Đề xuất tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024

Thứ Hai, 23/10/2023 16:33

|

(CAO) Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT như Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội trong 06 tháng đầu năm 2024.

Thu NSNN cả năm tăng khoảng 4,6% so với dự toán, là mức “rất tích cực"

Chiều 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, 9 tháng đầu năm 2023, thu NSNN ước bằng 75,5% dự toán. Nếu kể cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế, ông Phớc thông tin, thu NSNN cả năm tăng khoảng 4,6% so dự toán, là mức “rất tích cực” trong bối cảnh hiện nay.

Cùng thời gian, chi NSNN ước thực hiện bằng 59,7% dự toán. Căn cứ đánh giá thu và chi NSNN, ước bội chi NSNN khoảng 4% GDP.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tình hình thực hiện NSNN

“Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép” - Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, theo ông Hồ Đức Phớc, dự toán thu tăng khoảng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3%GDP.

Mức bội chi của năm này, theo ông Phớc, sẽ bám sát mục tiêu Kế hoạch 05 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, dự toán bội chi NSNN năm 2024 bằng khoảng 3,6% GDP.

Tương tự năm 2023, ông Phớc dự tính, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Báo cáo về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, người đứng đầu ngành tài chính cho hay, với dự kiến thu chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của NSĐP, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024.

Ông Phớc phân tích, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của NSTW các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn NSTW dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của NSĐP khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Về chi NSNN, Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN năm 2024, cụ thể đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN cho các nhiệm vụ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác theo Luật NSNN.

Bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn, chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương; dành nguồn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được NSNN đảm bảo.

Đồng thời, tăng chế độ ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội nghe báo cáo tình hình NSNN tại hội trường Diên Hồng

“Với mức thu và bội chi NSNN như trên, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2024 tăng khoảng 1,2% so với dự toán năm 2023” – ông Phớc nói.

Về Kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2024-2026, theo ông Phớc, được xây dựng với dự kiến tình hình kinh tế - xã hội từng bước cải thiện, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Như thế, dự toán thu NSNN được xây dựng ở mức tích cực, phù hợp với dự báo tăng trưởng kinh tế. Dự toán chi NSNN xây dựng chặt chẽ, theo quy định của pháp luật, ưu tiên bố trí chi đầu tư, triệt để tiết kiệm các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, đảm bảo nghĩa vụ chi trả nợ lãi, viện trợ, dự phòng, dự trữ quốc gia.

Đề xuất tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất VAT

Tại Kỳ họp này, Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, quyết định tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT như Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội trong 06 tháng đầu năm 2024.

Chính phủ cũng trình Quốc hội việc tăng số bổ sung cân đối cho NSĐP năm 2024; xử lý bù mặt bằng chi cân đối NSĐP; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối NSĐP năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra

Lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27- NQ/TW; điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở…

Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, dù nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, việc điều hành ngân sách nhà nước đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý, tình hình thu NSNN ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm. Điều này cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn.

Bên cạnh vai trò chủ đạo của NSTW bị ảnh hưởng, cơ quan thẩm tra chỉ ra, thu ngân sách địa phương có sự không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán, các địa phương cần phấn đấu hoàn thành dự toán.

Vẫn theo Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển trong 8 tháng đầu năm đã có những cải tiến tích cực cao hơn so với cùng kì 2022 nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần tiếp tục có giải pháp cụ thể, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cam kết giải ngân, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, chưa thu hồi hết vốn ứng trước.

Nhận định về dự toán NSNN năm 2024, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng phương án dự toán thu tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023 là khá tích cực trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6% - 6,5%, lạm phát khoảng 4% - 4,5%.

Dù vậy, thu NSNN vẫn chứa yếu tố rủi ro, thiếu bền vững khi thu từ đất có mức tăng lớn.

“Cần đánh giá tổng thể về thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực 2024-2026, dự báo đến 2030 để bảo đảm tính khả thi, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW” - Uỷ ban Tài chính – Ngân sách yêu cầu, đồng thời có các giải pháp đồng bộ để tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động trong bố trí nguồn lực.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, có chính sách động viên bổ sung nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo; đồng bộ điều chỉnh mức lương cơ sở với đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm…

Bình luận (0)

Lên đầu trang