(CAO) Quản lý taxi công nghệ như thế nào để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, không để rơi vào thế quản không được thì siết, đang là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý.
Mới đây, sau khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể yêu cầu quản lý chặt loại hình xe Uber và Grab như taxi, hàng nghìn lái xe là đối tác Grabcar đã ký đơn kêu cứu.
Góc nhìn từ nhà quản lý
Tại cuộc họp sửa Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, Bộ trưởng BGTVT đã phát biểu, chỉ trong 2-3 năm nay, Grab và Uber (thời điểm chưa sáp nhập-PV) đã có khoảng 40.000 phương tiện (nhiều nhất là từ 4-7 chỗ ngồi) gây ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, đã làm phát sinh nhiều vấn đề như cướp giật trên xe mà không ai chịu trách nhiệm.
Theo Bộ trưởng, hoạt động của dịch vụ gọi xe công nghệ thực chất là hoạt động kinh doanh vận tải công cộng như taxi, áp dụng công nghệ trong kết nối với lái xe, chủ hãng. Chính vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu tổ soạn thảo Nghị định 86 (sửa đổi) phải nhìn nhận đúng bản chất của sự việc và xử lý được vấn đề trách nhiệm của các hãng Uber, Grab trong quản lý lái xe.
Cụ thể, các hãng phải ký hợp đồng lao động với tài xế, chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề tiêu cực như hành khách bị cướp giật, quên đồ trên xe; đảm bảo người dân khi sử dụng dịch vụ của các hãng sẽ được bảo vệ.
Đại diện Cục Đường bộ - Bộ GTVT, nhấn mạnh, do trước đây có nhiều quan điểm khác nhau trong định nghĩa xe Uber, Grab là loại hình taxi hay xe hợp đồng điện tử nên hiện thời vẫn chưa có kết luận chính thức. Chính vì vậy khi có chỉ đạo của Bộ trưởng, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu chỉnh sửa nghị định 86 theo hướng thắt chặt các điều kiện kinh doanh của Grab như với taxi truyền thống.
Nếu đúng như vậy thì sắp tới đây, các đối tác của Grab sẽ phải chịu sự quản lý theo theo doanh nghiệp hợp tác xã và quy định việc bảo vệ khách hàng giống như áp dụng với taxi truyền thống. Khi hoạt động, các phương tiện kinh doanh Grabcar sẽ phải gắn logo nhận dạng, và phải sơn xe cùng một màu theo qui định đã có từ trước đó...
Không cần phải sơn cùng màu, mang màu để nhận diện, người dân cũng có thể phân biệt xe chạy dịch vụ Grab
Nhiều ý kiến trái chiều
Đứng trước những quy định có thể sẽ sớm thành hiện thực này, các hãng taxi công nghệ lo lắng một thì giới tài xế đối tác lo lắng gấp nhiều lần bởi phần lớn đều đặt cược cuộc mưu sinh cho bản thân và gia đình vào những chuyến xe. Chính vì vậy, hơn 3.000 lái xe đã ký tên tập thể vào một thư kiến nghị và cầu cứu dài trên 3 trang gửi Bộ GTVT và Ban soạn thảo sửa Nghị định 86. Qua đó đề nghị các Bộ, ngành có liên quan (trong đó có Bộ GTVT) nên xem xét hài hòa giữa lợi ích các bên. Đánh giá đúng bản chất của loại hình taxi công nghệ để có sự hài hòa giữa loại hình kinh doanh vận tải cũ và mới.
Theo đó, đối với loại hình đặt xe công nghệ, những ưu điểm được được nhóm tài xế phân tích, khách hàng sẽ được hưởng một dịch vụ đặt xe, di chuyển an toàn và tiện lợi, tiết kiệm hơn. Thay vì phải gọi lên tổng đài và không chắc chắn mình có xe đến đón, khách hàng có thể yên tâm khi cuốc xe đã được xác nhận. Danh tính tài xế, biển số xe, thời gian xe đến đón, số tiền cần trả cho một cuốc xe, lộ trình di chuyển được khách hàng biết trước nên rất tiện ích và an toàn. Ngoài ra khách hàng chọn xe công nghệ còn được phản hồi, đánh giá chất lượng lái xe sau mỗi chuyến xe…
Quan trọng nhất là quyền lợi của các tài xế là đối tác của Grab, họ có thể chủ động thời gian, tự do sắp xếp công việc của mình phù hợp với điều kiện của từng người mà vẫn có thể kiếm thêm thu nhập. Việc sử dụng dịch vụ Grab, Uber đã cắt giảm một cách đáng kể, tiết kiệm thời gian lao động của lái xe, tiết kiệm chi phí nhiên liệu...
Điều xã hội không thể phủ nhận là sự xuất hiện của ứng dụng đặt xe công nghệ đã đem lại một luồng gió mới trong cung cách phục vụ của ngành vận tải hành khách nói riêng, ngành dịch vụ nói chung. Sau sự ra đời của các công ty công nghệ ở Việt Nam, mặt bằng dịch vụ cũng có sự cải thiện đáng kể, đã tạo nên một chuẩn mực cao hơn đối với chất lượng dịch vụ vận tải và trở thành hình mẫu để taxi nói chung phải thực hiện theo nếu muốn giữ chân khách hàng.
Đến nay, hàng chục công ty lớn nhỏ, bao gồm cả các hãng taxi truyền thống cũng học hỏi kinh nghiệm và tự cho ra đời những ứng dụng đặt xe của riêng mình. Như vậy, có thể nói, ứng dụng đặt xe công nghệ đã lan toả cảm hứng cho toàn nền kinh tế để áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh và rộng hơn là vào đời sống xã hội.
Thạc sĩ Phạm Chi, chuyên ngành quản lý kinh tế: “Chúng ta không nên quá bảo thủ trong công tác quản lý mà hãy có góc nhìn mở hơn. Grab, Uber chỉ là hai công ty đại diện cho loại hình kinh doanh mới - kinh doanh taxi công nghệ. Chính họ đã mang “luồng gió mới” làm thay đổi nhiều thứ trong loại hình dịch vụ vận tải. Ngay cả các công ty taxi truyền thống cũng phài nhìn vào đấy là tự thay đổi.
Trong xu thế công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nếu không có Grab, Uber thì sẽ có các công ty khác xuất hiện như hiện nay. Mai Linh, Vinasun cũng đã áp dụng phần mềm tính cước, sắp tới đây, chúng ta còn có Vato (Phương Trang), Viettel… tất cả đã đầu tư vào xây dựng phần mềm điều phối hoạt động vận tải như loại hình này.
Điều này có nghĩa sắp tới chúng ta sẽ phải mở rộng quan điểm quản lý, coi đây là một loại hình kinh doanh mới so với loại hình kinh doanh cũ chứ đừng nghĩ chỉ có Grab và Uber rồi xem họ như “người ngoài” mà đối xử khắt khe”.
Luật sư Minh Thuận (Đoàn Luật sư TP.HCM): Căn cứ quy định pháp luật hiện hành không có điểm nào được phép cấm loại hình đặt xe công nghệ. Nếu hạn chế thì nên hạn chế cách quản lý truyền thống không hợp thời, khuyến khích loại hình hiện đại vì nó mang nhiều lợi ích, an toàn cho người dân chứ chúng ta không thể chăm chăm bảo vệ cái cũ”.