(CATP) Hôm nay (23/9/2024), phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo liên quan đến hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc phát hành trái phiếu của các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, với 25 mã trái phiếu khống, tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu để huy động vốn, chiếm đoạt số tiền hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 người bị hại. Bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức lừa đảo.
Sai phạm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan
Vào ngày 20/9/2024, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xét hỏi 19/29 bị cáo liên quan đến hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", các bị cáo này đều thừa nhận hành vi phạm tội. Hôm nay (23/9/2024), HĐXX tiếp tục xét hỏi 10 bị cáo còn lại về hành vi này.
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của tập đoàn này cùng các pháp nhân thuộc tập đoàn này. Trương Mỹ Lan đã đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu, họp bàn với các đồng phạm là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty chứng khoán TVSI, chọn và sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là An Đông, Sunny World, Quang Thuận, Setra để phát hành 25 mã trái phiếu khống, với tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu để huy động vốn, chiếm đoạt số tiền hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 người bị hại.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) từ năm 2018 đã tham gia họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với Trương Mỹ Lan. Văn chỉ đạo, điều hành Ngân hàng SCB giới thiệu, tư vấn bán trái phiếu, chỉ đạo ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI về việc hợp tác giới thiệu nhà đầu tư chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp. Văn còn chỉ đạo Khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng SCB triển khai tổ chức bán trái phiếu... Võ Tấn Hoàng Văn đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 28.469 tỷ đồng của 35.818 người bị hại.
Cạnh đó, bị cáo Hồ Bửu Phương (Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát) đã tham gia họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với Trương Mỹ Lan, được giao làm đầu mối yêu cầu bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuẩn bị hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính, lên phương án thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Phương chỉ đạo Nguyễn Hữu Hiệu, Vũ Quốc Tuấn phối hợp nhân viên của Công ty Chứng khoán TVSI để phát hành trái phiếu, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hơn 27.969 tỷ đồng của 33.393 người bị hại.
Trương Mỹ Lan là đối tượng chủ mưu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Còn bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (Phó văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của văn phòng, đã chỉ đạo Phan Chí Luân làm việc với Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh về việc quản lý, theo dõi danh sách, lập phương án hứa chuyển nhượng cổ phần. Trên cơ sở đó, làm căn cứ cho Công ty Điền Gia Cát (không có hoạt động thực tế) và 8 cá nhân được thuê ký các chứng từ nộp, rút tiền khống nhằm hợp thức dòng tiền cho Công ty Điền Gia Cát mua sơ cấp, giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 2.431 người bị hại.
Tại phiên tòa, khi HĐXX hỏi bị cáo Trương Huệ Vân (cháu Trương Mỹ Lan), bị cáo này trả lời rất vô tư: "Bảo ký thì ký”. Vân là Tổng giám đốc Công ty WMC. Thực hiện chủ trương phát hành trái phiếu của Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty WMC chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty An Đông mua sơ cấp, giúp Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm phát hành 2 mã trái phiếu ADC-2018.09.1 và ADC-2019.1 của Công ty An Đông. Cáo trạng xác định Vân là đồng phạm với Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng của 20.623 người bị hại.
Giúp sức thực hiện dòng tiền khống
Một bị cáo khác là Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ - Ngân hàng SCB), tiếp nhận chỉ đạo và trực tiếp bàn bạc, trao đổi với Trịnh Quang Công, Nguyễn Phương Anh lên phương án dòng tiền khống. Sau đó, Dung chỉ đạo Bùi Anh Dũng (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB - Chi nhánh Bến Thành) tổ chức hợp thức hóa chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống Ngân hàng SCB, giúp Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 2.431 người bị hại.
Các bị cáo tại tòa
Khi giữ chức Giám đốc Ngân hàng SCB - Chi nhánh Bến Thành, bị cáo Bùi Anh Dũng tiếp nhận thông tin từ Võ Tấn Hoàng Văn, về sau là Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung, tạo điều kiện cho nhóm khách hàng ưu tiên (khách "Vip", liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), triển khai cho các giao dịch viên, kiểm soát viên, thủ quỹ Ngân hàng SCB - Chi nhánh Bến Thành hạch toán chứng từ trên hệ thống. Dũng còn chỉ đạo các nhân viên Ngân hàng SCB - Chi nhánh Bến Thành đi lệnh nộp tiền, chuyển, nộp, rút tiền khống giúp Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan.
Theo cáo trạng, bị cáo Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty Acumen) vào tháng 6/2020 đã tiếp nhận chỉ đạo của Trương Khánh Hoàng, giao Phạm Nguyễn Bảo Trung (nhân viên Công ty Acumen) thu thập hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính các năm của Công ty Setra rồi chuyển cho Công ty Chứng khoán TVSI. Công cũng chỉ đạo Trần Văn Tuấn (Tổng giám đốc Công ty Setra) phối hợp ký hoàn thiện các thủ tục, chứng từ để chạy dòng tiền cho Công ty Điền Gia Cát thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua sơ cấp trái phiếu của Công ty Setra. Công còn chỉ đạo Phạm Nguyễn Bảo Trung chuẩn bị tài liệu chuyển cho Công ty Setra và yêu cầu Trần Văn Tuấn, Trần Thị Lan Chi cung cấp hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính năm 2019 (năm trước liền kề) phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần và kinh doanh có lãi (trong khi thực tế năm 2019 Công ty Setra đang thua lỗ) để giúp Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu của Trương Mỹ Lan)
Khoảng tháng 6/2020, Trần Văn Tuấn (Tổng giám đốc Công ty Setra) được Trịnh Quang Công thông báo chủ trương của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chọn Công ty Setra phát hành trái phiếu. Trần Văn Tuấn chỉ đạo Trần Thị Lan Chi chuẩn bị báo cáo tài chính, phối hợp công ty kiểm toán thực hiện các thủ tục điều chỉnh báo cáo tài chính năm 2019 để Công ty Setra có lãi. Tuấn là người trực tiếp ký hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan.
Đồng phạm giúp sức còn có bị cáo Lý Quốc Trung (Phó Tổng giám đốc, Kiểm toán viên của Công ty kiểm toán A&C), phụ trách cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty Setra. Mặc dù đã có tài liệu xác định kết quả kinh doanh năm 2019 của Công ty Setra bị thua lỗ, nhưng Lý Quốc Trung vẫn đồng ý cho Phạm Hoa Đăng (Kiểm toán viên) chấp nhận Báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty Setra đã điều chỉnh số liệu từ lỗ thành lãi do Trần Thị Lan Chi cung cấp. Công ty kiểm toán đồng ý đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, giúp Công ty Setra đủ điều kiện phát hành trái phiếu năm 2020. Lý Quốc Trung đã giúp sức cho Trần Thị Lan Chi, Trịnh Quang Công và Trần Văn Tuân đồng phạm với Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 2.431 người bị hại do Công ty Setra phát hành trái phiếu.
Tương tự, bị cáo Phạm Hoa Đăng (Kiểm toán viên của Công ty kiểm toán A&C) đã thực hiện kiểm toán số dư cuối năm và số liệu so sánh, phát sinh đến thời điểm ngày 31/12/2019 của Công ty Setra. Mặc dù có tài liệu xác định kết quả kinh doanh năm 2019 của Công ty Setra bị thua lỗ, nhưng Đăng vẫn tiếp nhận Báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty Setra đã bị sửa số liệu từ lỗ thành lãi do Trần Thị Lan Chi cung cấp để báo cáo, đề nghị Lý Quốc Trung đồng ý, ban hành Báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty Setra với ý kiến chấp nhận toàn phần, giúp công ty này đủ điều kiện phát hành trái phiếu năm 2020. Hành vi của Phạm Hoa Đăng vi phạm "Chuẩn mực hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính" ban hành kèm theo Thông tư 214 /2012/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đăng giúp sức cho Trần Thị Lan Chi, Trịnh Quang Công và Trần Văn Tuấn đồng phạm với Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền do Công ty Setra phát hành trái phiếu là 2.000 tỷ đồng của 2.431 người bị hại.
Theo cáo trạng truy tố, hành vi của 29 bị cáo đã phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Khoản 4, Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, các bị cáo khác có vai trò thực hành, giúp sức cho hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Trương Mỹ Lan.