(CAO) Liên quan đến vụ hỗn hợp vỏ cà phê được tìm thấy tại một kho hàng ở Bình Phước, chiều 24/4, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước Phạm Thị Ánh Hoa - người phát ngôn của tỉnh Bình Phước xác nhận:
Cơ quan chức năng địa phương đã phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông khám xét kho hàng của bà Phan Thị Dung - chủ Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung (đóng tại ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Qua khám xét, cơ quan chức năng tìm thấy hơn 300 bao vỏ cà phê đang được lưu trữ trong kho hàng chứa hồ tiêu của công ty này.
Toàn bộ số vỏ cà phê nói trên đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra liên quan đến vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Nông.
Hỗn hợp vỏ cà phê và sỏi đã nhuộm bột pin được thu giữ tại cơ sở của bà Loan ở Đắk Nông. Ảnh: TL
Hiện mẫu vỏ cà phê được phát hiện trong kho hàng của bà Dung đã được gửi đi giám định để xem có liên quan đến việc trộn thêm đá sỏi nhỏ và nhuộm bột cục pin hay không; đồng thời làm rõ động cơ nhập vỏ cà phê về chứa trong kho hồ tiêu.
Được biết, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung chuyên mua bán hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
*Cùng ngày, Thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Cơ quan công an đã thu giữ 3 tấn hỗn hợp vỏ cà phê trộn sỏi nhỏ và nhuộm bột pin được cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) bán cho một doanh nghiệp khác.
Về mục đích làm ra hỗn hợp, bước đầu Loan khai nhận để bán cho Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn; và đã bán được 3 tấn. Sau đó, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp trên cho Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành thu giữ được lượng hỗn hợp nêu trên tại kho nông sản của Phan Thị Dung ở Bình Phước.
Hiện Công an tỉnh Đắk Nông đang tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, chứng cứ để khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.
Theo người dân, một số thương lái gian dối đã dùng vỏ cà phê và đá sỏi nhỏ đã được nhuộm đen để trộn vào hạt hồ tiêu nhằm tăng trọng lượng, thu lợi bất chính.