Thiếu điện gây thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD
UBQLVNN tại DN vừa có đề xuất kỷ luật khiển trách đối với nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành, cùng Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân, Phó tổng Giám đốc Ngô Sơn Hải và Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) vì để xảy ra thiếu điện trong thời gian vừa qua.
Theo UBQLVNN tại DN, ngay sau khi Bộ Công thương ban hành kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, Ủy ban đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan.
UBQLVNN tại DN cũng đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan. Kết quả đã tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong toàn tập đoàn, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan.
Trong thời gian từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 6/2023 đã xảy ra tình trạng gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị kỷ luật khiển trách nhiều lãnh đạo EVN vì để xảy ra thiếu điện
"Phí tổn kinh tế của các đợt mất điện miền Bắc vào tháng 5 và 6/2023, khiến sản xuất bị gián đoạn, ước tính thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP" - bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank (WB) cho biết trong buổi họp báo sáng 10/8/2023. Con số này được WB đưa ra dựa trên ước tính về nhu cầu điện chưa được đáp ứng là 36 GWh năm 2022 và khoảng 900 GWh ước tính cho tháng 5 và 6/2023 (theo báo cáo vận hành của Trung tâm điều độ và ước tính của chính đơn vị này).
Cũng theo WB, miền Bắc gặp vấn đề về bất cân đối nguồn cung điện. Khu vực này có nhu cầu điện tăng nhanh hơn cả nước; có tính mùa vụ, đặc biệt trong các tháng 5 - 7. Nguyên nhân là nguồn điện phía Bắc lệ thuộc chủ yếu vào thủy điện, điện than; đồng thời chậm trễ trong đầu tư sản xuất, bổ sung nguồn điện và truyền tải điện. Thiếu hệ thống truyền tải khiến miền Bắc bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn dư công suất lớn ở miền Nam (khoảng 20 GW).
Cắt điện ảnh hưởng đến đầu tư, gây bức xúc trong dư luận
Ngày 12/7, Bộ Công thương đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện quy định về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và đơn vị liên quan. Kết luận thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021 - 2023 của EVN và các đơn vị có liên quan.
Theo đó, EVN và các đơn vị có liên quan chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện. Không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng. Điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện ở nhiều thời điểm.
Trạm biến áp 500 kV trong cụm dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời 450 MW tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN
Kết luận còn chỉ ra EVN vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023. Đặc biệt để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, trong đó đáng chú ý là khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Trong thời gian qua, EVN đã "bơi" trong thua lỗ, dù độc quyền và buộc phải tăng giá điện từ 04/5/2023 sau 4 năm không đổi, mỗi kWh điện sẽ tăng 3% lên mức 1.920,37 đồng (chưa gồm thuế VAT).
Tại sao EVN độc quyền về điện mà vẫn lỗ? Có thể giải thích, EVN từ chỗ nắm 100% nguồn điện nhưng hiện chỉ còn chiếm 58%. Để có nguồn phát điện, EVN phải mua của các nhà máy, trong khi giá nhiên liệu hóa thạch tăng không ngừng, giá mua có lúc lên đỉnh điểm là 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán lẻ bình quân chỉ là 1.920 đồng/kWh. Vấn đề mua bán điện độc quyền cũng đặt ra nhiều câu hỏi cần làm rõ.
Vấn đề lớn nhất là lãng phí nguồn năng lượng tái tạo khi các DN đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi "đắp chiếu". Thống kê cho thấy, có 87 dự án đã lỡ giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) nên phải chấp thuận cơ chế chuyển tiếp với mức giá thấp hơn. Sự nở rộ của các nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở phía Nam đã gây thêm nhiều khó khăn cho công tác vận hành hệ thống, trong khi hệ thống truyền tải không được đầu tư đủ. Để nguồn năng lượng tái tạo lãng phí trong một thời gian dài, lỗi lớn của chính sách, chứ không phải nhà đầu tư, đẩy các nhà đầu tư vào cảnh nợ nần.
Vì sao điện tái tạo phát triển quá nóng cũng là câu hỏi trong quy hoạch điện. Hơn ai hết EVN hiểu rất rõ, trong đó có việc chậm thực hiện Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) dài 515km đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và được giao cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, nhằm tăng năng lực truyền tải từ miền Trung ra Bắc, để hạn chế hiện tượng nghẽn mạch trên lưới truyền tải Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ.
