồng thời liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp (DN). Kết quả điều tra bước đầu xác định, các bị can đã có sai phạm trong tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện thừa hưởng chính sách giá điện ưu đãi (giá FIT).
Một vi phạm khác là sai phạm trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động điện lực và công nhận ngày vận hành thương mại cho một số dự án điện mặt trời, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho EVN.
Liên quan đến sai phạm trong vụ án này, cùng với các bị can nguyên là lãnh đạo Bộ Công thương và các cơ quan, DN liên quan, Cơ quan ANĐT đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố Nguyễn Duy Khánh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước cùng 2 bị can nguyên là lãnh đạo cấp phòng của Cục thuế Bình Phước là Trần Văn Định và Phạm Quang Vinh.
Theo Kết luận điều tra bổ sung về vụ án này, đối với hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong việc Cục Thuế tỉnh Bình Phước giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 3, Cơ quan ANĐT xác định, chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 10 - 12/2020, công ty này đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và vận hành thương mại Dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 trên phần diện tích lên đến gần 149,6ha đất rừng sản xuất, thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh. Phần diện tích xây dựng này đã không được cơ quan thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang đất công trình năng lượng. Dự án này cũng không được cấp phép xây dựng, không có quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, việc Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 3 làm dự án này đã vi phạm một loạt quy định và dự án không thuộc trường hợp được hoàn thuế VAT. Cơ quan ANĐT xác định, từ tháng 12/2020 đến hết tháng 11/2022, tổng số tiền Công ty Mua bán điện đã trả cho Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 3 là hơn 749,9 tỷ đồng, cao hơn mức giá bán điện dự án được hưởng và gây thiệt hại trực tiếp cho EVN số tiền hơn 209 tỷ đồng.
Liên quan đến 32 dự án điện gió, điện mặt trời
Tháng 8/2024, nhằm phục vụ điều tra vụ án xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, TP, Cơ quan ANĐT đã yêu cầu Tập đoàn EVN cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương. Trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan ANĐT yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió.
Hồ sơ của từng nhà máy điện EVN phải cung cấp cho Cơ quan ANĐT gồm: toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy.
Với các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan ANĐT thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ. Trong đó, chỉ riêng tại địa bàn trọng điểm về phát triển năng lượng tái tạo là tỉnh Gia Lai đã có đến 4 dự án thuộc diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan ANĐT, gồm: Nhà máy điện gió Hưng Hải ở huyện Kông Chro, Nhà máy điện gió Cửu An ở thị xã An Khê, Nhà máy điện gió Ia Le 1 ở huyện Chư Pưh và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 ở huyện Chư Prông.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 không được cấp phép xây dựng, không có quyết định chủ trương đầu tư, không thuộc trường hợp được hoàn thuế VAT
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII bổ sung (điều chỉnh). Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm về phát triển nguồn điện, nhất là điện gió, điện mặt trời ở nhiều địa phương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra, xử lý. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 9 vụ việc liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương và một số dự án tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Về trách nhiệm của Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ xác định các nội dung cần điều tra, xử lý vi phạm gồm: việc Bộ Công thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên đến 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Trong số này, đã phê duyệt 123 dự án với tổng công suất 8.496 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới điện, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra sai phạm của Bộ Công thương khi ban hành hướng dẫn và tham mưu cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có những sơ hở, khuyết điểm, vi phạm dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất xấp xỉ 1MW trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình trang trại nuôi trồng. Việc này không chỉ vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà còn giúp nhà đầu tư được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống điện mặt trời mái nhà với giá FIT 20UScent/kW/h trong vòng 20 năm.
Đối với các địa phương liên quan, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các vụ việc như việc quản lý, sử dụng đất đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời, điện gió trên đất quy hoạch khoáng sản quốc gia, quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan tại tỉnh Bình Thuận; xây dựng các dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tại tỉnh Ninh Thuận.
Tại Đắk Lắk, xây dựng dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch vùng tưới hồ chứa nước Ia Mơr.
Tại Đắk Nông, việc thực hiện dự án điện gió chồng lấn lên quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite.
Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 trên diện tích 15,3ha đất tại xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nằm ngoài phần diện tích 208ha được giao. Trên diện tích 208ha được giao, có hơn 25ha đất rừng tự nhiên chưa được chuyển mục đích sang đất xây dựng công trình năng lượng.
Mới đây, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã yêu cầu một số DN, cơ quan liên quan giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu về vai trò, trách nhiệm đối với Dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4, 5 ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Hệ thống kỹ thuật ứng dụng giải trình về vai trò, trách nhiệm, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động điện lực, công nhận ngày vận hành thương mại cho Công ty CP năng lượng Lộc Ninh, Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 2 và Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 3.
Công ty Mua bán điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (trước đây thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, tháng 8/2024 về Bộ Công Thương) cũng được yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến Dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 và 5. Các cơ quan khác như Cục Điều tiết điện lực và Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia cũng được yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án trên.
(Còn tiếp...)