Xây dựng mức học phí phù hợp thực tiễn
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản ánh, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế được phục hồi phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện, uy tín và vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên.
“Nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước” – báo cáo của MTTQ nêu rõ.
Đề cập một số lĩnh vực cụ thể, báo cáo phản ánh, cử tri và Nhân dân đánh giá cao Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ, các giải pháp; huy động được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, khó đoán định cùng với hệ lụy nặng nề của đại dịch COVID-19, các kết quả đạt được như báo cáo của Chính phủ là rất đáng trân trọng. Với dự báo tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 410 tỷ USD trong năm 2022 lên 500 tỷ USD vào năm 2025 sẽ có có hội để GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng nhanh, từ 4.150 USD năm 2022 lên 5.000 USD vào năm 2025, giúp mở rộng quy mô thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam.
Dù vậy, cử tri và Nhân dân lo lắng, kinh tế có tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và thiếu tính ổn định. Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh, mặt bằng lãi suất giảm nhưng vẫn khó vay được vốn. Tình trạng một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải tiếp tục cắt giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, nợ bảo hiểm xã hội, chế độ lương thưởng thấp, không ổn định đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận công nhân, người lao động…
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cử tri và Nhân dân còn boăn khoăn, lo lắng về thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp. Tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục, thiếu trường, lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học của các trường công lập, để con em những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải học ở các trường ngoài công lập với chi phí cao.
Cử tri kiến nghị cần sớm xây dựng mức đóng học phí cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng học sinh bỏ học vì học phí cao; đồng thời, mong muốn Bộ Giáo dục - Đào tạo có các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để sớm khắc phục những bất cập trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, quản lý nghiêm túc hơn nữa công tác việc thực hiện các khoản thu đầu năm ở các nhà trường.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri
Với lĩnh vực y tế, cử tri và Nhân dân ghi nhận các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và vật tư tiêu hao để bảo đảm phòng, chống dịch, khám chữa bệnh cho Nhân dân; ghi nhận sự nỗ lực cao độ của các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo về sự bùng phát của dịch bệnh, cử tri và Nhân dân cho biết, vẫn còn tình trạng người dân đến cơ sở y tế công lập khám, chữa bệnh nhưng chưa được đáp ứng nên phải đến cơ sở y tế tư nhân điều trị với chi phí cao hơn.
Cử tri và Nhân dân kiến nghị cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung nhiều loại thuốc hơn trong danh mục bảo hiểm y tế; hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến để thuận lợi cho người dân tham gia khám chữa bệnh.
Chống tham nhũng đã “truyền lửa” đến cấp tỉnh
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và Nhân dân cho rằng, cùng với xử lý kỷ luật bằng pháp luật, Đảng và Nhà nước đã kiên quyết kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, có cả lãnh đạo cấp cao, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai.
Theo nhìn nhận của cử tri và Nhân dân, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã “truyền lửa” đến cấp tỉnh, thực sự trở thành xu thế không thể đảo ngược, được cử tri và Nhân dân đồng tình, tin tưởng và ủng hộ rất cao.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
Dẫu vậy, cử tri và Nhân dân lưu ý, tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ngày một tinh vi hơn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân hàng, đất đai. Còn tình trạng “tham nhũng vặt”, “nhũng nhiễu” doanh nghiệp và người dân; thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vì thế, cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tập trung siết chặt kỷ cương, kỷ luật, rà soát pháp luật để bịt các kẽ hở; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức, bổ sung quy định về xử lý tài sản không giải trình hợp lý; tăng cường cơ chế giám sát của xã hội…
Bên cạnh cơ chế pháp luật xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, cử tri và Nhân dân đề nghị có chính sách khoan hồng, giảm tội cho những cá nhân vi phạm nhưng không mang tính chất vụ lợi, tạo cơ hội cho họ khắc phục sai phạm.
Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cử tri và Nhân dân tự hào về an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước ta được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế và người dân yên tâm làm ăn và trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Đặc biệt quan tâm và kịch liệt lên án tội phạm có tính chất khủng bố xảy ra ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, cử tri và Nhân dân hoan nghênh các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, sớm ổn định tình hình; mong muốn Nhà nước xử lý nghiêm minh, trừng trị thích đáng kẻ phạm tội cầm đầu, giáo dục răn đe người chưa hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, bị xúi giục tham gia có tính chất đồng phạm.
Vẫn trong kiến nghị gửi đến Quốc hội, cử tri và Nhân dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp kịp thời về bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phòng, chống tội phạm vi phạm sử dụng công nghệ cao, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng môi trường sống lành mạnh cho người dân.
Các bộ, ngành chức năng, theo cử tri và Nhân dân, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng.
Ngoài ra, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm tới thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình khai thác khoáng sản, chống biến đổi khí hậu… Cử tri và Nhân dân cũng quan tâm đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, bức xúc với tình trạng “quy hoạch treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân.
Cử tri đề nghị các cấp chính quyền quan tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, công khai minh bạch các quy trình, thủ tục về cấp quyền sử dụng đất, đồng thời có các biện pháp để đảm bảo giá đất được phát triển hài hòa, đảm bảo một bộ phận lớn người lao động có điều kiện để sở hữu nhà, đất để ổn định cuộc sống.