Đặt trong bối cảnh miền Bắc thiếu điện trong thời gian vừa qua, dự án trên được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nâng cao năng lực truyền tải điện trục Bắc - Trung. Thực tế hiện trạng hệ thống điện Việt Nam cho thấy, cơ cấu nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện, với tốc độ tăng trưởng nguồn điện khoảng 4,7%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng phụ tải lại cao nhất cả nước, lên tới 9,3% trong giai đoạn qua. Mất cân đối nguồn cung năng lượng trong nước, nguồn phát điện giữa các vùng và một số dự án nguồn điện chậm vận hành cũng là lý do. Trong khi miền Nam và Nam Trung Bộ dư thừa điện tái tạo, với tốc độ tăng trưởng nguồn lên tới 16,5%/năm lại không phát được lên lưới điện quốc gia.
Cần làm rõ một số bất cập
uy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/10 đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021". Qua giám sát, lộ ra nhiều vấn đề bất cập của ngành điện.
Tại buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi quy hoạch Điện VIII được ban hành trước quy hoạch tổng thể quốc gia. Đó là "quy hoạch ngược", trong khi quy hoạch tổng thể quốc gia chưa có. Ông Thanh cho biết, từng có cuộc giám sát nhỏ trong quy hoạch Điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh, các DN phản ánh có hiện tượng "dự án vùng này, vùng kia, công suất bao nhiêu đã có tên người này, người kia rồi". "Vì sao có hiện tượng này, cần phải làm rõ”.
Về năng lượng tái tạo, thời gian qua chính sách giá đầu tư năng lượng tái tạo chưa nhất quán, thậm chí chập chờn; việc hướng dẫn chưa rõ ràng nên nhiều dự án đang được khảo sát phải dừng lại. Thị trường năng lượng tái tạo một vài năm trở lại đây trầm lắng hơn khi những vướng mắc của các dự án năng lượng tái tạo chưa được tháo gỡ triệt để. Do đó, các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu cân nhắc khi đầu tư vào Việt Nam. Đây là vấn đề Bộ Công thương cần phải trả lời và cần nhanh chóng ban hành chính sách kêu gọi đầu tư nhất quán, theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Nếu không mục tiêu đạt NetZero mà Việt Nam cam kết tại COP26 sẽ rất khó thực hiện.
Vì vậy trách nhiệm để thiếu điện, không chỉ có EVN mà còn có trách nhiệm của Bộ Công thương, đặc biệt trong quy hoạch và ban hành các chính sách liên quan.
Trách nhiệm của ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
Theo các chuyên gia kinh tế, khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, bên cạnh trách nhiệm của EVN, Bộ Công thương, cũng cần xem xét cả trách nhiệm rất lớn của UBQLVNN tại DN.
Với vai trò là cơ quan quản lý toàn diện về nhân sự, vốn của các tập đoàn, tổng công ty, UBQLVNN tại DN có trách nhiệm duyệt vốn đầu tư, đốc thúc, giám sát việc triển khai cũng như tham gia thu xếp vốn để triển khai các dự án của EVN và các tập đoàn khác như: Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
Bộ Công thương đưa ra quy hoạch, phát triển nguồn điện nhưng UBQLVNN tại DN mới là cơ quan quyết việc đầu tư, chi tiền đầu tư cho EVN. Thực tế, nếu không được Ủy ban này duyệt, EVN hay Bộ Công thương cũng không thể làm thay. Vì vậy việc phê duyệt dự án, để các dự án điện đầu tư triển khai chậm tiến độ không thể không có vai trò và trách nhiệm của UBQLVNN tại DN. Ủy ban này phải đồng hành với các cơ quan trong việc tham gia giải quyết các nguồn điện, cũng như chịu trách nhiệm về việc thiếu điện trong thời gian qua. Bởi khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được chuyển về UBQLVNN tại DN thì vai trò của ủy ban liên quan đến việc đầu tư kinh doanh, triển khai dự án lớn và cùng chịu trách nhiệm.
Đó là lý do các chuyên gia kinh tế đề nghị cần xem lại vai trò của UBQLVNN tại DN trong vai trò "tổng quản" đầu tư các dự án điện, cũng như cách phối hợp giữa các tập đoàn nhà nước trong việc bảo đảm cấp điện. Như vậy trách nhiệm thiếu điện trong thời gian vừa qua có trách nhiệm của EVN, Bộ Công thương và cả UBQLVNN tại DN.