(CAO) Ngày 17-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an (CA) quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1994, ngụ thôn Giang Liễu, xã Phước Liễu, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đơn vị cũng đang củng cố hồ sơ làm rõ vai trò của nhóm đối tượng liên quan, gồm Nguyễn Thị Mỹ Hà (SN 1979, ngụ phường Giang Biên, quận Long Biên), Nguyễn Văn Anh (SN 1992, ngụ quận Nam Từ Liêm) và Trần Ngọc Trung (SN 1986, ngụ Ngọc Trục, Đại Mỗ, Từ Liêm).
Qua mạng xã hội, Nguyễn Thị Mỹ Hà biết chương trình vay tín chấp theo sim Viettel, hạn mức từ 25 - 50 triệu đồng. Hà đã ly hôn chồng, lại không có việc làm ổn định nên nảy ý định câu kết với Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên của một công ty tài chính, làm giả hồ sơ vay để rút tiền của ngân hàng.
Trung tá Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) CA quận Long Biên cho biết, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, kẻ chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp lộ diện mà sử dụng chân rết là các đối tượng thất nghiệp, yêu cầu họ chụp ảnh, làm giả chứng minh nhân dân (CMND) để rút tiền. Trong khi đó, thủ tục tại các bưu điện rất đơn giản, người đến rút tiền chỉ cần mã code và CMND.
13 giờ ngày 14-4, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) CA quận Long Biên phát hiện Văn Anh, Ngọc Trung xuất hiện tại Bưu điện Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Văn Anh vào bên trong dùng CMND giả mang tên Trần Xuân Duy làm thủ tục rút 25 triệu đồng của ngân hàng. Khi đối tượng ra ngoài, các trinh sát đã tổ chức lực lượng bắt giữ cả Văn Anh và Ngọc Trung.
Từ lời khai của hai đối tượng trên, Đội CSHS CA quận Long Biên bắt giữ Nguyễn Thanh Tuyền và Nguyễn Thị Mỹ Hà. Tại cơ quan điều tra, Tuyền khai từng theo học lập trình phần mềm của một trường đại học liên kết giữa Ấn Độ và Việt Nam tại Hà Nội. Tháng 10-2017, Tuyền xin thử việc tại một công ty tài chính với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, kinh tế khá chật vật.
Đối tượng Tuyền
Tại công ty, nhiệm vụ của Tuyền là tư vấn, thiết lập hồ sơ cho người có nhu cầu vay tiền. Đối tượng phải kiểm tra CMND, sổ hộ khẩu gốc của khách hàng, sau đó nhập dữ liệu về công ty thực hiện việc thẩm định, cho vay. Chỉ tiêu để kết thúc kỳ thực tập, trở thành nhân viên chính thức của công ty là Tuyền phải ký được hợp đồng với 18 khách hàng.
Vì vậy khi Mỹ Hà đặt vấn đề làm giả hồ sơ vay tín chấp, Tuyền đồng ý ngay vì đôi bên cùng có lợi. Hà mua số sim Viettel của người vay với giá 800.000 đồng, cung cấp qua mạng zalo cho Tuyền cùng sổ hộ khẩu, CMND, hai số điện thoại tham chiếu của người thân khách hàng.
Tuyền tự lập hồ sơ, đẩy lên hệ thống dữ liệu thẩm định duyệt vay của ngân hàng. Hà mua một điện thoại di động của nước ngoài, cùng lúc cài đặt được nhiều số máy. Nhân viên ngân hàng gọi đến thẩm định, Hà có thể đổi 6 giọng nói khác nhau nên dễ dàng qua mắt họ. Khi hồ sơ được duyệt, Hà thuê người dùng CMND giả đến bưu điện rút tiền.
Vốn quen biết từ trước, Hà bảo chụp ảnh để dán vào CMND của người khác lấy tiền, Trung biết hành vi đó là sai phạm, nhưng vẫn thực hiện. Trung đã 4 lần rút tiền vay giúp Hà, được trả công 500.000đ/lần. Văn Anh từ miền Nam ra Hà Nội ăn Tết, Trung cũng lôi kéo thực hiện hành vi phạm tội.
Tại cơ quan CA Hà khai chi cho Tuyền công lập hồ sơ vay vốn là 500.000 đồng/hồ sơ. Sau khi rút được tiền, Hà gửi vào số tài khoản người cung cấp số sim khách hàng vay. Mỗi hồ sơ, Hà được 2 triệu đồng, bao gồm cả tiền mua sim.
Cơ quan CSĐT CA quận Long Biên đã yêu cầu phía ngân hàng cung cấp 75 hồ sơ tín dụng giả, số tiền bị chiếm đoạt lên tới khoảng 1,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra ban đầu, 1/75 hồ sơ đối tượng dùng để vay tiền thì xác định không có người đứng tên trong hộ khẩu. Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.