Ngày 27/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Tường Oanh (SN 1977), Ngô Quang Vinh (chồng của Oanh, SN 1976, cùng trú phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM), Nguyễn Thông Tin (SN 1987, trú ấp 6, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM), Hồ Thái Danh (SN 1987), Trần Văn Chinh (SN 1992, cùng trú phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) và Hoàng Văn Dương (SN 1988, trú phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) về tội “Buôn bán hàng giả”. Riêng đối tượng Phạm Minh Nhật (SN 1987, trú phường 1, quận 8, TP.HCM) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 2 tội danh về hành vi “Làm giả tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Buôn bán hàng giả”.
Từ trái qua: Oanh, Vinh và Nhật
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, trung tuần tháng 1/2024, chị V.T.B. (SN 1994, trú xã Mỹ Lộc, H.Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nhân viên một cửa hàng xăng dầu đóng trên địa bàn thôn Khe Giao 1 (xã Ngọc Sơn, H.Thạch Hà) đến Công an H.Thạch Hà trình báo về việc, chị này bị 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền 10 triệu đồng. Theo chị B., trong lúc chị đang làm việc thì 2 đối tượng trên ghé vào đổ xăng. Sau đó, các đối tượng rút ra một chiếc điện thoại di động có đặc điểm giống iPhone 15 Pro Max kèm hóa đơn mua hàng của cửa hàng thế giới di động rồi trình bày, hiện đang cần tiền để xử lý công việc gấp nên xin để lại điện thoại vay 10 triệu đồng. Các đối tượng cam kết trong buổi chiều sẽ quay lại trả tiền để chuộc điện thoại.
Kiểm đếm tang vật
Mặc dù không am hiểu về điện thoại nhưng do tin tưởng các đối tượng nên chị vẫn đồng ý cho vay tiền và giữ lại điện thoại. Tuy nhiên, sau đó chị B. kiểm tra kỹ thì mới phát hiện đây là điện thoại nhái iPhone 15 Pro Max. Mọi giấy tờ, chứng từ cũng đều được làm giả. Khi chị B. liên hệ với 2 đối tượng thì chúng đã khóa máy.
Tiếp nhận thông tin, Công an H.Thạch Hà đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu. Quá trình truy xét, Công an H.Thạch Hà bắt giữ được 3 đối tượng liên quan đến vụ lừa đảo chị V.T.B. gồm: Nguyễn Văn Tân (SN 1996, trú xã Bàu Đồn, H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), Nguyễn Văn Thảo (SN 1984) và Trương Thế Anh (SN 1992, cùng trú xã Thạch Hưng, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).
Tang vật thu được tại nhà Phạm Minh Nhật
Đấu tranh khai thác, các đối tượng khai điện thoại và hóa đơn chúng đưa cho chị B. làm tin để vay tiền đều là hàng giả. Số tang vật này được các đối tượng mua với giá 2,1 triệu đồng từ một người đàn ông tên Nhật, sinh sống tại TP.HCM. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 7 vụ lừa đảo trên địa bàn 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, chiếm đoạt được tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Nhận định, đây là một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất phức tạp, đối tượng gây án sinh sống tại nhiều tỉnh, thành cấu kết với nhau. Thủ đoạn gây án của các đối tượng mới xuất hiện nhưng rất tinh vi khiến nhiều người dân bị mắc phải. Công an H.Thạch Hà đã xác lập chuyên án để tập trung lực lượng đấu tranh triệt phá.
Ban chuyên án họp bàn kế hoạch phá án
Quá trình lập án điều tra, xác minh, Công an H.Thạch Hà đã xác định được đối tượng cung cấp điện thoại di động giả và hóa đơn mua bán điện thoại di động giả cho Tân, Thảo và Anh là Phạm Minh Nhật. Đây là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, hàng ngày thường đến các bến xe hoặc nhà xe đi miền Tây trên địa bàn TP.HCM để vận chuyển và tiêu thụ điện thoại di động giả. Đáng chú ý, Nhật thường xuyên giao dịch, mua bán điện thoại giả với đối tượng Nguyễn Thị Tường Oanh.
