Tăng trưởng kinh tế: Nhiều thách thức
Trong phiên làm việc chiều 23/10, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phản ánh, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội
Đáng chú ý, xuất siêu 8 năm liên tiếp; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng.
Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt trên 8.479 nghìn tỷ đồng (khoảng 366 tỷ USD); năm 2022 ước đạt hơn 9.513 nghìn tỷ đồng (khoảng 408 tỷ USD); năm 2023 ước đạt hơn 10.286 - 10.384 nghìn tỷ đồng (khoảng trên 435 - 439 tỷ USD).
Chính phủ cũng tập trung xử lý các vấn đề bộc lộ, mới phát sinh của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Về bội chi ngân sách, ông Dũng báo cáo, 3 năm (2021-2023) ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội), trong phạm vi mục tiêu đề ra.
“Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia” - Bộ trưởng Dũng thông tin.
Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư khi khởi công đồng loạt nhiều dự án cao tốc. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã đưa vào khai thác 659 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào sử dụng là 1.822 km.
Chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài.
“Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) là rất lớn” – ông Dũng nói.
Phiên họp Quốc hội chiều 23/10
Sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Dù vậy, ông Thanh nêu rõ, có những vấn đề nổi lên về kinh tế - xã hội trong 3 năm 2021 - 2023.
Chẳng hạn, công tác phòng chống dịch COVID-19 có thời điểm còn bị động, lúng túng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, nhưng chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn nhiều hạn chế.
Việc thu ngân sách thường xuyên vượt so với dự toán, theo Ủy ban Kinh tế, phản ánh xây dựng dự toán thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo.
Trong khi đó, quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực trong nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức, thu hút nguồn lực từ khu vực ngoài Nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự thành công, chủ yếu sử dụng nguồn lực từ đầu tư công…
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm và chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Tình trạng sở hữu chéo tại một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết dứt điểm. Tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng cao do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.
Khái quát lại, Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020 (6,25%) là “nhiệm vụ vô cùng khó khăn”.
Ông Thanh cũng nhìn nhận, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân…
Đưa ra các khuyến nghị, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi; chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt công trình trọng điểm như chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng.
Vẫn theo Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy sự chủ động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy.