Cuối giờ chiều nay, 24/10, các đại biểu Quốc hội sẽ bắt đầu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Sau khi nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách này bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Hôm nay, Quốc hội sẽ bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm với những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn
Theo Nghị quyết 96, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Như vậy, tổng số các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn hiện nay là 49 người.
Tuy nhiên, Nghị quyết 96 cũng quy định, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Trong 44 người được lấy phiếu tín nhiệm, có 2 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4; 12 người lấy phiếu lần 2 và 30 người lấy phiếu lần đầu.
Chia sẻ về việc này, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, lần lấy phiếu tín nhiệm này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt hơn so với những lần trước, đặc biệt khi câu chuyện về cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ sai đang diễn ra phổ biến và yêu cầu đặt ra về việc “dám nghĩ, dám làm” là rất mạnh mẽ, quyết liệt.
Ông Trịnh Xuân An mong muốn, qua đợt lấy phiếu tín nhiệm này sẽ tạo được tính lan tỏa trong việc thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt nâng cao tinh thần dám nghĩ dám làm, xử lý những việc khó, những điều mà đất nước và nhân dân kỳ vọng.
Chung nhận định, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng với quy định mới, kết quả phiếu tín nhiệm không còn chỉ để tham khảo, mà sẽ là cơ sở để đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Bà Yên nhìn nhận, căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm hiện hành cũng chặt chẽ hơn so với trước khi quy định tiêu chí đánh giá tín nhiệm còn xét đến sự gương mẫu, không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm không chỉ liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mà tính đến cả tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao…
Nhận định lấy phiếu tín nhiệm là kênh giám sát quan trọng, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) nhấn mạnh, với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, cấp bách, đại biểu Sơn cho rằng, kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của những người được giao trọng trách.
“Có thể thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức có ý nghĩa, có thể tạo động lực phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng như không khí dân chủ, tích cực trong xã hội” – ông Sơn nêu quan điểm.
Vì tầm quan trọng đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nói rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất mới có hiệu lực, hiệu quả, nghĩa là lá phiếu phải có “chất lượng”.
“Lá phiếu chất lượng là lá phiếu công tâm, chính xác và phải thể hiện được tính nghiêm túc, bản lĩnh của người ghi phiếu tín nhiệm” – ông Hạ bình luận.
Do đó, theo ông Hạ, đại biểu phải có thông tin, có đầy đủ cơ sở để đánh giá thật khách quan, công tâm, có trách nhiệm đối với người được lấy phiếu thông qua từng lá phiếu.
Ông Hạ cũng lưu ý, việc đánh giá với kết quả công tác của những người được lấy phiếu cũng cần kỹ lưỡng, thấu đáo và toàn diện.
“Đánh giá của ĐBQH phải khách quan, công tâm, đa chiều. Nếu ta cứ dùng tiêu chí chung mà không tính đến các điều kiện đặc thù cho từng người, từng lĩnh vực thì khó đạt được sự công bằng, khách quan” – ông Hạ bày tỏ.
Tương tự, đại biểu Tạ Thị Yên nói, mỗi người cần có trách nhiệm với lá phiếu của mình, cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm khi thể hiện mức độ tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bà Yên khẳng định, sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của những người được lấy phiếu tín nhiệm để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện.