Những bất cập trong việc các ngân hàng duy trì chính sách chăm sóc khách hàng VIP một cách trái quy định… là vấn đề được các chuyên gia tài chính, luật sư đề cập đến tại buổi tọa đàm “trách nhiệm của ngân hàng trước nỗi lo an toàn tiền gửi” do Báo Người Tiêu dùng tổ chức vào sáng 12-4-2018.
Cẩn thận khi làm khách hàng VIP
Thời gian gần đây, nhiều vụ mất tiền tại các ngân hàng đã gây xôn xao dư luận, trong đó nổi cộm nhất là việc bà Chu Thị Bình – Phó TGĐ Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú bị mất 245 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank chi nhánh TPHCM (Eximbank HCM).
Vụ việc mất tiền của bà Bình có dấu hiệu bị rút tiền gửi bất hợp pháp từ hệ thống của Eximbank có liên quan trực tiếp đến sự đào thoát ra nước ngoài của Lê Nguyên Hưng- nguyên Phó giám đốc Eximbank HCM.
Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tới nay đã khởi tố vụ án, khởi tố bốn bị can là nhân viên của ngân hàng Eximbank HCM vì họ đã có những sai phạm trong việc giúp sức cho Lê Nguyên Hưng chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình.
TS Nguyễn Trí Hiếu
Đánh giá về sự việc này, TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế - đã cho rằng: Hiện nay các ngân hàng thương mại nhận gửi tiền huy động với mức lãi suất chỉ 6-7%/ năm nhưng tại sao người dân vẫn gửi tiền vào đây với số tiền gửi khoảng 6 đến 7 triệu tỷ đồng?
Bởi vì, thứ nhất gởi tiền vào ngân hàng là an toàn. Thứ hai, tính cho vay của ngân hàng thương mại cũng mang tính an toàn. Ngân hàng không phải là công ty tài chính, không phải là quỹ đầu tư, không phải là những tổ chức đầu tư mạo hiểm. Do đó, ngân hàng cho vay là phải đảm bảo tiền đó phải thu về do đó đa số họ đòi hỏi khoản vay phải có thế chấp.
Thực chất, tiền cho vay từ ngân hàng cũng chính là tiền gửi, do đó ngân hàng phải đòi hỏi chặt chẽ. Vì vậy, hoạt động của ngân hàng là hết sức an toàn theo nguyên lý và cách thức họ thực hiện. Số vụ việc tiền xảy ra rất ít so với số tiền gửi song dù ít song vẫn xảy ra, dù ít song vẫn rất được quan tâm bởi vì ngân hàng là một kênh gửi tiền gần như là an toàn tuyệt đối do đó người ta không chấp nhận các vụ mất tiền của khách hàng mà không có lý do rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm.
Hiện nay, số lượng các ngân hàng quá lớn, tới 44 ngân hàng cho thấy các ngân hàng đang hết sức cạnh tranh, cạnh tranh đến nỗi xuất hiện các khách VIP, trong đó NH phải chấp nhận những cái chuẩn để kéo khách VIP gửi tiền về mình. Tuy nhiên, trong hệ thống NH vẫn chưa thực sự là cạnh tranh theo đúng nghĩa kinh tế thị trường giữa các tổ chức kinh doanh tiền tệ.
Các NH chỉ mới cạnh tranh ở khúc mời khách hàng gửi tiền vào thôi, họ tìm cách thu hút khách hàng vào chứ còn việc giải đáp trục trặc, thắc mắc của khách hàng một cách thỏa đáng. Khách hàng cũng chưa nhận được những thông tin một cách thỏa đáng, nên hệ thống NHTM vẫn còn rất nhiều vấn đề...
TS Hiển khẳng định: “Người dân rất tin tưởng hệ thống NHTM, họ không coi đó là ngân hàng tư nhân mà coi đó là hệ thống ngân hàng được Nhà nước giám sát, thậm chí là được nhà nước bảo trợ, hỗ trợ nếu NH đó có trục trặc. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có sự chủ động đầu tư để nâng cao tính an toàn nội bộ để nâng chất lượng. Một số ngân hàng sử dụng hệ thống quá lỗi thời cách nay tới 5-10 năm.
Các NHTM có đội ngũ kiểm toán, kiểm soát nội bộ rất hùng hậu nhưng lại không làm việc hiệu quả vì nó có hình thức tổ chức thì có nhưng về mặt nội dung thì không. Do đó, do chúng ta là người gửi tiền, đặc biệt là các khách hàng VIP không nên quá tin vào sự an toàn của ngân hàng, vào một cá nhân nào trong ngân hàng mà nên tuân thủ nhưng quy định của ngân hàng để mang lại sự an toàn cho người gửi tiền. Tôi quan sát thấy rằng, người gửi tiền tại Việt Nam không dùng hết các công cụ an toàn như kiểm tra tiền gửi, SMS, internet Banking để thường xuyên kiểm tra tài khoản….".
LS Trần Hải Đức – Đoàn Luật sư TPHCM
Ngân hàng vẫn thả lỏng trong kiểm soát
Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín - Giám đốc điều hành Công ty luật Nhà Quản lý, Thành viên của Đoàn Luật sư TP.HCM và giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng: Hiện nay người dân gửi tiền vào ngân hàng hoàn toàn bằng niềm tin, tín chấp. Quan hệ giữa khách hàng và NH là quan hệ bất cân xứng, khách hàng không đòi hỏi NH phải kinh doanh tiền của chúng tôi như thế nào…
Theo quy định, thông tư hướng dẫn của NHNN hiện nay thì quy trình gởi và rút tiền tương đối chặt chẽ. Phiếu rút tiền hoặc chuyển tiền cho khách hàng thì có ít nhất 6 chữ ký bao gồm chữ ký của khách hàng, của giao dịch viên, của kế toán, thủ quỹ, kiểm soát viên và chữ ký của ban giám đốc. Do đó, có thể nói vai trò của khách hàng, giao dịch viên rất là mờ nhạt.
Do đó, TS Tiến đánh giá cách hành xử của các ban lãnh đạo các ngân hàng bị mất tiền hiện nay là còn thờ ơ và thiếu sự sòng phẳng, thiếu trách nhiệm trong việc ứng xử đối với các khoản tiền mà khách hàng gởi vào ngân hàng mà bị mất.
LS Trần Hải Đức – Đoàn Luật sư TPHCM cũng chia sẻ về một bản án đã có hiệu lực về pháp luật liên quan tới 4 ngân hàng thương mại. Trong đó, môt công ty có mở tài khoản tại 4 ngân hàng một cách hợp lệ. Tuy nhiên, kế toán trưởng công ty đã giả chữ ký của chủ tài khoản là tổng giám đốc để rút hơn 3 tỷ đồng. Sau khi chủ tài khoản phát hiện và làm đơn tố cáo thì kế toán trưởng nhanh chóng bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì sử dụng hành vi gian dối.
Tuy nhiên, hai lần tòa xử ở cấp sơ thẩm, đều xác định công ty bị kế toán trưởng giả chữ ký rút tiền là bị hại, bốn ngân hàng là các bên liên quan và kết luận bị cáo phải trả tiền cho bị hại và bốn ngân hàng không có liên quan vì các NH đều cho rằng họ làm đúng.
Tại phiên phúc thẩm lần thứ hai, tòa cấp cao tại TPHCM đã bị thuyết phục bởi lập luận: “Đúng là bị cáo có hành vi lừa đảo nhưng họ lừa đảo ai? Vấn đề là ở chỗ này. Không lẽ sau khi kế toán trưởng giả chữ ký tổng giám đốc song lại đem lại cho Tổng giám đốc kiểm tra thì bị lộ thì sao.
Do đó, việc giả chữ ký không nhằm lừa đảo tổng giám đốc mà chính là lừa đảo ngân hàng. Trong quy trình kiểm tra của các ngân hàng rất chặt chẽ. Khi khách hàng mang giấy rút tiền đến gặp giao dịch viên, giao dịch viên sẽ kiểm tra xem chữ ký và con dấu có đúng như chữ ký và con dấu đã đăng ký hay không và kiểm tra số tiền trong tài khoản, sau đó đóng dấu xác nhận. Sau đó, kiểm soát viên nội bộ tiếp tục kiểm tra chữ ký và con dấu trên chứng từ và nếu thấy đúng, an toàn thì họ sẽ đóng dấu… Rõ ràng trong vụ án này, các ngân hàng là người bị hại bởi vị kế toán trưởng này lừa ngân hàng với mục đích lấy tiền chứ đâu có lừa công ty?
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ; hiện nay, NHNN quy định, người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch tại tổ chức nhận tiền. Việc chi trả tiền gốc lãi cho khách hàng rút tiền cũng phải được thực hiện tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng…Dường như các cơ quan quản lý bỏ trống việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng cử cán bộ nhân viên của mình đến nhà các khách hàng VIP.
Hiện nay, quy định này được các ngân hàng có quy định nội bộ nhưng cũng có quy định bất thành văn và tùy theo các chính sách chăm sóc của khách hàng, NH đã tạo ra các rủi ro cả về không gian về thời gian. Thứ nhất, rủi ro về không gian đến từ việc cán bộ nhân viên đem tiền từ nhà khách hàng về kho quỹ hoặc đem tiền từ ngân hàng đến nhà khách hàng sẽ chịu rất nhiều rủi ro như cướp, cháy nổ, tai nạn…
Thứ hai, rủi ro về thời gian vì nếu nhân viên chưa nhập tiền vào kho quỹ thì giao dịch chưa hòan thành và người nhân viên đó có thể cầm số tiền đó và tẩu thoát. Từ cái rủi ro đó cho thấy việc chăm sóc khách VIP như cách của các NH đang làm hiện nay có rủi ro quá lớn.
Trách nhiệm ở đây các cơ quan quản lý chưa có một quy định chặt chẽ, các NH cũng đang thả lỏng cho vấn đề kiểm soát, và khách hàng cũng đã hợp tác với NH trong việc để tạo điều kiện cho tội phạm...