Phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2):

Ưu tiên trả lại tiền, không để trái chủ nào bị thiệt hại

Thứ Tư, 25/09/2024 09:48

|

(CATP) Đó là lời khẳng định của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng của 35.824 người bị hại. Ngày 24/9/2024, đến phần tham gia xét hỏi của luật sư, Trương Mỹ Lan tiếp tục xin khắc phục hậu quả, đưa ra giải pháp bồi thường.

Trương Mỹ Lan xin chịu trách nhiệm bồi thường

Liên quan đến hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 28/29 bị cáo (ngoại trừ Trương Mỹ Lan) tại phiên tòa ngày 22 và 23/9/2024 đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu và giữ nguyên các lời khai tại cơ quan điều tra. Các bị cáo này cho rằng với vai trò, nhiệm vụ khác nhau, đã cùng các bị cáo khác tại 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống, bán cho nhiều nhà đầu tư, chiếm đoạt số tiền rất lớn. Các bị cáo này khai bản thân làm công ăn lương, không được hưởng lợi từ việc bán trái phiếu nên xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đối với các bị cáo là kiểm toán viên của Công ty kiểm toán A&C liên quan đến việc phát hành gói trái phiếu của Công ty Setra, họ thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố là đúng. Các bị cáo là kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tại Công ty Setra thừa nhận trách nhiệm liên quan đến nội dung chấp nhận ý kiến toàn phần trong "Báo cáo tài chính", quá trình kiểm toán cũng có một số sai sót, nhưng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án vì cũng làm công ăn lương, không có động cơ vụ lợi bất chính.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 24/9/2024

Còn bị cáo Trương Mỹ Lan thì nói rằng tôn trọng nội dung cáo trạng. Bị cáo Lan xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cấp dưới của mình trong vụ án. Trương Mỹ Lan thừa nhận là người chi phối, điều hành, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty trong "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, bị cáo này khai mình không đưa ra chủ trương mà chỉ cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mượn các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện việc phát hành trái phiếu, trên cơ sở đề xuất của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, bị cáo này đã chết). Số tiền thu được từ nguồn phát hành trái phiếu do Ngân hàng SCB sử dụng và Trương Mỹ Lan giao cho Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung quản lý, theo dõi số tiền phát hành trái phiếu.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan còn khẳng định chịu trách nhiệm về việc bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho những người bị hại. Tổng tài sản gồm tiền, tài sản thu giữ, cổ phiếu, cổ phần hơn 21.000 tỷ đồng; ngoài ra bị cáo Lan đề nghị HĐXX thu hồi hơn 17.000 tỷ đồng mà các ngân hàng và các tổ chức khác đã nhận tiền từ nguồn phát hành trái phiếu. "Như vậy có hơn 38.000 tỷ đồng để trả tiền lại cho người dân và phải ưu tiên trả lại cho họ, bị cáo không để cho người bị hại nào bị thiệt hại" - Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời khi HĐXX hỏi về phương án giải quyết hậu quả của hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng của 35.824 người bị hại (các trái chủ).

Các bị cáo tại tòa

Giải pháp khắc phục hậu quả

Đại diện Viện KSND tham gia xét hỏi các bị cáo Trương Thị Kim Lài, Trần Thị Lan Chi, Hồ Bửu Phương, Lý Quốc Trung, Trần Quốc Tuấn, Phạm Hoa Đăng, Võ Tấn Hoàng Văn, Ngô Thanh Nhã, Trương Huệ Vân, Nguyễn Vũ Anh Thi, Vũ Quốc Tuấn, Trương Vincent Kinh, Trần Đình Hưng... về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo này đều thừa nhận sai phạm như cáo trạng truy tố. Tham gia phần xét hỏi của các luật sư bào chữa trong ngày 24/9, cũng xoay quanh tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM, bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan), Trương Mỹ Lan cho rằng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có thể phát hành trái phiếu lên đến 200.000 tỷ đồng, nhưng bị cáo đã không làm vì không có nhu cầu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan còn trả lời rằng việc mình cho Ngân hàng SCB mượn tài sản để phát hành trái phiếu là vì muốn "cứu" ngân hàng khỏi trình trạng tài chính xấu. Cũng trả lời câu hỏi của luật sư về thực trạng của Ngân hàng SCB, bị cáo Lan nói: "Do bị cáo chỉ là một cổ đông và không trực tiếp điều hành nên không biết về vấn đề tài chính của ngân hàng này". Khẳng định không biết gì về thực trạng của Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan còn nại thêm: "Ngày nào cũng có người nói: chị ơi thiếu tiền, chị ơi thiếu tài sản, trong khi bị cáo không hiểu tại sao lại dính vào ngân hàng này...". Chưa hết, theo bị cáo Lan: "Tiền mấy chục tỷ bị cáo không nhớ, bị cáo chỉ nhớ số tiền to thôi", rồi phân bua: "Bị cáo không nhớ hết chứ không phải không lăn tăn vì hiện lúc đó rất khó khăn, từng đồng cũng giá trị để khắc phục hậu quả”.

Cũng như phiên tòa diễn ra cuối ngày 23/9/2024, trong ngày 24/9 khi được hỏi về việc khắc phục hậu quả đối với hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo Trương Mỹ Lan đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó xin trả lại toàn bộ số tiền hơn 30.869 tỷ đồng của 35.824 người bị hại. Luật sư hỏi các giải pháp nào để khắc phục hậu quả, Trương Mỹ Lan nói muốn tìm các giải pháp để bồi thường cho nạn nhân, trong đó muốn chuyển nhượng tòa nhà ở phố Liễu Giai (Hà Nội) để khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan nói: "Tòa nhà này có giá trị 1 tỷ USD và đang nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD". Cũng tại phiên tòa, trả lời về hướng khắc phục hậu quả, bị cáo Lan còn muốn mang Dự án 6A tại H.Bình Chánh (TPHCM) có diện tích 26 héc-ta (là dự án có nhiều nhà đầu tư trả mức giá 30.000 - 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan mong HĐXX tạo điều kiện để thu hồi tài sản, sử dụng các tài sản đã thu hồi trong Giai đoạn 1 và tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả.

Muốn đưa dự án tại khu đất "vàng" vào khắc phục hậu quả

Cuối ngày 23 và ngày 24/9/2024, trả lời các câu hỏi của luật sư về việc khắc phục hậu quả liên quan đến hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Trương Mỹ Lan còn nói muốn đưa "siêu dự án" tại khu đất "vàng" trên đường Nguyễn Huệ (Q1) vào để xin khắc phục hậu quả, vì dự án này chưa bị kê biên. Bị cáo Lan trình bày tại phiên tòa rằng một dự án tâm huyết của bị cáo chưa nằm trong danh sách kê biên là Dự án Amigo tại khu đất "vàng" trên đường Nguyễn Huệ (Q1). "Bị cáo muốn dùng dự án này để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo không lừa, toàn bỏ tiền ra, toàn cho mượn tài sản vì lúc đó muốn cứu Ngân hàng SCB, vì tài sản bạn bè, đối tác, người thân đều nằm ở Ngân hàng SCB và cô Hồng (tức Nguyễn Phương Hồng - cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, đã chết - PV) cũng quyết tâm bảo vệ Ngân hàng SCB".

Luật sư hỏi thêm liên quan đến Dự án Amigo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (mà bị cáo Trương Mỹ Lan vừa khai) về tình trạng pháp lý, việc đền bù, có liên quan đến Ngân hàng SCB như thế nào? Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, đây là dự án khởi động bước đầu trước khi bị cáo bị bắt, đã đền bù được gần 30 năm qua, chỉ còn mười mấy phần trăm, còn một ít căn hộ nhỏ lẻ chưa đền bù. Dự án chậm do phải đấu giá. Trương Mỹ Lan nói: "Dự án là khu Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế, là khu đất "vàng". Nếu như giải quyết Giai đoạn 1 còn tiền thừa từ dự án này thì bị cáo muốn đưa tiền vào giải quyết Giai đoạn 2".

Theo cáo trạng đối với Giai đoạn 2 đang xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trương Mỹ Lan là đối tượng chủ mưu cùng 28 bị cáo đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng của 35.824 người bị hại. Cạnh đó, trong Giai đoạn 2 này, Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc phạm tội "rửa tiền" hơn 445.000 tỷ đồng và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" với số tiền 4,5 tỷ USD. Trước đó trong Giai đoạn 1, Trương Mỹ Lan đã bị HĐXX TAND TPHCM tuyên án tử hình - tổng hợp hình phạt cho các tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tham ô tài sản, đưa hối lộ".

Bình luận (0)

Lên đầu trang