Theo sát mọi hoạt động của Oanh, các trinh sát nắm được, Oanh có cửa hàng điện thoại di động Ngô Khang (số 691 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM). Tuy nhiên, cửa hàng này không bày bán điện thoại công khai mà chỉ là điểm giao nhận hàng với các đối tượng có nhu cầu mua điện thoại giả.
Oanh và chồng là Ngô Quang Vinh cấu kết với người thân của Oanh mua điện thoại có nguồn gốc Trung Quốc nhái lại các hãng điện thoại cao cấp, đời mới như: iPhone, Samsung cùng các phụ kiện điện thoại về phân loại, đóng gói rồi chuyển đến cất giấu tại cửa hàng điện thoại di động Ngô Khang. Khi có khách đặt mua, Oanh gọi shipper riêng của mình vận chuyển đi giao. Quá trình mua bán, giao dịch điện thoại, các đối tượng thực hiện rất thận trọng, kín kẽ nên các trinh sát gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra thu thập chứng cứ. Để tránh bị phát hiện, các trinh sát đã phải đóng giả thành người thu gom phế liệu, nhặt từng bao bì và thùng carton của các đối tượng vứt bỏ nhằm thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 12/9, Ban chuyên án phát hiện các đối tượng nhập một lô hàng lớn vận chuyển về nhà Oanh ở số 30/45A đường Đỗ Nhuận (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM). Ngay lập tức, Ban chuyên án đã huy động hơn 40 cán bộ, chiến sỹ tiến hành kiểm tra 7 địa điểm khác nhau trên địa bàn TP.HCM, bắt giữ các đối tượng Phạm Minh Nhật, Nguyễn Thị Tường Oanh, Ngô Quang Vinh. Theo đó, Ban chuyên án cũng đã triệu tập, làm việc và thu giữ nhiều điện thoại giả, điện thoại nhái tại nhà Nguyễn Thông Tin, Hồ Thái Danh, Trần Văn Chinh và Hoàng Văn Dương.
Quá trình phá án, lực lượng Công an thu giữ hơn 6.000 điện thoại giả, điện thoại nhái lại các hãng điện thoại iPhone, Samsung, OPPO và hơn 100 thùng phụ kiện điện thoại các loại tại nhà các đối tượng. Ngoài ra, lực lượng Công an còn thu giữ tại nhà đối tượng Phạm Minh Nhật 1 máy in hóa đơn giả, 1 máy tính phục vụ việc chỉnh sữa làm giả hóa đơn và 100 tờ hóa đơn giả.
Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ và lời khai của các đối tượng, bước đầu Ban chuyên án xác định, Oanh là một đại lý lớn chuyên cung cấp điện thoại giả, điện thoại nhái cho các đối tượng tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM. Ban chuyên án cũng nắm rõ được quy luật hoạt động của Oanh.
Riêng Tin, Danh, Chinh và Dương là những đối tượng thường xuyên nhập hàng là điện thoại giả, điện thoại nhái từ Oanh với số lượng lớn. Ước tính, các giao dịch mua bán điện thoại giả, điện thoại nhái của Oanh với những đầu mối cấp dưới mỗi tháng lên đến hơn một tỉ đồng. Các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội Facebook rồi lấy hình ảnh là các cửa hàng bán điện thoại di động uy tín, sử dụng thuê bao không chính chủ để liên lạc với khách hàng, lấy các địa chỉ cửa hàng điện thoại di động không có thật, chạy quảng cáo để thu hút khách hàng và giới thiệu sản phẩm là điện thoại di động giá rẻ để tạo niềm tin ở khách hàng phục vụ việc tiêu thụ điện thoại di động giả ra thị trường.
Hiện chuyên án đang được tiếp tục đấu tranh mở rộng.