Đã dành được khoảng 560.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương

Thứ Hai, 23/10/2023 10:15

|

(CAO) Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đến nay ngân sách đã dành được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Phản ánh những kết quả kinh tế xã hội trong năm 2023, Thủ tướng cho biết, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, Thủ tướng thông tin, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu con số này trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực…

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Đề cập đến thu – chi ngân sách nhà nước (NSNN), Thủ tướng cho hay, thu NSNN 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao.

Bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội. Đáng chú ý, thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương, đến nay ngân sách đã dành được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Bên cạnh đó các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn…

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, nền kinh tế chịu tác động từ yếu tố bất lợi bên ngoài, hạn chế bên trong kéo dài nhiều năm. Sức cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

Để khắc phục khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế - xã hội

“Chính phủ nỗ lực phấn đấu, đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5%. Lạm phát khoảng 3,5-4%" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cạnh đó, quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và khơi thông các nguồn lực.

Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực kép, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nói, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6-6,5%, thu nhập bình quân đầu người 4.700-4.730 USD, lạm phát 4-4,5%.

Ngoài điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, mở rộng hợp lý chính sách tài khóa, theo Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào tác động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025. Cùng với đó, đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được Chính phủ trình cấp thẩm quyền trong năm sau.

Trong đầu tư công, Chính phủ tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính “xoay chuyển” tình thế, “chuyển đổi” trạng thái, chấm dứt tình trạng dàn trải, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả.

Nhiệm vụ quan trọng nữa, Thủ tướng báo cáo, là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Các đại biểu Quốc hội TPHCM tại phiên khai mạc kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV

Ông cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1/7/2024. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định…

Lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng phân cấp, phân quyền và chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Tất cả các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh” - Thủ tướng nêu quan điểm.

Lưu ý nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là thách thức lớn, không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Ông Thanh cũng nhìn nhận, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát và tăng trưởng trong nước tăng cao những tháng cuối năm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội

Trong 5 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội không đạt, ông Thanh chỉ ra có chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng, như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.

"Đây là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu (năm 2021 - 2022 chỉ tiêu này thấp hơn mục tiêu 0,09-0,4%)" - ông Thanh phản ánh.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra, "sức khỏe" doanh nghiệp còn khó khăn khi số giải thể, phá sản tăng cao. Tính chung 9 tháng là 135.100 đơn vị, bình quân khoảng 15.000 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng, trong khi số thành lập mới giảm về vốn đăng ký, lao động.

"Doanh nghiệp đối mặt khó khăn thị trường, thiếu đơn hàng, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp và chi phí sản xuất, logistics tăng cao" - Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Những tháng còn lại năm nay, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, rà soát, hoàn thiện các cơ chế để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.

Cần đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc, theo Uỷ ban Kinh tế.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng có chính sách hỗ trợ kịp thời người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang