Phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2):

Vận chuyển trái phép cả trăm ngàn tỷ đồng qua biên giới

Thứ Sáu, 27/09/2024 15:08

|

(CATP) Phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm ngày 26/9/2024 bước sang phần xét hỏi liên quan đến hành vi "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", với số tiền khổng lồ: hơn 106.730 tỷ đồng. Bị cáo Trương Mỹ Lan là đối tượng chủ mưu đã "xin nhận trách nhiệm", 8 bị cáo còn lại với vai trò giúp sức đã thành khẩn khai báo, thừa nhận sai phạm.

Nhiều bị cáo ăn năn, hối cải

Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện Viện KSND và luật sư đã xét hỏi 9 bị cáo liên quan đến hành vi "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" trong phiên tòa ngày 26/9/2024. Trong đó, có 8 bị cáo thừa nhận sai phạm như cáo trạng truy tố, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đối tượng chủ mưu) thì nói rằng bị cáo tôn trọng HĐXX và cáo trạng truy tố, xin nhận trách nhiệm. Trước đó, trong phiên tòa ngày 25/9/2024, tương tự với 8 bị cáo liên quan đến hành vi "rửa tiền" với vai trò giúp sức, gồm: Nguyễn Phương Anh, Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng, Trịnh Quang Công, Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên, Trần Xuân Phượng, Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan) đều thừa nhận cáo trạng truy tố đúng, không oan sai, đều nhận thức được hành vi của mình, không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi ích gì, xin HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt.

Vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (Giai đoạn 2) liên quan đến hành vi "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" với tổng số ngoại tệ là 4.536.413.154 USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng). HĐXX đã xét hỏi Trương Mỹ Lan và 8 bị cáo đồng phạm giúp sức cho bị cáo Lan. Theo cáo trạng, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2022, bị cáo Lan chỉ đạo Trịnh Quang Công phối hợp Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth lập nhiều hợp đồng khống giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là công ty "ma" nằm dưới sự quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Thông qua các hợp đồng khống này, Trương Mỹ Lan khai là tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài, thông qua hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa

Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan nói: "Cáo trạng xác định truy tố bị cáo về tội "rửa tiền" là quyền của Viện Kiểm sát. Bị cáo tôn trọng, bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét là các công ty của bị cáo không liên quan đến việc chuyển tiền, bị cáo nhận trách nhiệm". Trương Mỹ Lan cũng khai là vay tiền từ những người bạn ở nước ngoài, còn tiền trả nợ là của riêng, không liên quan tới tài sản của Ngân hàng SCB mà chỉ thực hiện giao dịch qua ngân hàng này. Giải thích cho cáo buộc về việc lập các hợp đồng khống để chuyển và nhận tiền, Trương Mỹ Lan nói mình không hiểu về quy trình và cũng không trực tiếp tạo lập hợp đồng. "Thời điểm mà Viện Kiểm sát buộc tội sai phạm như trong cáo trạng, bị cáo và các đồng phạm nghĩ là đúng quy định pháp luật. Bị cáo không chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi chuyển tiền qua biên giới" - Bị cáo Lan trình bày.

Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, trong 8 bị cáo còn lại có Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB). Hoàng đã ký duyệt 38 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài tổng cộng là 21.810 tỷ đồng và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về (106 giao dịch), giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 69.202 tỷ đồng. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) đã ký duyệt tổng cộng 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các loại hợp đồng khống và không đủ điều kiện chuyển tiền. Hành vi của Văn đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 11.998 tỷ đồng.

Ngoài ra, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB Bùi Anh Dũng cũng đã ký duyệt 6 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các hợp đồng khống, giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 712 tỷ đồng. Số tiền giúp sức vận chuyển trái phép qua biên giới của các bị cáo còn lại là Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty SPG) 2.138 tỷ đồng, Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Acumen) 68.177 tỷ đồng, Tô Thị Anh Đào (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 2.445 tỷ đồng, Nguyễn Vũ Anh Thi (Tổng giám đốc VIPD) hơn 455 tỷ đồng, Nguyễn Hữu Hiệu (Phó Tổng giám đốc Công ty An Đông) 16.574 tỷ đồng.

Bị cáo Chu Lập Cơ

Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương, chỉ đạo rửa tiền

Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1992. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên trá hình để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán TVSI, qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Từ năm 2018 - 2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị cáo: Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng (thuộc Ngân hàng SCB), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TVSI), Hồ Bửu Phương (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống, với tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về tổng số tiền hơn 30.081 tỷ đồng rồi sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản (Giai đoạn 1) và phát hành trái phiếu (Giai đoạn 2). Trong quá trình chiếm đoạt số tiền trên, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đồng phạm thực hiện hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức hóa sử dụng số tiền do phạm tội mà có, chủ yếu để chi trả các khoản vay của những công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty, các cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng khống.

Nhiều bị cáo thành khẩn thừa nhận sai phạm

Từ ngày 27/10/2012 đến ngày 07/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài; thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài với tổng số tiền là 4.536.413.154 USD (tương đương hơn 106.730 đồng).

Nộp tiền khắc phục hậu quả

Quá trình điều tra vụ án Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm (Giai đoạn 2), giai đoạn truy tố và trải qua 6 ngày diễn ra phiên tòa xét xử vừa qua, rất nhiều bị cáo tỏ ra ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong hồ sơ vụ án. Các bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra.

Cụ thể, bị cáo Trương Mỹ Lan đã yêu cầu các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp khắc phục hậu quả hơn 356 tỷ đồng, Chu Lập Cơ đã khắc phục 19 tỷ đồng, Ngô Thanh Nhã 2 tỷ đồng, Nguyễn Phương Anh 1,3 tỷ đồng, Trương Vincent Kinh 1,2 tỷ đồng; Kwok Hakman Olive, Trần Văn Tuấn: mỗi bị cáo 1,1 tỷ đồng; Nguyễn Vũ Anh Thi, Phan Chí Luân, Vũ Quốc Tuấn, Trần Thị Lan Chi, Trần Đình Hưng, Huỳnh Phong Phú, Đinh Thị Ngọc Thanh: mỗi bị cáo hơn 1 tỷ đồng; Trịnh Quang Công, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Hữu Hiệu, Trương Huệ Vân, Hồ Bửu Phương, Bùi Đức Khoa, Thái Thị Thanh Thảo, Trương Thị Kim Lài, Trần Thị Thúy Ái, Phạm Thị Thúy Hằng, Đặng Phương Hoài Tâm, Lý Quốc Trung, Phạm Hoa Đăng: mỗi bị cáo 1 tỷ đồng; Bùi Văn Dũng, Tô Thị Anh Đào: mỗi bị cáo 250 triệu đồng; Trần Xuân Phượng, Trần Thị Hoàng Uyên: mỗi bị cáo 200 triệu đồng.

Các bị cáo Hồ Bửu Phương, Phạm Hoa Đăng đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Nhiều bị cáo khác cũng phối hợp tích cực, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án, như: Chu Lập Cơ, Nguyễn Phương Anh, Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng, Thái Thị Thanh Thảo, Phan Chí Luân, Trần Thị Hoàng Uyên...

Vào cuối phiên tòa chiều 26/9/2024, HĐXX thông báo phiên tòa tiếp tục làm việc vào lúc 8 giờ hôm sau, cụ thể là HĐXX sẽ xét hỏi, làm rõ về các vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ và các quyền tài sản của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. HĐXX đề nghị các cá nhân, tổ chức có liên quan có mặt tại phiên tòa ngày 27/9/2024 để phục vụ việc xét hỏi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang