Bị lừa đảo 10,5 tỷ đồng, Trưởng ban BTGPMB vẫn phải lãnh 7 năm 6 tháng tù

Thứ Sáu, 05/06/2020 17:00  | A. Quân

|

(CAO) Bị cáo Lê Quốc Cường, cựu Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 lãnh 7 năm 6 tháng tù cho 2 tội danh.

Ngày 5/6, sau 3 ngày xét xử, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Lê Quốc Cường (cựu Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1) 6 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" theo Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999; 1 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999, tổng hợp hình phạt là 7 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Lê Quốc Cường (phía phải) tại tòa. Ảnh: Song Mai.

Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt bị cáo Huỳnh Thị Cúc (cựu Thủ quỹ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1) 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hai bị cáo còn lại là Lê Thị Minh Hiền - cựu Giám đốc Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) Chi nhánh TPHCM, bị phạt 14 năm tù và Nghiêm Tiến Sỹ - cựu Phó Giám đốc GPBank Chi nhánh TPHCM, bị phạt 7 năm tù, cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo nội dung vụ án, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc GPBank Chi nhánh TPHCM giai đoạn 2009 - 2010, Lê Thị Minh Hiền đã gây thất thoát 10,5 tỉ đồng do tạm ứng quỹ để sử dụng cá nhân.

Cùng thời gian này, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 mở nhiều tài khoản tiền gửi tại GPBank Chi nhánh TPHCM, trong đó có 4 tài khoản với tổng số dư gần 10,8 tỉ đồng. Đây là số tiền bồi thường từ một dự án thu hồi đất trên địa bàn quận.

Do quen biết, tháng 7/2016, Lê Thị Minh Hiền nhờ Lê Quốc Cường dùng 4 tài khoản tiền gửi tại GPBank Chi nhánh TPHCM bảo lãnh khoản vay 10,5 tỉ đồng ở ngân hàng khác.

Sau khi xem hồ sơ, Cường đồng ý và Hiền hứa sẽ trả khoản vay ngân hàng sau 7 ngày. Sau đó, Cường tiến hành tất toán 4 tài khoản tiền của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 tại Ngân hàng GPBank Chi nhánh TPHCM, chuyển đến Ngân hàng Agribank Chi nhánh Chợ Lớn) nhằm đảm bảo khoản vay của Hiền tại ngân hàng này.

Ban lãnh đạo Ngân hàng GPBank Chi nhánh TPHCM tất toán 4 tài khoản trên nhưng chỉ thao tác trên chứng từ. Thực chất chỉ có gần 280 triệu đồng chuyển đến Ngân hàng Agribank Chi nhánh Chợ Lớn. Số tiền còn lại trong 4 tài khoản vẫn ở Ngân hàng GPBank Chi nhánh TPHCM. Cáo trạng kết luận, việc lập hồ sơ vay tiền từ tài khoản bảo lãnh chỉ là hình thức, mục đích thực sự của Hiền là chiếm đoạt 10,5 tỉ đồng của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1.

Bị cáo Nghiêm Tiến Sỹ biết rõ Hiền làm thâm hụt 10,5 tỉ đồng của Ngân hàng nhưng vẫn giúp đỡ Hiền giải quyết hậu quả trái pháp luật. Sỹ chỉ đạo nhân viên tất toán 4 tài khoản tiền gửi trái quy định, tạo điều kiện cho Hiền chiếm đoạt 10,5 tỉ đồng.

Trong vụ án này, Cường đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký giấy đề nghị tất toán 4 tài khoản tiền gửi khiến Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 thất thoát 10,5 tỉ đồng. Cường đã đòi Hiền trả lại số tiền trên nhưng bà này mất khả năng thanh toàn, khiến Cường phải bù số tiền hơn 5 tỉ đồng vào quỹ của Ban.

Bình luận (0)

Lên đầu trang